‘Cuộc chiến’ nhiều duyên nợ
Sân bay Long Thành được xem là dự án trọng điểm quốc gia và mang tầm cỡ hàng đầu khu vực châu Á Thái Bình Dương với tổng vốn đầu tư 14.9 tỷ USD. Gói thầu nhà ga hành khác (gói 5.10) là gói có vốn đầu tư khủng nhất hiện nay với hơn 35.2 ngàn tỷ đồng. và trong khoảng thời gian gần đây, nó cũng trở thành tâm điểm trên truyền thông khi ngày công bố đơn vị trúng thầu cận kề.
Trong 3 liên danh nộp hồ sơ dự thầu, ngoại trừ liên danh do nhà thầu Trung Quốc đứng đầu vốn khá ít thông tin, còn lại những doanh nghiệp trong các 2 nhóm liên danh lần lượt được giới truyền thông bóc tách mổ xẻ về năng lực cũng như uy tín trong lĩnh vực mình phụ trách.
Đặc biệt, trong những nhóm doanh nghiệp này với nhiều doanh nghiệp vốn có nhiều duyên nợ với nhau trên thương trường nên cuộc chiến trên truyền thông trước giờ mở thầu lại vô cùng hấp dẫn.
Đó là cuộc đối đầu giữa Coteccons và Newtecons, hai doanh nghiệp được sáng lập bởi ông Nguyễn Bá Dương, nhưng bây giờ đã là hai bên chiến tuyến. Mới đây nhất, Coteccons bất ngờ bị ông lớn Ricons réo tên, yêu cầu mở thủ tục phá sản và đã tạo nên những làn sóng dư luận trong vài ngày qua. Tuy nhiên, Coteccons đã chính thức lên văn bản khẳng định Ricons không cung cấp được chứng từ pháp lý theo giá trị công nợ yêu cầu dù phía Coteccons đã có thiện chí.
“Cuộc chiến’ trên truyền thông khiến dư luận đặt trọng tâm về những cái tên trên, tuy nhiên cần biết rằng có những cái tên khác vốn có sức nặng và tiếng nói không hề nhỏ trong cuộc đấu thầu lần này nhưng lại khá thầm lặng. Nếu như trong liên danh Hoa Lư, ngoài Coteccons được xem như là cái tên nổi bật, đứng mũi chịu sào cho cả nhóm thì ở Vietur ‘quyền lực’ chia đều cho tất cả chứ không chỉ dành cho người đứng đầu là IC Ictas hay nhóm của ông Nguyễn Bá Dương.
Theo thông tin từ biên bản mở thầu, IC Istats mặc dù là đơn vị đứng đầu liên danh VIETUR nhưng năng lực phát hành bảo lãnh dự thầu của IC Istats chỉ giới hạn có 23%, tương đương 85,6 tỷ đồng của khoản bảo lãnh dự thầu bắt buộc 370 tỷ đồng và được bảo lãnh bởi ngân hàng Vietinbank. Khoản bảo lãnh còn lại 77% được chia ra cho 9 thành viên còn lại trong liên danh gánh vác. Trong khi đó, ở 2 liên danh Trung Quốc và Hoa Lư thì việc phát hành bảo lãnh dự thầu có giá trị 100% được thực hiện bởi duy nhất 1 thành viên đứng đầu liên danh.
Cụ thể, Vietinbank bảo lãnh cho Ricons (48,7 tỷ đồng), Newtecons (37,4 tỷ đồng), SOL E&C (22,8 tỷ đồng), Xây dựng số 1 (25,9 tỷ đồng), Kết cấu ATAD (65,8 tỷ đồng), Hawee Cơ điện ( 10,7 tỷ đồng). Còn BIDV sẽ bảo lãnh cho Vinaconex (40,7 tỷ đồng), Phục Hưng Holdings (15,5 tỷ đồng), Xây dựng Hà Nội (16,6 tỷ đồng).
Phát hành bảo lãnh dự thầu lên đến 18%, ATAD là ai?
Mặc dù là thành viên có năng lực giới hạn trong hạng mục thi công kết cấu thép, nhưng ATAD lại là doanh nghiệp phát hành bảo lãnh dự thầu lên đến 18% tương đương 65,8 tỷ đồng, cao thứ nhì trong liên danh Vietur, cao hơn cả những doanh nghiệp trong hệ sinh thái của ông Nguyễn Bá Dương và cả Vinaconex - một ‘ông trùm’ ngành xây dựng.
Vậy ATAD là ai?
CTCP Kết cấu Thép ATAD thành lập vào năm 2004, chuyên cung cấp giải pháp trọn gói gồm tư vấn, thiết kế, sản xuất và lắp dựng sản phẩm kết cấu thép.
