Nếu bạn thích phân tích cổ phiếu, thị trường và tài chính thì đây là một trường hợp khó có thể bỏ qua. McDonald’s là một chuỗi đồ ăn nhanh lớn với tổng vốn hóa hơn 155 tỷ USD. Với cỗ máy marketing sẵn có, họ đã thành công trong việc chinh phục gần như toàn cầu, cho nên hiếm khi nào gặp trường hợp ngược lại.

Nhưng khi vào Việt Nam thì họ chậm lại với hiện tại 23 cửa hàng trên toàn quốc, quá nhỏ so với tham vọng 100 từ lúc đầu.

Khi một chuỗi đồ ăn nhanh nào đó của Mỹ thất bại hay gặp khó khăn ở đâu đó thì người ta sẽ ít nhiều nghĩ rằng người dân ở đó nghèo cho nên không có đủ tiền mua. Đây không phải là ngộ nhận riêng lẻ đâu mà còn là suy nghĩ chung của nhiều người.

Tôi cũng từng nghĩ vậy, ngay cả trước khi McDonald’s vào Việt Nam vì với giá thành đó thì ít ai mà mua ăn. Bởi vì thu nhập trung bình vẫn thấp so với các nước khác.

Việc cho rằng “Việt Nam nghèo nên các hãng đồ ăn nhanh thất bại” xét ở một số mặt thì đúng nhưng chưa toàn diện.

Hiện tại với mức lương 10-15 triệu/tháng ở Sài Gòn hay Hà Nội thì một bữa ăn Big Mac Meal với giá 80,000-100,000 VND [lâu rồi không đi nên quên giá] thì quá cao so với một ngày lương. Cho nên người ta sẽ thỉnh thoảng ăn chứ không thường xuyên.

Tuy nhiên, cũng tương tự như trường hợp của Starbucks, nếu chỉ xét về giá và thu nhập thôi vẫn sẽ không giải thích được vì nguyên nhân không nằm trong các con số. Nhiều phân tích viên ngồi trong phòng máy lạnh với Excel trên màn hình đang quên đi một yếu tố quan trọng mang tính chất quyết định.

Đó là Việt Nam là vương quốc ẩm thực đường phố.

Nói ra không phải vì tôi là người yêu nước hay để khởi động niềm tự hào dân tộc, mà vì nó ngon thực sự. Hãy hỏi bất cứ ai đã đi xa dù là du học, làm việc hoặc định cư thì sẽ luôn nhớ ẩm thực Việt. Đồ ăn của chúng ta đặc trưng và khó có thể thay thế được.

Hãy bước ra đường phố thì sẽ thấy sự nhộn nhịp. Từ xe bán bánh mì, hủ tíu gõ, quán cơm tấm, quán phở, cô bán xôi hay đơn giản là một quán vỉa hè với nét riêng. Xung quanh bạn là đồ ăn kèm với sự tiện lợi của chiếc xe máy.

Từ đó bạn có thể bắt đầu hình dung và tự hỏi.

1. Tại sao ai đó phải bỏ 100,000 để ăn McDonald’s trong khi ổ bánh mì vừa ngon mà chỉ có giá 20,000.
2. Tại sao phải mua Starbucks với giá gấp đôi của Phúc Long, Highlands hay The Coffee House.

Bạn bắt đầu hiểu ra chưa. Họ nghĩ rằng vì có thương hiệu McDonald’s, cái tên Tây hay phong cách hiện đại thì sẽ thắng. Nhưng sai quá sai. Người Việt Nam dù lương thấp hay cao đã có quá nhiều đồ ăn xung quanh mình và nó rẻ hơn rất nhiều. Chưa kể với những Grab hay Now thì có thể đặt rồi giao tận nơi. Đố chuỗi nào của Tây Phương có thể làm vậy với giá cạnh tranh hơn.

Họ muốn mang vào Việt Nam mô hình đồ ăn nhanh nhưng quên rằng chúng ta đã có nó từ lâu. Đâu phải lúc nào những kế hoạch kinh doanh cũng đúng. Cho dù nếu McDonald’s và phở có cùng giá thì tôi vẫn sẽ ăn phở vào buổi sáng vì tôi cần đồ ăn nước khi cơ thể chưa tỉnh.

Các hãng đồ ăn nhanh thất bại ở Việt Nam không hoàn toàn do người Việt nghèo, mà vì họ đã có quá nhiều lựa chọn khác phong phú hơn. Những McDonald’s hay Hungry Jack thất bại không phải vì giá quá cao, mà vì đồ ăn Việt Nam quá ngon. Chúng ta nên coi đó là lợi thế.

Đừng mong đánh bại ẩm thực Việt ngay trên đất Việt Nam vì đồ ăn ngon nơi đây có thừa.

Bóc Phốt Tài Chính | 08.3.2021

Nguồn: Trong Nhan Nguyen