Tiểu sử ông Nguyễn Văn Khoa
Ông Nguyễn Văn Khoa, sinh năm 1977, là một trong những lãnh đạo trẻ của FPT. Ông tham gia vào FPT từ năm 1997 với vai trò đầu tiên là nhân viên triển khai, hỗ trợ kỹ thuật mạng Trí tuệ Việt Nam. Năm 2012, khi mới 35 tuổi, ông Khoa được bổ nhiệm là Tổng giám đốc FPT Telecom, lãnh đạo đội ngũ 14.000 người. Tháng 3/2018, ông được luân chuyển làm Phó Tổng giám đốc FPT, Tổng giám đốc Công ty Hệ thống thông tin FPT (FPT IS) trong chương trình quy hoạch và đào tạo đội ngũ lãnh đạo kế cận Tập đoàn FPT.
Quá trình công tác của ông Nguyễn Văn Khoa:
- Năm 1997: gia nhập FPT với vị trí nhân viên kỹ thuật.
- 1998- 2003: Trưởng phòng Dự án; Trưởng phòng Quảng cáo và Phát triển; Trưởng phòng Hỗ trợ kỹ thuật của Trung tâm FPT Internet, Công ty FPT.
- 2003 - 2005: Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng thuộc FPT Telecom.
- 2006 - 2007: Phó Giám đốc Kinh doanh - Chi nhánh Công ty FPT Telecom Hà Nội, Giám đốc chi nhánh FPT Telecom tại Hải Phòng.
- 2008 - 2010: Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Viễn thông Quốc tế FPT thuộc FPT Telecom.
- 2010 - 2012: Phó Tổng Giám đốc thường trực FPT Telecom.
- 2012 đến 03/2018: Tổng Giám đốc FPT Telecom.
- 03/2018 – 3/2019: Phó Tổng Giám đốc FPT, Tổng Giám đốc FPT IS.
- 01/07/2015 đến nay: Kiêm nhiệm Giám đốc Chi nhánh FPT tại TP Hồ Chí Minh.
Dấu ấn quản trị của Nguyễn Văn Khoa tại FPT
Từ phía lãnh đạo doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Khoa mở màn bằng những hành động cấp thiết kịp thời của Ban Lãnh đạo FPT để vượt bão COVID-19 đã qua.
"Một năm 2020 đầy bão táp đã qua đi nhưng dịch bệnh COVID-19 vẫn còn là mối đe dọa lớn đối với nhân loại. Nền kinh tế thế giới lao đao, chuỗi cung ứng toàn cầu đứt đoạn, nhiều ngành nghề đối mặt với khủng hoảng trầm trọng… Với FPT nói riêng, COVID-19 là phép thử sức bền và tính thích nghi. Qua đó, thôi thúc chúng tôi nhanh chóng tìm ra sức mạnh của Tập đoàn, nhằm đảm bảo hoạt động kinh doanh và vận hành liên tục, trên cơ sở phát huy nguồn lực sẵn có. Ban Điều hành chúng tôi khát khao, dốc sức vì sự phát triển trường tồn của FPT và cam kết đưa tăng trưởng thành hành động của mỗi cán bộ nhân viên".
Đó là thông điệp được Tổng Giám đốc FPT – Nguyễn Văn Khoa gửi đến những cổ đông, đối tác, không chỉ xuất phát từ cá nhân vị CEO nằm trong Top 5 người trẻ nhất nhóm doanh nghiệp VN30, đó còn là khí thế và ý chí của tập thể lãnh đạo trẻ và 30.651 "thủy thủ" trên đoàn tàu FPT vừa đi qua tâm bão COVID-19.
Vào tháng 3 năm 2021, ông Nguyễn Văn Khoa đắc cử chức Chủ tịch VINASA - Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam. Trước đó, vị trí Chủ tịch thuộc về ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT. Hiệp hội này được tổ chức lần đầu tiên vào ngày 27/4/2002, tnh đến tháng 12/2020, Hiệp hội hiện có hơn 400 hội viên, có nhiều đổi mới, hoàn thiện hệ sinh thái riêng, tạo uy tín lớn trong nước và quốc tế.