Doanh nghiệp này là nhà thầu kết cấu thép cho loạt dự án hàng không tại Việt Nam do Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư như: Sân bay quốc tế Cam Ranh, Sân bay quốc tế Đà Nẵng, Sân bay quốc tế Cát Bi, Sân bay quốc tế Phù Cát, Sân bay quốc tế Phú Quốc.
Về ban lãnh đạo, ông Huỳnh Ngọc Đông (sinh năm 1976) làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, còn ông Nguyễn Lê Anh Tuấn (sinh năm 1977) đảm nhiệm vai trò Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật.
Hai nhân tố này cũng góp mặt trong cơ cấu cổ đông của ATAD với tỷ lệ chia đều, mỗi người 49,5% trong tổng vốn góp là 120 tỷ đồng. Hai cổ đông còn lại sở hữu 1% vốn là bà Trương Thị Như Ánh, có trùng địa chỉ với ông Đông và bà Đinh Thị Thanh Thuyên, cùng địa chỉ hộ khẩu với ông Tuấn. Tháng 07/2021, ATAD tăng vốn lên 400 tỷ đồng và xuất hiện cổ đông ngoại là Kanematsu Corporation (Nhật Bản), sở hữu 25% vốn.
Trúng nhiều gói thầu lớn, báo cáo riêng lẻ của Atad cho thấy, công ty này đều đặn ghi nhận khoản lãi cả trăm tỉ đồng trong các năm gần đây. Giai đoạn 2016 - 2019, doanh thu của ATAD đều trên 1.000 tỷ đồng, mức lợi nhuận trước thuế dao động từ 100 tỷ đến 400 tỷ đồng. Tổng tài sản của doanh nghiệp này tính đến cuối năm 2019 vượt 2.000 tỷ.
Nếu như giai đoạn 2016 -2019, báo cáo kinh doanh của Atad khá tốt thì trong khoảng từ 2020 đến nay tình hình kinh doanh lại khá ‘bí ẩn”.
Mới đây nhất ngày 14/7 Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, ban hành Quyết định số 210/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Kết cấu thép ATAD Đồng Nai (địa chỉ tại lô F, khu công nghiệp Long Khánh, xã Bình Lộc, thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai), số tiền phạt 85 triệu đồng do có hành vi không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật.
Trước đó, Công ty cổ phần Kết cấu thép ATAD Đồng Nai không gửi nội dung công bố thông tin cho Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đối với: Báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu năm 2020, Báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu bán niên năm 2021, Báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu bán niên 2022, Báo cáo tài chính năm 2020, Báo cáo tài chính bán niên năm 2021, Báo cáo tài chính bán niên năm 2022; Tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu năm 2020, Tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu bán niên năm 2021, Tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu bán niên năm 2022.
Về hoạt động kinh doanh, trong năm 2022, Công ty cổ phần Kết cấu thép ATAD Đồng Nai ghi nhận lợi nhuận giảm 13,1% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 4,54 tỷ đồng, về 30,21 tỷ đồng. Trong đó, tính tới cuối năm 2022, hệ số dư nợ trái phiếu trên vốn chủ sở hữu là 0,1 lần, tương ứng tổng dư nợ trái phiếu là 40,46 tỷ đồng.
Ngoài ra, đáng chú ý hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sử hữu lên tới 4,23 lần, tương ứng nợ phải trả khoảng 1.711,4 tỷ đồng.
Không chỉ vi phạm thông tin tài chính, Công ty này cũng đã dính một vài lùm xùm liên quan trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Cụ thể, vào ngày 22.6.2023, tại Công ty Cổ phần kết cấu thép ATAD Đồng Nai (Công ty ATAD) tại Khu công nghiệp Đông Xuyên TP Vũng Tàu đã xảy ra vụ tai nạn lao động nghiêm trọng. Vụ tai nạn đã làm một người bị tử vong, một công nhân bị gãy chân.
Trước đó, vào tháng 8/2022, Ban Quản lý các Khu Công nghiệp đã tiến hành kiểm tra và phát hiện có vi phạm trong việc cho thuê nhà xưởng để hoạt động kinh doanh sản xuất. Vì vậy, đến tháng 10/2022, Ban đã có văn bản yêu cầu Công ty TNHH Strategic Marine chấm dứt việc cho Công ty ATAD thuê nhà xưởng. Đồng thời, yêu cầu Công ty ATAD chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh để hoàn thiện thủ tục theo quy định.
Đến tháng 12/2022, Ban Quản lý các Khu Công nghiệp có văn bản lần 2 đề nghị 2 doanh nghiệp thực hiện nội dung trên. Tuy nhiên, đến nay, Công ty ATAD vẫn tiếp tục hoạt động và chưa hoàn thành các thủ tục theo yêu cầu của cơ quan chức năng.