ban-sao-cua-web-vbi-dieu-47-1653877036.png

Đây là cuộc sống trong mơ của nhiều người bởi nó có sự tự do mà không nhiều người có được.

Để giúp mọi người có thêm thông tin và ý tưởng để lên kế hoạch cho mục tiêu lớn và ý nghĩa này, mình xin chia sẻ những lời khuyên từ những người đã thật sự đạt được để mọi người tham khảo nha

1. XÁC ĐỊNH SỐ TIỀN CẦN CÓ ĐỂ TỰ DO TÀI CHÍNH

Đây là số tiền bạn có + khoản đầu tư để không phải làm việc trong những ngày còn lại của cuộc đời mình. Đuơng nhiên, đa số những người đạt TDTC cũng sẽ đi làm những công việc họ yêu thích/muốn làm và có thu nhập nhưng số tiền nay sẽ không được tính vào khi xác định số tiền đạt TDTC.

Đuơng nhiên số này sẽ khác nhau với mỗi người. Có người nhu cầu chỉ cần 1 căn nhà nhỏ, ăn đồ ăn ở nhà và mặc áo quần bình dân, có người thì tự do tài chính là 1 năm đi du lịch 4-5 nơi, nghỉ dưỡng sang chảnh 5 sao và ngắm trời đêm ở Maldives hay bắc cực quang ở Iceland. Nên phần này mỗi người sẽ cần tính toán nhu cầu, khả năng của bản thân để xác định số tiền cần để có cuộc sống thoải mái và dễ chịu với bản thân mình và gia đình.

Thông thường cách tính sẽ như sau:

Chi phí cần có cho 1 năm x 25 lần = số tiền cần để đạt TDTC.

Ví dụ chi phí sinh hoạt, học hành, du lịch, chữa bệnh ốm đau, cưới hỏi các loại 1 tháng của gia định bạn là 50 triệu thì 1 năm là 600 triệu. số tiền cần có để có TDTC là 25* 600 triệu = 15 tỷ.

Lý thuyết là vậy, thực tế mỗi người điều chỉnh lại, ví dụ số này cần trừ cái nhà mình ở ra không tính vô, tùy tỷ suất sinh lợi và trượt giá để tính thêm.

Chứ 15 tỷ ở VN mà gọi TDTC mình thấy cũng hơi sợ. Mọi người thấy 15 tỷ đủ không??

Tính xong thì dán ở bàn làm việc hay màn hình điện thoại để có thêm động lực.

2. TRẢ DẦN NHỮNG MÓN NỢ:

Nợ có nợ tốt nợ xấu. Có những món nợ sẽ ngáng đường bạn trên hành trình đạt được TDTC.

Với dân làm ăn kinh doanh thì có nợ là tốt, nhưng với những người hướng tới TDTC và thoải mái cuộc sống thì những món nợ như nợ tiền thẻ tín dụng dài hạn, nợ ngôi nhà đang ở nên được xem xét trả dần, nếu được thì trả thêm 1 khoản so với định kỳ để rút ngắn thời gian trả nợ.

3. TRÁNH TIÊU XÀI THEO BẪY LẠM PHÁT THU NHẬP (LIFESTYLE INLFLATION):

Nhiều người làm 1 tháng 5 triệu xài cũng hết, 50 triệu xài cũng hết và có những người 1 tháng làm 500 triệu xài cũng hết!!!

Đây là cái bẫy lifestyle inflation, là thu nhập tăng bao nhiêu thì chi xài tăng bấy nhiều. Thậm chí còn hơn thế!

Này là ghê nhất với các bạn nữ vì ma lực của đồ đẹp, xe đẹp, đồng hồ đẹp, những chuyến du lịch đến những nơi tuyệt đẹp với đồ ăn ngon thì ai mà không thích?! Hay cái váy này đẹp quá, đi với đôi giày này hợp quá. Tiền cứ thế đội nón ra đi!

Cho nên, giữ mức sống giản dị và tiết kiệm khi thu nhập tăng là 1 điều rất khó! Mà đâu ai nói đạt TDTC là dễ? Nên khó cũng phải làm.

Để có tiền để dành và đầu tư để đạt được TDTC thì điều ĐẦU TIÊN là phải TIẾT KIỆM để đầu tư. Nên việc tránh rơi vào bẫy này cực kỳ quan trọng. Mỗi người cần lên kế hoạch và thống kê chi tiêu để chi xài hợp lý nha!

4. TIẾT KIỆM TRƯỚC, CHI XÀI SAU:

Tiết kiệm là cái thứ nói dễ hơn làm. Hôm nay hứa sẽ không mua đồ mới nữa, đứa nào mua đứa đó làm con cún là 99% phụ nữ bữa sau sẽ gâu gâu luôn.

Mẹo: TIẾT KIỆM TRƯỚC, XÀI SAU. Trả luơng cho bạn trước. Có tiền là trích 1 khoản bỏ riêng ra liền để mở sổ tiết kiệm, mua chứng khoán an toàn,... Không có tiền thì không thể tiêu tiền, nên tiết kiệm trước sẽ giúp chúng ta cảm thấy mình đang "nghèo" đi và xài ít hơn.

Bên Mỹ thì sẽ có lựa chọn là tiền luơng để vô quỹ hưu trí mua chứng khoán (mình tự quản và được miễn thuế thu nhập), hay bỏ vào quỹ học hành của con,... nên mình thấy dễ tiết kiệm hơn 1 chút so với Việt Nam.

5. MUA CÁI BẠN CẦN, KHÔNG PHẢI CÁI BẠN MUỐN:

Mỗi một đồng bạn xài là một đồng bạn mất đi.