FPT Telecom dưới thời ông Nguyễn Văn Khoa
Trong suốt thời kỳ làm Tổng giám đốc FPT Telecom, ông Khoa đã cùng các cán bộ quản lý nòng cốt đưa ra những quyết sách và tầm nhìn mới mẻ, giúp cho đơn vị này giữ vững vị trí Top 3 công ty cung cấp dịch vụ internet hàng đầu Việt Nam, sở hữu hạ tầng Viễn thông, Internet và truyền hình phủ rộng 63/63 tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó, việc FPT Telecom triển khai thành công tuyến đường trục Bắc – Nam 1.800 km, chuyển đổi toàn bộ hạ tầng cáp đồng sang cáp quang trong 1 năm – nhanh gấp 2 lần so với tiến độ dự kiến cũng có công lớn của ông Nguyễn Văn Khoa. Đây cũng là bước nền móng cho sự phát triển lớn mạnh của Truyền hình FPT hiện đại khi quyết định lựa chọn kinh doanh IPTV (truyền hình qua internet) thay cho truyền hình cáp.
Trong 5 năm ông Khoa lãnh đạo và dẫn dắt, doanh thu FPT Telecom tăng 2,6 lần, lợi nhuận tăng 1,6 lần; nhân sự tăng gần gấp 2 lần và có tỷ lệ đóng góp cao nhất trong lợi nhuận tập đoàn (2012-2016). Chủ tịch HĐQT FPT, ông Trương Gia Bình đã nhìn nhận và đánh giá cao về năng lực tập hợp, tổ chức lực lượng của ông Nguyễn Văn Khoa. Ông Bình nhận thấy, đây là con người có khả năng truyền cảm hứng, thúc đẩy và cổ vũ động viên đội ngũ cùng hướng về mục tiêu chung.
"Ở bất cứ cương vị nào, ông Khoa cũng thể hiện sự nhiệt huyết, quyết tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ. Chúng tôi tin tưởng với tình yêu FPT và sức trẻ, ông Khoa, cùng đội ngũ ban lãnh đạo các cấp sẽ đưa FPT chinh phục những mục tiêu và đỉnh cao mới", ông Bình đánh giá.
Năm 2020, FPT tăng trưởng doanh thu 7,6% so với cùng kỳ khi đạt mốc gần 29.000 tỷ đồng và lợi nhuận cũng tăng trưởng 12,8% so với cùng kỳ khi đạt 5.261 tỷ đồng, với các điểm sáng tới từ mảng chuyển đổi số và dịch vụ công nghệ thông tin. Lãi cơ bản trên cổ phiếu đạt 4.119 đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, khối giáo dục và đầu tư đóng góp 5%; khối viễn thông chiếm 39% với 11.466 tỷ đồng, tăng 10,3% so với 2019; khối công nghệ của FPT đóng góp 56% với 16.805 tỷ đồng, tăng 6,5% so với cùng kỳ.
Kết thúc năm 2022, FPT ghi nhận doanh thu 44.017 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 7.654 tỷ đồng. Mảng dịch vụ CNTT tại thị trường nước ngoài cũng ghi nhận doanh thu ký mới đạt 21.594 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD), tăng trưởng 39% so với năm trước, tạo đà tăng trưởng tốt cho năm 2023. Mảng dịch vụ CNTT tại thị trường trong nước đạt doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt 6.586 tỷ đồng và 434 tỷ đồng, tương đương tăng trưởng 6,3% và 15,3% so với cùng kỳ. Trong đó, các sản phẩm, giải pháp thuộc hệ sinh thái Made by FPT mang lại 1.150 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng 54,3% so với cùng kỳ.
Trong quý 1/2023, chuỗi FPT Shop liên tục chịu ảnh hưởng xấu từ áp lực giảm cầu, sự cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường bán lẻ. Trong bối cảnh đó, công ty đưa ra nhiều chính sách giảm giá, khuyến mại nhằm kích cầu cho các sản phẩm điện tử, đặc biệt là sản phẩm Apple. Áp lực nói trên làm doanh thu thị trường chung sụt giảm rất mạnh trong 3 tháng đầu năm 2023, doanh thu của chuỗi FPT Shop trong quý 1 về mức 4.513 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ. Trong điều kiện thị trường chung không thuận lợi, FPT Long Châu vẫn là điểm sáng trong tình hình kinh doanh của FRT. FPT Long Châu duy trì tốt tốc độ mở rộng chuỗi cửa hàng cũng như hiệu quả hoạt động trên từng cửa hàng, đưa doanh thu chuỗi FPT Long Châu đạt mức 3.284 tỷ đồng, tăng 52% so với quý 1/2022.