Ngân hàng thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam - CTG trong quý 2/2023 có tổng thu nhập hoạt động kinh doanh đạt 17,8 nghìn tỷ đồng, tăng 11,5%so với cùng kỳ.

Có được kết quả này là nhờ thu nhập lãi tăng 6,2% so với cùng kỳ và thu nhập ngoài lãi tăng 27,7% so với cùng kỳ. Mức tăng trưởng ấn tưởng của thu nhập ngoài lãi đến từ 2 yếu tố chính là lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối đạt 1,2 nghìn tỷ (tăng 44,6% so với cùng kỳ) – mức cao thứ 2 toàn ngành và thu nhập khác đạt 1,8 nghìn tỷ (tăng 60% so với cùng kỳ) chủ yếu nhờ công tác thu hồi nợ xấu đạt 2 nghìn tỷ đồng.

Tại cuối quý 2, tỷ lệ nợ xấu của CTG đạt 1,27% - giảm nhẹ so với quý trước (1,28%) và ở mức thấp thứ 4 trong số các ngân hàng có cùng quy mô. Trong khi đó, tỷ lệ bao nợ xấu của ngân hàng đạt 169% - giảm nhẹ từ mức 173% tại cuối quý 1/2023 nhưng vẫn xếp thứ 2 cao nhất trong ngành. 

Ngân hàng đã thực hiện trích lập dự phòng mạnh mẽ trong quý 2 để chủ động ứng phó trước các diễn biến của nền kinh tế. Chi phí tín dụng của ngân hàng tăng 21 điểm cơ bản lên 1,92%. CTG tiếp tục duy trì chất lượng tài sản ở mức tốt khi hầu hết các ngân hàng đều có sự suy giảm chất lượng tài sản trong khoảng thời gian hiện tại. Tại cuối quý 2/2023, các khoản nợ được tái cơ cấu theo TT02/23 của CTG đạt 2 nghìn tỷ đồng ( khoảng 0,16% tổng dư nợ).

"Chúng tôi đặc biệt ấn tượng do CTG có thể cải thiện NIM so với cùng kỳ trong hoàn cảnh toàn ngành khó khăn như hiện tại, đặc biệt trong bối cảnh các khoản tiền gửi/vay từ Chính phủ và NHNN (một trong những nguồn vốn quan trọng với các NH quốc doanh) đã giảm mạnh trong quý 2/2023. 

Cụ thể, tỷ trọng các khoản vay từ Chính phủ trên tổng tài sản chịu lãi đã giảm về mức 0,3% từ mức 6,0% tại cuối quý 1. Sự thiếu hụt nguồn vốn này đã được bù đắp từ nguồn vốn liên ngân hàng – với mức lãi suất đang ở mức đáy trong 2 năm gần đây, từ đó giúp ngân hàng cải thiện NIM. 

Cho nửa cuối năm 2023, chúng tôi duy trì dự phóng NIM của CTG có thể đạt mức 3% trong năm nay (duy trì cùng mức so với năm ngoái). Chúng tôi tin rằng CTG vẫn có thể cải thiện NIM trong nửa cuối 2023 khi mức lãi suất tiền gửi của ngân hàng đã giảm 0,7 – 1,7 điểm % từ cuối quý 2/2023 cho các khoản tiền gửi có kỳ hạn dài hơn 6 tháng", công ty chứng khoán VnDirecrt nhận định.

Mới đây, VietinBank đã chính thức tung ra gói hỗ trợ lãi suất dành cho các khoản vay phục vụ nhu cầu đời sống của khách hàng. 

Theo đó, khách hàng có nhu cầu vay để trả nợ trước hạn tại các ngân hàng với các khoản vay phục vụ sản xuất kinh doanh và khoản vay phục vụ tiêu dùng có tài sản bảo đảm (vay mua nhà, mua xe…) sẽ được hỗ trợ vay vốn tại VietinBank với lãi suất ưu đãi chỉ từ 5,6%/năm. 

Cụ thể, với các khoản vay phục vụ mục đích sản xuất kinh doanh, khách hàng sẽ nhận được mức lãi suất chỉ từ 5,6%/năm. Với các khoản vay tiêu dùng, mức lãi suất áp dụng sẽ chỉ từ 7,5%/năm. 

Khách hàng sẽ được cho vay lên tới 100% dư nợ gốc còn lại của ngân hàng khác, với thời gian ân hạn nợ gốc lên tới 24 tháng. Thời gian vay tối đa 35 năm và không quá thời gian còn lại của khoản vay tại ngân hàng khác.

VietinBank cho phép khách hàng có thể sử dụng chính tài sản đang thế chấp tại ngân hàng khác như bất động sản, tiền mặt, số dư trên tài khoản tiền gửi, sổ/thẻ tiết kiệm và giấy tờ có giá của mình hoặc người thân để đảm bảo cho khoản vay.

Ông Đỗ Thanh Sơn

Trong một diễn biến khác, cách đây ít ngày, ông Đỗ Thanh Sơn - cựu chủ tịch hội đồng thành viên OceanBank được bổ nhiệm làm phó Tổng Giám đốc phụ trách ban điều hành VietinBank trong thời gian ngân hàng này khuyết vị trí tổng giám đốc.

Ông Đỗ Thanh Sơn sinh năm 1976, gắn bó với VietinBank từ năm 1999. Ông từng làm phó phòng, trưởng phòng khách hàng doanh nghiệp; phó giám đốc VietinBank Bình Phước; phó giám đốc, giám đốc VietinBank chi nhánh 11 TP.HCM.

Tháng 4/2015, ông Sơn được Ngân hàng Nhà nước chỉ định làm chủ tịch hội đồng thành viên OceanBank, sau khi ngân hàng này bị mua lại 0 đồng.