“Người Việt Nam chuộng thức ăn truyền thống hơn vì họ nghèo, họ không có đủ tiền để ra những cửa tiệm đồ ăn nhanh, còn ở Philippines, chúng tôi có hàng ngàn cửa hàng đồ ăn nhanh. Các quốc gia nghèo khó như Việt nam thì không phải là địa chỉ tiềm năng cho các thương hiệu đồ ăn nhanh đến” - Một người Philippines bình luận trong nhóm cộng đồng We Are Asean, và dĩ nhiên, bình luận này đã gây tranh cãi dữ dội.

Gần đây, xung quanh câu chuyện sự phát triển của các thương hiệu đồ ăn nhanh tại Đông Nam Á được đưa ra, cộng đồng mạng Philippines đang muốn “gây chiến” và thể hiện một thái độ khá là “thượng đẳng” với cộng đồng mạng Indonesia và Việt Nam. Những cư dân mạng Philippines cho rằng Philippines đang phát triển, giàu có hơn Việt Nam, bằng chứng là thương hiệu thức ăn nhanh nổi tiếng McDonald’s đã mở hơn 600 cửa hàng tại Philippines trong khi đó, con số cửa hiệu của thương hiệu này tại Việt Nam chỉ là 22. Ngoài ra, những người Philippines dẫn thêm số liệu về số lượng các cửa hàng KFC, Jollibee tại Philippines vượt trội so với phía Việt Nam….

Tài khoản Diwa Assumpta bình luận: “Tôi thấy phần lớn người Việt Nam không đủ tiền mua những món ăn đắt tiền ở McDonald's, vì thu nhập của họ rất thấp, thấp hơn rất nhiều so với thu nhập của người Philippines”.

“Việt Nam nghèo, đó là lý do vì sao McDonald’s không mở nhiều cửa hàng ở Việt Nam” - Chalong Thongthang bình luận.
“Họ không có được một chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh nào ra hồn, thua xa so với Jollibee của chúng ta”.

“Hãy nhìn sang Việt Nam, họ không có thương hiệu đồ ăn nhanh nào nổi tiếng toàn cầu cả. Còn Philippines thì có Jollibee, hãng này có thể cạnh tranh sòng phẳng với McDonald’s mặc dù McDonald’s là một hãng đồ ăn tên tuổi trên thế giới. Và bây giờ Jollibee có tới hơn 450 cửa hàng trên thế giới và đang không ngừng phát triển” - Mark Joshua.
Trên Quora, độc giả Nathan Wild đặt ra câu hỏi, nếu lựa chọn giữa một cái bánh hamburger nhỏ bé giá 3 đô với một tô bún Việt Nam có nhiều thịt, rau, nhân mì hơn với giá 1,5 đô, bạn sẽ chọn món gì? Đó là một câu hỏi có lẽ nhiều người thừa biết câu trả lời. Đại đa phần khách du lịch nước ngoài không muốn ghé vào những tiệm đồ ăn nhanh mặc dù chúng quen thuộc với họ, vì họ biết rằng nền ẩm thực Việt Nam là vô cùng đồ sộ, vĩ đại và đáng thưởng thức.

Tại Philippines, có một món ăn được chế biến từ thịt thừa của các nhà hàng, thịt thải loại mót từ các túi rác… Người Philippines gọi là Pagpag. Pagpag được chế biến bằng gom những thứ thịt đã được vứt đi, kể cả những miếng thịt đã bị cắn dở, có những miếng thịt phần lớn chỉ còn phần xương, người ta còn chấp nhận lấy cả những miếng thịt lẫn trong những loại rác khác, đem đi rửa sạch và chế biến cùng với cà chua, hành tây... sử dụng để ăn với cơm. Hiện tại, có khoảng gần 2 triệu người dân Philippines vẫn phải sử dụng món ăn này ít nhất 3 lần/1 tuần - tương đương với 2% dân số nước này, và dĩ nhiên con số này hoàn toàn có thể cao hơn. Báo giới Philippines từng cay đắng nói rằng Pagpag là góc khuất của ngành công nghiệp đồ ăn nhanh tại nước này, phản chiếu rõ ràng sự phân biệt giàu nghèo kinh khủng của một quốc gia từng lớn mạnh thứ hai châu Á - sau Nhật Bản.

Theo thống kê của ADB, tỷ lệ hộ nghèo năm 2019 của Philippines tiệm cận con số 20%, còn chỉ số đó tại Việt Nam chỉ rơi vào khoảng 3,5%, còn thấp hơn cả Thái Lan. Xét về mức thu nhập bình quân đầu người, Nikkei cho biết, Việt Nam đã vượt Philippines và chỉ trong 2 năm tới, có thể vượt Philippines về quy mô nền kinh tế. Vậy nên, nói Philippines phát triển và giàu mạnh hơn Việt Nam chỉ qua việc đếm các thức ăn nhanh được mở, e rằng là lộng ngôn và thiếu căn cứ.

