ho-so-nha-sang-nghiep-cau-chuyen-khoi-nghiep-cua-ong-to-tap-doan-thuc-pham-va-dinh-duong-lon-nhat-the-gioi-nestle-1632015653.jpg

Henri Nestlé từ kiến thức nền tảng của ngành dược áp dụng vào lĩnh vực kinh doanh đã tạo nên một tập đoàn thực phẩm và dinh dưỡng hàng đầu thế giới với 500 nhà máy sản xuất trên toàn cầu và 250.000 nhân viên. Ông còn gây ấn tượng với việc tên tuổi của mình nổi tiếng khắp thế giới khi luôn được gắn liền với tên sản phẩm.

Nhà kinh doanh xuất thân từ một dược sĩ

Henri Nestlé tên thật là Heinrich Nestlé, sinh ngày 10 tháng 08 năm 1814 trong một gia đình tư sản tại Frankfurt, Đức. Cha của ông là Johann Ulrich Matthias Nestle và mẹ là Anna-Maria Catharina Ehemant. Ông là đứa con thứ mười một trong gia đình có mười bốn anh chị em. Năm 1833, ông hoàn thành chương trình thực tập dược sĩ và di cư đến Thụy Sỹ. Đến năm 1839, ông được cấp bằng dược tá tại Lausanne - Thụy Sỹ, Henri bắt đầu hành nghề tại đây. Thời gian này, ông đổi tên thành Henri Nestlé để phù hợp với môi trường mới. 

Năm 1843, dược sĩ Marc Nicollier đã giới thiệu cho Henri mua lại một cơ sở kinh doanh có tên “En Rouvennaz” tại Vevey. Từ đó, ông bắt đầu cuộc phiêu lưu dấn thân vào lĩnh vực kinh doanh. Lúc đầu, ông tập trung sản xuất thực phẩm, nước khoáng, nước giải khát. Sau đó ông chuyển sang sản xuất khí lỏng dành để thắp sáng vào những năm 1850. Henri Nestlé chia sẻ rằng ông chưa từng thử qua một khóa học kinh doanh nào từ nhỏ cho đến khi ở trên đỉnh cao sự nghiệp. Những gì ông đạt được đều nhờ sự kết hợp giữa kiến thức ngành dược vào kinh doanh.

ho-so-nha-sang-nghiep-cau-chuyen-khoi-nghiep-cua-ong-to-tap-doan-thuc-pham-va-dinh-duong-lon-nhat-the-gioi-nestle-3-1632015653.jpg

Ông kết hôn với Clementine Ehmant - con gái của một bác sĩ tại Frankfurt vào năm 46 tuổi. Nhờ vào cuộc hôn nhân này, ông đã trở thành giai cấp quý tộc và được chính thức công nhận là dược sĩ.

Sáng lập tập đoàn thực phẩm và dinh dưỡng Nestlé

Vào những năm 1860, nhiều trẻ sơ sinh không được bú mẹ đầy đủ dẫn đến tỉ lệ tử vong của trẻ sơ sinh tại Châu Âu rất cao. Trước thực trạng này, Henri Nestlé nghiên cứu và lên ý tưởng tạo ra một sản phẩm thay thế sữa mẹ nhằm cung cấp đầy đủ nguồn dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh. Ông đã mất rất nhiều thời gian để có thể cho ra một sản phẩm hoàn chỉnh. 

Sản phẩm đầu tiên Henri cho ra mắt là một loại sữa gồm đường và sữa cô đặc, Nhưng sản phẩm này không đáp ứng đầy đủ nhu cầu của trẻ sơ sinh và không phù hợp để sử dụng hằng ngày. Ông tiếp tục quá trình nghiên cứu sữa của mình với tiêu chí tạo ra sản phẩm dinh dưỡng nhất đồng thời dễ tiêu hóa. 

Vào tháng 02/1867, con trai của Schnetzer - một nhà khoa học và là bạn của Henri Nestlé được sinh ra đời. Cậu bé này được dùng thử sản phẩm bột ngũ cốc như một thức ăn dặm và thử nghiệm này đã thành công. Đồng thời vào năm 1867, Henri tình cờ phát hiện một đứa bé sinh non đang không thể ăn được bất cứ thứ gì. Tình trạng của đứa bé không tốt và rất yếu ớt. May mắn, nhờ bột ngũ cốc của ông, đứa bé đã phục hồi rất nhanh và ăn uống được bình thường chỉ sau một vài ngày. Nhờ đó, thương hiệu của Nestlé đã được các bà mẹ biết đến.

Với sự thành công ngoài mong đợi của bột ngũ cốc, Henri Nestlé đã bắt tay vào thành lập công ty, mua máy móc để sản xuất hàng loạt sản phẩm có tên “Farine Lactée Nestlé”. Henri hiểu rằng sữa mẹ là sự lựa chọn tốt nhất cho trẻ sơ sinh và một sản phẩm có thể thay thế cho sữa mẹ phải được làm từ hỗn hợp bột mì và sữa bò. Ông cũng hiểu rằng thành công của sản phẩm cần đến từ sự kết hợp của nhiều yếu tố như: sữa phải dễ tiêu hóa cho trẻ, dễ dàng pha chế, tiện lợi cho mẹ và giá cả phải chăng.

