Vào ngày 19/03 sắp tới, Jollibee chuẩn bị khai trương cửa hàng thứ 150 của mình tại Việt Nam. Đây cũng là cửa hàng đầu tiên của thương hiệu đồ ăn nhanh Phillipine được ra mắt trong năm 2022.
Dù rất cởi mở khi công bố các kế hoạch mở rộng và khai trương cửa hàng, nhưng Jollibee lại giữ im lặng về tình hình kinh doanh của mình kể từ khi đại dịch COVID-19 lần đầu xuất hiện.
Tuy vậy, theo thông tin mới nhất được công bố bởi Vietnam Report, tính đến hết năm 2019, Jollibee Việt Nam lỗ luỹ kế 63 tỷ đồng trong khi quy mô vốn điều lệ chỉ 409 tỷ đồng. Cũng trong năm này, công ty thu về 1.118 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận gộp lên tới 604 tỷ đồng và phải chịu lỗ 10 tỷ đồng.
Trên thực tế, Jollibee không phải là thương hiệu đồ ăn nhanh duy nhất có tình hình kinh doanh ảm đạm tại Việt Nam. Burger King, McDonald’s, hay Lotteria Vietnamđều có chung hoàn cảnh.
Thậm chí với trường hợp của Lotteria Vietnam, tờ The Korea Times còn nhận định thương hiệu này không tạo ra bất kỳ đồng lợi nhuận nào cho Lotte GRS (đơn vị kinh doanh nhà hàng của Tập đoàn Lotte) trong năm 2020.
Theo các chuyên gia trong ngành, việc các chuỗi đua nhau mở rộng hệ thống ảnh hưởng rất lớn đến doanh số và lợi nhuận. Ngoài ra, các thương hiệu này khi vào Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với sự tiện lợi của ẩm thực đường phố. Giá bán của các mặt hàng đồ ăn nhanh được cho là rẻ ở nước ngoài nhưng lại đắt đỏ ở Việt Nam.
Về phần Jollibee, dù đối mặt với khó khăn và sự cạnh tranh gay gắt với các đối thủ cùng ngành tại Việt Nam, Jollibee vẫn duy trì việc mở thêm cửa hàng mới. Tuy vậy, số lượng cửa hàng mở thêm lại giảm dần theo năm tháng. Trong năm 2015, Jollibee mạnh tay mở thêm 48 cửa hàng, nhưng đến 2021 chỉ mở thêm 8 cửa hàng.
Nói về triển vọng kinh doanh năm 2022, ông Lâm Hồng Nguyễn, Tổng giám đốc Jollibee Việt Nam cho biết năm nay vẫn tiếp tục là một năm khó khăn cho tất cả doanh nghiệp F&B và các đối tác tại Việt Nam. “Dựa vào tình hình lây lan dịch bệnh hiện nay, khả năng ít nhất trong 6 tháng đầu năm, tình hình kinh doanh sẽ chưa có gì khởi sắc.”
“Các doanh nghiệp F&B có thể sẽ quan tâm hơn đến việc xây dựng mô hình kinh doanh an toàn hơn, phù hợp với mục tiêu tối ưu các chi phí vận hành. Do đó, việc mở rộng hệ thống kinh doanh cũng sẽ không nhanh như thời gian trước dịch,” ông Lâm Hồng Nguyễn cho biết thêm.
Dù vậy, công ty vẫn đặt mục tiêu vào năm 2025 sẽ phát triển trở thành chuỗi cửa hàng tiêu thụ thức ăn nhanh hàng đầu tại Việt Nam về hệ thống cửa hàng; từng bước trở thành chuỗi cửa hàng bán thức ăn nhanh được người Việt Nam yêu thích.
Trên thị trường thế giới, Jollibee cũng đang tích cực đẩy mạnh thâu tóm các thương hiệu ẩm thực khác để mở rộng ảnh hưởng và quy mô.
Tháng 8 năm ngoái, Jollibee cho biết sẽ mua 15% cổ phần còn lại của Tim Ho Wan – chuỗi nhà hàng nổi tiếng Hong Kong với giá 52,8 triệu USD. Trước đó, thương hiệu Phillipine đã sở hữu đến 85% cổ phần của Tim Ho Wan.
Tháng 9/2020, Jollibee đã mua lại The Coffee Bean & Tea Leaf với giá 350 triệu USD. Ngoài ra, hang cũng mua lại Smashburger từ Denver.
Thị trường nước ngoài hiện chiếm khoảng 40% doanh thu của Jollibee. Trong nửa đầu năm 2021, bất chấp những ảnh hưởng từ COVID-19, Jollibee đạt doanh thu toàn cầu là 1,4 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm ngoái.