Nếu nói về việc tại sao mà các hãng thức ăn nhanh như McDonald’s hay Burger King thất bại tại Việt Nam, đơn giản là người Việt Nam có nhiều lựa chọn tốt hơn cả về tầm giá, độ ngon, dinh dưỡng và cách chế biến.

Theo khảo sát của Bloomberg, mức giá tối thiểu để một người lớn ăn đủ no tại một cửa hàng thức ăn nhanh vào khoảng 5 đô/1 bữa ăn, tương đương khoảng gần 120 ngàn đồng. Với số tiền đó, người Việt có thể dễ dàng lựa chọn những món ăn tốt hơn về nhiều mặt. Người Việt dễ dàng so sánh, nếu sử dụng 4 đô - khoảng 92 ngàn đồng cho bữa ăn, thay vì lựa chọn Big Mac, họ sẽ chọn ăn bánh mì. Tại những tiệm bánh mì nổi tiếng, mức giá cho một cái bánh mì loại tốt nhất rơi vào tầm giá 2 đô, với số tiền còn lại, người Việt Nam vẫn còn dư để uống cà phê.

Ngoài ra, người Việt không chỉ có bánh mì, họ còn có hơn 200 món ăn đường phố khác. Sự đang dạng về ẩm thực truyền thống Việt Nam khiến menu của những thương hiệu đồ ăn nhanh quốc tế bỗng chốc trở thành thiếu thốn.
“Tôi từng đến Hà Nội du lịch và tôi định ghé vào tiệm McDonald’s ở gần Hồ Hoàn Kiếm. Nhưng sau đó tôi quyết định lựa chọn những hàng quán địa phương cho chuyến du lịch ẩm thực. Tôi chỉ phải tốn hơn 5 đô la để thưởng món bún chả, bún đậu mắm tôm, cà phê vỉa hè… Tôi đã hiểu tại sao McDonald’s chỉ mở một cửa hàng tại đây, vì mở nhiều cạnh tranh không có nổi”- Độc giả tại Quora nhận xét.

Các hãng thức ăn nhanh tự hào về chữ “fast” của họ, nhưng tại Việt Nam, CNBC từng thẳng thắn thừa nhận rằng, sẽ là dại dột nếu đem “fast” ra so sánh với các cửa hàng đồ ăn nhanh Việt Nam. Đầu bếp nổi tiếng thế giới Gordon Ramsay từng nói rằng hệ thống ẩm thực đường phố Việt Nam là "ma trận". Thực khách có thể tìm thấy các cửa hàng đồ ăn ở bất cứ con phố nào, bất cứ con đường nào, ở bất cứ nơi đâu, từ thành phố đến những vùng quê. Chính vì sự cạnh tranh lớn như vậy, các cửa hàng bắt buộc phải nhanh, nếu không, họ sẽ bị mất khách vào tay các cửa hàng khác.

Các thương hiệu đồ ăn nhanh quốc tế thường được mở các trung tâm thương mại, những vị trí đắt đỏ và dễ nhận biết, nhưng những nơi đó có hàng trăm ngàn quán ăn đường phố vây quanh. Gần giống như trong binh pháp, thế trận mà những hàng quán Việt Nam “giăng” ra, là lấy nhiều địch ít, lấy nhỏ địch to, bao vây và bóp nghẹt. Tại Việt Nam, hơn 90% dân số sử dụng phương tiện cá nhân, họ ưa sự thuận tiện và dễ dãi, rất hiếm người trẻ ghé vào những tiệm đồ ăn nhanh để ăn sáng vì các cửa hàng đồ ăn nhanh nước ngoài....chậm chạp và không thuận tiện. Vào buổi trưa, người Việt thích lựa chọn các món cơm, ăn nhanh rồi nghỉ ngơi, còn buổi tối, người Việt thích về ăn cùng với gia đình.
Người Việt có thể tìm đến các cửa hàng đồ ăn nhanh, nhưng đó không phải là một lựa chọn hàng đầu, với phần lớn người Việt, đó chỉ là một lựa chọn “ăn trải nghiệm” hoặc “ăn để biết”.

Thực ra, không phải hãng thức ăn nhanh nào cũng thất bại tại Việt Nam, KFC, Lotteria, Jollibee hay các hãng pizza... đều đang để lại nhiều dấu ấn, tuy nhiên, nói là thành công thì e vẫn còn là còn thách thức và quá sớm.
Nhiều người Phillipines cho rằng McDonald's thất bại tại Việt Nam vì Việt Nam nghèo (?), đúng là người Việt Nam chưa giàu, nhưng chẳng có người Việt Nam nào phải ăn những món ăn như Pagpag cả.

---
Tác giả: Tifosi