Sau khi sản phẩm “Farine Lactée Nestlé” được sản xuất hàng loạt, Henri Nestlé đã phát triển các hệ thống phân phối. Từ hệ thống phân phối nội địa phát triển thành hệ thống phân phối cho các nước lân cận thông qua các đại lý. Sản phẩm “Farine Lactée Nestlé” ra đời ở Thụy Sỹ, sau đó thị trường kinh doanh được mở rộng sang các nước của Châu Âu như Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Nga, Bỉ,... và các châu lục khác. 

Nhờ đầu óc kinh doanh nhạy bén, Henri đã nhận ra được tầm quan trọng của việc tạo dựng thương hiệu. Ông đã sử dụng chính họ của mình - Nestlé để làm thương hiệu cho các sản phẩm. Trong tiếng Đức, Nestlé có nghĩa là tổ chim nhỏ. Trải qua 154 năm có mặt trên thị trường, hình ảnh tổ chim này đã, đang và vẫn tiếp tục được sử dụng làm biểu tượng của tập đoàn Nestlé.

Chỉ trong vòng 8 năm (1867-1875), sản phẩm bột ngũ cốc của Nestlé đã bán được trên 1 triệu hộp tại 18 nước trên 5 châu lục. Cùng với việc phát triển của sản phẩm ngày càng thành công, Henri Nestlé đã thế chấp nhà cửa, vay vốn để đầu tư thêm vào nhà xưởng, máy móc. Nhờ vào việc mở rộng thị trường sang Mexico, Argentina và Indonesia, doanh số bán hàng tăng vọt. Tên của Nestlé xuất hiện trong tất cả các quảng cáo và bao bì bột ngũ cốc.

Vào cuối năm 1874, Henri Nestlé đã quyết định bán lại công ty với giá 1 triệu Franc cho một người bạn. Cùng với đó là việc nhượng lại thương hiệu “Farine Lactée Nestlé” và chữ ký Henri Nestlé cho người chủ mới. Henri Nestlé mất vào ngày 7 tháng 7 năm 1890.

Năm 2020, tập đoàn Nestlé có doanh thu 84,343 tỷ franc Thụy Sỹ (giảm 8,89% so với năm 2019), lợi nhuận ròng đạt 12,2 tỷ franc Thụy Sỹ (giảm 2,99% so với năm 2019) nhưng vẫn vượt kỳ vọng. Thêm vào đó, doanh số bán hàng hữu cơ của công ty này tăng 3,6%, bỏ xa mức 1,9% của đối thủ Unilever. Mức cổ tức của Nestlé cũng tăng lên 2,75 franc Thụy Sỹ/cổ phiếu, đây cũng là lần thứ 26 tăng cổ tức liên tiếp của công ty này. 

Tính đến tháng 06/2021, tổng tài sản của Nestlé rơi vào khoảng gần 127 tỷ franc Thụy Sỹ. Hiện tại, cổ phiếu của Nestlé với mã NESN đang được giao dịch tại Sàn giao dịch SIX Thụy Sỹ với mức giá 114.38 franc Thụy Sỹ (tính đến ngày 17/09/2021).

ho-so-nha-sang-nghiep-cau-chuyen-khoi-nghiep-cua-ong-to-tap-doan-thuc-pham-va-dinh-duong-lon-nhat-the-gioi-nestle-2-1632015653.jpg

Nestlé lần đầu tiên đến Việt Nam vào năm 1916, mở văn phòng đại diện năm 1993, thành lập Công ty TNHH Nestlé Nestlé Việt Nam vào năm 1995. Các sản phẩm nổi tiếng của Nestlé đang được sản xuất ở Việt Nam là thức uống MILO, cà phê hòa tan NESCAFE, bột nêm và nước chấm MAGGI,...

Năm 2019, doanh thu thuần của Nestlé Việt Nam là 15.967 tỷ đồng, tăng trưởng 12% so với năm 2018. Lợi nhuận ở mức tăng trưởng ấn tượng 22% đạt 1.844 tỷ đồng. Bên cạnh đó, quy mô tổng tài sản của công ty này là 8.281 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu là 3.106 tỷ đồng vào cuối năm 2019.

Năm 2020, Nestlé Việt Nam lọt vào Top 3 các doanh nghiệp bền vững trong sản xuất. Cà phê được xem là một trong những mảng đầu tư thành công nhất của Nestlé tại Việt Nam. Mỗi năm, công ty đều thu mua 20-25% sản lượng cà phê Việt Nam, đóng góp vào nền kinh tế khoảng 600 triệu USD/năm thông qua các hoạt động sản xuất và xuất khẩu cà phê.

*Bài viết cần sự đồng ý của tác giả trước khi dẫn lại về website khác. Mọi hình thức copy không xin phép đều vi phạm bản quyền.

Nguyên Thảo

Vietnam Business Insider