Ở Anh, vào năm 1966, một cậu thanh niên tên Gerald Ratner đã tham gia quản lí công ty trang sức của gia đình, lúc đó có tên là Ratners Group. Với triết lí “trên thị trường, kẻ nào rao to nhất với giá tốt nhất sẽ là kẻ thắng”, anh chàng Ratner đã đưa Ratners Group lên một tầm cao mới.

ratners-group-1683783732.jpg
 

Vào những năm 1980, Ratners Group đã trở thành đế chế hàng đầu trong phân khúc trang sức giá rẻ, đến nỗi ở bất cứ con đường lớn nào ở Anh cũng thấy cửa hàng của Ratners Group. Các biển quảng cáo hạ giá bán, khuyến mãi trang sức Ratners Group giăng khắp nơi. Việc làm ăn của Ratner vô cùng thuận lợi.

Nhờ sự thành công trong quản lí của Ratner, anh chàng này đã được vinh dự mời phát biểu tại Viện Quản trị (IoD). Nhưng đó cũng là lúc một thảm họa trên trời rơi xuống (hay trong mồm bay ra) đã tàn sát luôn đế chế mà Ratner dày công gầy dựng…

Trong buổi đàm thoại tại IoD ngày 23/04/1991, khi được hỏi về lí do tại sao mà Ratners Group có thể bán các sản phẩm trang sức – mỹ phẩm với giá quá rẻ như thế, Gerald Ratner đã phát biểu một câu bất hủ:

Người ta hỏi tôi:

– Tại sao anh lại bán được hàng với chi phí thấp đến thế?

Tôi trả lời:

– Ừ thì do toàn là hàng lởm rẻ tiền mà.

Chưa dừng lại ở đó, anh chàng còn khẳng định “… có một số loại khuyên tai mà Ratners Group đang bán còn rẻ và mau hư hơn cả một cái sandwich nữa”.

Ngay khi vừa được phát biểu xong, những lời vàng ngọc của Ratner được truyền bá rộng rãi đi khắp nơi, và thậm chí còn trở thành đề tài bàn tán của mọi người từ báo chí ra tận đời thực. Và lời bàn tán tăng chừng nào, khách hàng bỏ Ratners Group chừng nấy. Chả ai muốn tặng người yêu của mình một thứ trang sức lởm cả.

Thời điểm sau phát biểu của Ratner, giá cổ phiếu của Ratners Group giảm thảm hại. Chỉ trong chốc lát, vốn hóa của Ratners Group bốc hơi tận 500 triệu bảng Anh. Công ty gần như sụp đổ. Vào tháng 11/1992, Ratner phải từ chức, và vào tháng 9/1993, Ratners Group phải thực hiện kế kim thiền thoát xác, đổi tên thành Signet Group cho đến tận ngày nay. Còn câu chuyện cuồng ngôn của Ratner sau này được truyền bá rộng rãi trong giới quản lí, và tên của anh đã được ưu ái đặt cho Hiệu ứng Ratner (Ratner Effect), nhằm chỉ các trường hợp phát ngôn bừa bãi ảnh hưởng đến chuyện làm ăn.

Nói chung, dù bạn đang ở vị trí nào, thì cũng đừng bao giờ nói năng bừa bãi."

Nguồn: Ecoblader