Công ty Hanoi Metro báo lãi sau thuế 15,4 tỷ đồng, nghe thì có vẻ ổn. Nhưng lật kỹ ra thì câu chuyện lại hoàn toàn khác.

++ Gần 90% doanh thu đến từ trợ giá

Doanh thu thuần đạt 628,9 tỷ đồng, nhưng gần 540 tỷ trong đó là trợ giá từ ngân sách TP Hà Nội. Tức là, mỗi đồng bán vé, ngân sách phải bù thêm gần 6 đồng. Vé thu được chưa đến 90 tỷ đồng, chiếm 14%. Nếu coi đây là một mô hình kinh doanh thì tôi gọi nó là “bán lỗ có nhà nước tài trợ”. Chắc chẳng ai dám đầu tư kiểu này nếu không có ngân sách đỡ lưng.

++ Lợi nhuận đến từ… tiền gửi chứ không phải vận hành

Lãi sau thuế 15,4 tỷ đồng, tăng 17,5% so với năm trước. Nhưng phần lớn là nhờ… lãi tiền gửi ngân hàng hơn 24,8 tỷ đồng. Đúng vậy, tiền lãi ngân hàng còn nhiều hơn cả “lãi vận hành”.

Trong khi đó, giá vốn hàng bán 610,9 tỷ, gần chạm mức doanh thu. Biên lợi nhuận gộp chỉ 2,8%. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng vọt lên 22,5 tỷ. Chi phí vận hành cứ phình ra trong khi doanh thu từ bán vé tăng không đáng kể, rõ ràng hoạt động cốt lõi chưa hiệu quả.

hanoi-metro-the-nay-thi-khong-phai-la-mo-hinh-tai-chinh-ben-vung-cang-van-hanh-cang-lo-1747382994.jpg

++ Dòng tiền âm sâu, lãi chỉ là “con số kế toán”?

Đây là phần khiến tôi quan ngại nhất: dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm 187,6 tỷ đồng, trong khi năm trước vẫn dương 51 tỷ. Có nghĩa là công ty đang “lãi ảo”, lời trên sổ sách nhưng tiền thật thì chảy ra.

Tôi luôn đánh giá cao dòng tiền thực, vì đó mới là thứ quyết định doanh nghiệp sống khỏe hay không. Hanoi Metro không chỉ âm tiền kinh doanh, mà còn âm cả dòng tiền đầu tư gần 60 tỷ. Hoạt động vẫn phải sống nhờ vốn tài trợ bên ngoài hơn 368 tỷ.

++ Tài sản tăng mạnh, nhưng là “tăng hình thức”?

Tổng tài sản tăng vọt lên hơn 7.600 tỷ, chủ yếu là do tăng giá trị tài sản cố định. Trong đó tài sản dài hạn chiếm tới 6.484 tỷ đồng. Khấu hao lũy kế tăng lên hơn 834 tỷ. Nếu các tuyến metro này không khai thác tốt thì khấu hao sẽ cứ gặm dần lợi nhuận tương lai.

Nợ phải trả cũng tăng mạnh lên gần 5.000 tỷ, phần lớn là nợ ngắn hạn, chưa kể hàng loạt chi phí chờ quyết toán dự án Nhổn - ga Hà Nội. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu gần như đứng yên và lỗ lũy kế thì vẫn còn đó.

++ Chi phí cao, lương lãnh đạo tăng, trong khi công ty lỗ tiền mặt

Điểm khiến tôi hơi chột dạ là chi phí trả lương chuyên gia trích trước lên tới 70 tỷ, thù lao lãnh đạo gần 1,9 tỷ – tăng tới 56%. Trong khi dòng tiền kinh doanh âm nặng, thì các khoản này vẫn phình ra. Là người quan tâm đến hiệu quả sử dụng ngân sách, tôi không khỏi đặt dấu hỏi.

Lợi nhuận sau thuế tăng, nhưng tôi cho rằng mô hình của Hanoi Metro hiện tại vẫn đang phụ thuộc quá lớn vào ngân sách, vận hành chưa hiệu quả, rủi ro tài chính tiềm ẩn cao.

Nếu một ngày TP cắt giảm trợ giá, hoặc chi phí tiếp tục tăng mà doanh thu không theo kịp, rất có thể công ty sẽ “đuối sức”.

Tôi cho rằng Hanoi Metro cần thay đổi chiến lược: tối ưu vận hành, kiểm soát chi phí, tăng nguồn thu từ vé và dịch vụ phụ trợ, cũng như khai thác hiệu quả tài sản hiện có. Nếu không, lỗ lũy kế sẽ tiếp tục kéo dài và mô hình hiện tại khó bền vững về mặt tài chính.