Nhiều hộ kinh doanh hàng hóa vi phạm giả mạo nhãn hiệu, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc đã bị lực lượng chức năng TP.HCM tiến hành 'truy quét' đồng loạt, kết quả là tồn đọng rất nhiều vấn đề tiêu cực, các mặt hàng thời trang quần áo, giày dép... giả mạo, không rõ nguồn gốc 'phủ sóng' tại nhiều quận, huyện của thành phố. 

hang-nghin-san-pham-gia-nike-adidas-dior-chanel-bi-truy-quet-gap-rut-tai-tphcm-1678553289.jpeg

Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM đã tiến hành ra quân đồng loạt, kiểm tra và xử lý đối với các trường hợp vi phạm nói trên, bắt đầu từ ngày 10/3. 

Các đội QLTT đã tiến hành kiểm tra 15 vụ, trong đó có 11 vụ kinh doanh hàng hóa có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu như Nike, Adidas, Dior, Chanel, Louis Vuitton, Burberry, Rolex...; 4 vụ vi phạm về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, hóa đơn, chứng từ và niêm yết giá.

Tại quận 7, đội Quản lý thị trường số 3 sau quá trình kiểm tra đã phát hiện nhiều hộ kinh doanh trên đường Bùi Văn Ba, phường Tân Thuận Đông đang kinh doanh hàng chục sản phẩm quần, áo, giày dép có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu thể thao Adidas và Nike.

Đội Quản lý thị trường số 4 qua kiểm tra đã phát hiện 81 cái mắt kính có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Chanel, Porsche Design, Dior, Bvlgari, Burberry thuộc sở hữu của một hộ kinh doanh trên đường Trương Định, phường 9, quận 3. Trên đường Huỳnh Văn Bánh, quận Phú Nhuận cũng phát hiện 10 chiếc đồng hồ đeo tay có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Daniel Wellington

2.730 đơn vị sản phẩm thiết bị điện tại một cơ sở trên đường Lê Thị Riêng, phường Thới An, quận 12 bị phát hiện kinh doanh không có hóa đơn, chứng từ do đội QLTT số 12 phụ trách kiểm tra. 

Các đơn vị, cơ sở, hộ gia đình vi phạm những hình thức kinh doanh kể trên đã bị lập biên bản vi phạm hành chính, đồng thời Cục QLTT TP.HCM cũng thu giữ 3.508 đơn vị sản phẩm vi phạm, trong đó có 598 sản phẩm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu được bảo hộ tại Việt Nam để tiếp tục thẩm tra, xác minh và xử lý theo quy định pháp luật.