Theo đánh giá gần nhất của SSI Research, CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả là một trong số các doanh nghiệp niêm yết hưởng lợi đáng kể khi Chính phủ thúc đẩy đầu tư công trên toàn quốc ở quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Trong giai đoạn vừa qua, với tư cách độc lập và liên danh, Giao thông Đèo Cả đã trúng thầu loạt dự án xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô lớn.
Trên thực tế, kể từ năm 2017, doanh thu của doanh nghiệp này đã tặng vọt, tuy nhiên lợi nhuận vẫn “mỏng” khi chỉ đạt mức trên chục tỷ. Đến năm 2019, doanh nghiệp này mới thật sự có “cú bật” lớn về lợi nhuận khi con số lợi nhuận vọt lên trăm tỷ.
Được biết, năm 2019 là năm HHV thực hiện tái cấu trúc tài chính bằng việc phát hành cổ phiếu để hoán đổi nợ với 5 chủ nợ lớn của HHV, từ đó giúp HHV từ doanh nghiệp quy mô 80 tỷ đồng vốn điều lệ trở thành doanh nghiệp quy mô vốn hơn 2.270 tỷ đồng.
Đến năm 2019, HHV đã thực hiện đầu tư vào 5 dự án hạ tầng giao thông lớn. Những dự án này đang trong giai đoạn hoàn thành và đi vào vận hành khai thác. Trong 5 dự án mà HHV đầu tư có 3 dự án (chiếm tỷ trọng 82% trên tổng mức đầu tư 49.864 tỷ đồng) đã đầu tư hoàn thành chuyển sang giai đoạn khai thác.
Trong đó, các dự án đã khai thác từ năm 2016 gồm dự án Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Khánh Hòa, dự án Hầm Phước Tượng Phú Gia; năm 2017 có dự án Hầm dường bộ Đèo Cả; năm 2018 có dự án Hầm đường bộ qua đèo Cù Mông và đặc biệt các dự án lớn đi vào vận hành khai thác như Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Hầm đường bộ Hải Vân 2…
Tại lần tăng vốn mới nhất vào tháng 7/2023, doanh nghiệp đã tăng vốn lên 3.293,5 tỷ đồng. Từ đầu năm 2023 đến nay, liên danh HHV tham gia đã liên tục trúng các gói thầu thi công với giá trị lớn. Mới nhất, liên danh Đèo Cả đã được tỉnh Cao Bằng chọn thực hiện Dự án PPP cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh. Tổng mức đầu tư dự án giai đoạn 1 là 14.167 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2026, thời gian hoàn vốn dự kiến là 24 năm 10 tháng.
Để tiếp tục nâng cao năng lực và chuẩn bị nguồn lực cho hoạt động sản xuất kinh doanh tăng trưởng và đầu tư các dự án mới trong giai đoạn 2024 (cao tốc Đồng Đăng Trà Lĩnh, cao tốc Hữu Nghị Chi Lăng…), HHV đã thực hiện phương án chào bán cho cổ đông hiện hữu với tổng số lượng cổ phiếu dự kiến phát hành thêm tối đa 82.337.587 cổ phiếu thu về hơn 823 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty dự kiến huy động 741 tỷ đồng từ chào bán riêng lẻ với số lượng cổ phiếu dự kiến phát hành tối đa 74,1 triệu cổ phiếu.
Trong bối cảnh đầu tư công thuận lợi, năm 2023, HHV đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 2.478 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 338 tỷ đồng, tăng 14%.
Theo báo cáo tài chính quý III/2023, HHV đã có quý lãi cao kỷ lục khi lãi ròng 117 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ năm trước.
Hai mảng đóng góp doanh thu chính của HHV là xây dựng hạ tầng và quản lý dự án BOT (Xây dựng-Vận hành-Chuyển giao), trong đó, mảng BOT được dự báo tiếp tục đem lại dòng tiền ổn định cho HHV trong nửa cuối năm nay. Doanh nghiệp này cũng hưởng lợi lớn từ các hoạt động đầu tư công khi tham gia loạt dự án giá trị cao.
Thực tế cho thấy, sau 9 tháng năm 2023, HHV đem về 1.825,3 tỷ đồng doanh thu, tăng gần 23,5% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế cũng tăng 29%, đạt 309,2 tỷ đồng. Doanh thu từ các trạm thu phí BOT vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu của HHV với 1.183,1 tỷ đồng, chiếm 65% tổng doanh thu, tăng trưởng 6,4% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, đà tăng trưởng doanh thu của HHV chủ yếu đến từ việc doanh thu mảng xây lắp tăng tới 87%, đạt 599,2 tỷ đồng, chiếm 33% tổng doanh thu; phần còn lại là đến từ các hoạt động khác. Với kết quả này, HHV đã hoàn thành gần 74% kế hoạch doanh thu và 91% kế hoạch lợi nhuận năm.
Cơ cấu tổng tài sản của HHV không có sự biến động quá nhiều trong các quý gần đây. Tại thời điểm kết thúc quý III/2023, tài sản cố định chủ yếu là các trạm BOT (hơn 31.055 tỷ đồng) chiếm tới 85% tổng tài sản.
Tuy nhiên, tỷ số thanh khoản nhanh của HHV hiện là 0,43 cũng là điều cần lưu ý về khả năng thanh khoản của doanh nghiệp.
Nợ phải trả của HHV tại ngày 30/9 được ghi nhận ở mức 27.841,9 tỷ đồng, gấp 3,2 lần vốn chủ sở hữu, trong đó nợ vay tài chính là 20.326,7 tỷ đồng, gấp gần 2,3 lần vốn chủ. Trong 9 tháng đầu năm, công ty phải trả 699 tỷ đồng nợ gốc và do sử dụng đòn bẩy tài chính lớn nên công ty phải trả hơn 499,7 tỷ đồng chi phí lãi vay. Đây cũng chính là nguyên nhân làm cho lãi của doanh nghiệp “mỏng” đi nhiều dù doanh thu vẫn cao.
Hiện, chủ nợ lớn nhất của HHV là Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) với số dư nợ lên đến 19.251,6 tỷ đồng.
Trong cơ cấu nợ phải trả, khoản người mua trả tiền trước dài hạn mới được ghi nhận gần 325 tỷ đồng (đầu năm chưa được ghi nhận) đó là khoản tiền tạm ứng của BQL Dự án 2 thi công dự án thành phần đoạn Quảng Ngãi -Hoài Nhơn thuộc dự án xây dựng Công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 với 283,7 tỷ đồng và 41,1 tỷ đồng khoản tiền tạm ứng của BQL các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên TP. Đà Nẵng thi công dự án đường ven biển nối cảng Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng.
Nguồn: Hà Anh/An Ninh Tiền tệ