Câu này nghe giao điều nhưng mình nghe rất nhiều người ở Mỹ nói, những người này là những người có tài chính rất tốt!

Về khoản kỹ xài tiền thì mình phải công nhận người Việt Nam xài tiền ẩu so với người Châu Âu hay Mỹ rất nhiều. Nhiều người bảo với mình, 1 USD tao xài là 1USD tao phải kiếm thêm trước khi đủ tiền nghỉ ngơi. (Không phải keo kiệt bủn xỉn nha, mà là xác định đáng mới chi).

Xài 1 đ không đúng chỗ nhiều khi không nên xài, mà 100 đ đúng chỗ thì nên xài. Nên trước khi mua sắm, chi xài, mình nên cân nhắc có thật sự cần hay không.

Waren Buffet nói: nếu bạn mua những thứ bạn không cần thì sớm muộn gì bạn cũng sẽ phải bán những thứ bạn cần!

6. TÌM CÁCH TĂNG THU NHẬP:

Tiền để dành/đầu tư là khoảng chênh lệch giữa thu nhập và chi xài. Nếu cứ chăm chăm tiết kiệm thậm chí bủn xỉn thì cũng khó đạt TDTC trừ khi bạn phải tăng thu nhập của mình lên.

Cái này nói dễ chứ làm khó và mỗi người phải ngồi nhìn lại và lên kế hoạch thôi. Người thì tăng chức tăng lương, người thì làm thêm, người thì bán hàng thêm hay đầu tư CK, BDS,...

Làm tốt cái nào thì làm cái đó ha.

7. CHĂM SÓC BẢN THÂN THẬT TỐT:

TDTC quan trọng nhưng sức khỏe tinh thần và thể chất quan trọng không kém. Cái gì cũng nên vừa phải!

Nên dù tiết kiệm, thỉnh thoảng cũng nên thoải mái chi tiền đi du lịch thư giãn đầu óc, sạc năng lượng để làm tốt hơn và kiếm tiền nhiều hơn.

Hãy dành thời gian và tiền bạc đi đến nơi mới, gặp gỡ và chăm sóc mối quan hệ với gia đình và bạn bè. Bản thân mình trở thành 1 người khỏe mạnh, và hạnh phúc thì sẽ kiếm được tiền nhiều hơn và TDTC mới thật sự có ý nghĩa.

8. ĐẦU TƯ, ĐẦU TƯ, ĐẦU TƯ:

Cái này chắc hiển nhiên nên mình không cần nói nhiều. Chắc không ai giàu chỉ từ tiết kiệm và để dành luôn quá!

Mình thấy hình ảnh tiết kiệm như là công cụ để tạo nên chiếc chìa khóa. Đầu tư là chiếc chìa khóa để đi tìm cánh cửa mở ra TDTC.

An Cư và An Cư Tài Chính có nhiều thông tin bổ ích về BDS và CK, cùng các thông tin khác để bạn tham khảo!

9. TDTC LÀ HÀNH TRÌNH CHẠY MARATHON, KHÔNG PHẢI CHẠY NƯỚC RÚT:

Mới bắt đầu thì thấy đường tới TDTC xa vạn dặm, nhìn mù khơi không thấy điểm tới. Nhưng có phải "hành trình vạn dặm đều bắt đầu từ những bước chând đầu tiên"? Nên cứ kiên nhẫn, bạn sẽ thấy ngày một rõ hơn điểm đến của mình

Mình biết là khó lắm luôn, đặc biệt với những người ham mua sắm và không kiên nhẫn (như mình!!), nhưng không cố gắng thì sẽ không đạt được!! Nếu được, hãy tìm những người bạn cùng chí hướng với mình đề chơi chung. Không cần chia sẻ mục tiêu hay kế hoạch cùng nhau mỗi tháng hay năm gì đâu. Nhưng khi mình chơi cùng những người có cùng mục tiêu thì mình sẽ có thêm động lực phấn đấu.

10. HÃY CHÚ TÂM VÀO BẠN, KẾ HOẠCH CỦA BẠN VÀ KHÔNG SO SÁNH BẢN THÂN VỚI NGƯỜI KHÁC:

Bạn ăn gì, mặc gì, đi đâu chơi

Luơng bạn bao nhiêu 1 tháng

Bạn đầu tư lời bao nhiêu

Bạn có nhiều tiền

Chắc chắn sẽ có người ăn ngon hơn bạn, mặc đẹp hơn ban, luơng nhiều hơn bạn và đầu tư có lợi nhuận tốt hơn. So sánh và ganh đua không làm bạn tốt hơn, nó chỉ có thể làm bạn thấy bạn dở, nghèo và kiệt sức hơn thôi.

Còn lấy làm guơng phấn đấu thì okay, nhưng mức độ và kiểm soát như thế nào thì bạn hãy cân nhắc thật kỹ nhé.

Núi mình mình leo!! Sức mình mình cố!! Từ từ, mình sẽ đến đích TDTC vinh quang!!

Mình chia sẻ hết 10 tips lấy ý từ moneyunder30 rồi, mỗi người sẽ muốn có TDTC khác nhau, kế hoạch khác nhau. Chúc bạn đạt được mục tiêu đời mình!

284494980-2769044470057476-2951378096983787812-n-1653876682.jpg

Ảnh: mình trước ngọn núi thiêng Manapuchare thuộc dãy Annapurna, ngọn núi cao nhất thế giới chưa (chính thức) bị chinh phục do chính phủ Nepal không cấp giấy phép. TDTC thì khác, gắng leo thì sẽ được nhaa.

Nếu thấy bài hữu ích thì share nha!

Cám ơn các bạn!

Nguồn: Facebook Emilly Le

https://www.facebook.com/groups/ancutaichinh/posts/1640208466344473/