Dù bạn là nhân viên hay sếp lớn, không ai muốn mất mặt trước đám đông. Nhân viên kể cả nhân viên càng thấp cũng không muốn bị la, khiển trách trước người khác.

Tuy nhiên không phải sếp nào cũng tránh được điều này. Có sếp thì hoàn toàn không hiểu được nhu cầu rất cơ bản này của nhân viên. Có sếp thì biết nhưng khi bị áp lực công việc, lại quên đi điều đó. Họ vì thế , vô tình, nói những lời khó nghe đối với nhân viên trước tập thể.

Họ không nghĩ ngợi gì, hoặc nghĩ mình là sếp, nhắc nhân viên thôi đâu có sao. Thế nhưng, những lời khiển trách, chê bai đó lại gây ra những hậu quả rất lớn, làm cho người nhân viên bị tổn thương sâu sắc.

Chỉ cần một lần thôi, có thể cảm tình của nhân viên dành cho sếp sẽ biến mất. Tại sao nhân viên mất động lực làm việc, tại sao họ không trung thành, không dành 100% tâm huyết cho công ty? Phải chăng vì đã có lần sếp làm họ buồn, làm họ mất mắt trước đông người?

Hãy nhớ thử xem sự kiện gì xảy ra làm cho nhân viên của bạn tự nhiên thay đổi thái độ với bạn. Biết đâu đó là một lần giữa vài nhân viên sếp bỗng dưng so sánh người này với người kia. Hoặc thậm chí là so sánh chị trưởng phòng A làm việc không bằng anh cấp dưới B…Chỉ một câu nói đôi khi làm đánh mất tất cả….

Vậy nên làm sếp thật khó biết bao. Phải vừa lo lắng cho công ty, lèo lái con thuyền. Vừa phải biết quan tâm, động viên và đối xử với nhân viên thật đúng cách. Thế nên mới có những cuốn sách ra đời mang tên Nghệ thuật lãnh đạo. Làm việc với con người đòi hỏi sự tinh tế và uyển chuyển như một môn nghệ thuật.

Chung quy lại làm business là tập trung vào 2 con: Con người và con số. Vậy để có được sự đồng thuận và thiện cảm từ con người. Người sếp nhất định phải nhớ câu: ĐỪNG LÀM BẼ MẶT NHÂN VIÊN TRƯỚC TẬP THỂ. Hãy góp ý, thậm chí là mắng họ nhưng trong phòng riêng. Khi chỉ có sếp và nhân viên. Chỉ 2 người mà thôi – sếp nhé.

P/s: Sau bài này mình nghĩ: làm sếp nhất định phải nên có phòng riêng.

_____________________________________________________________________

Tác giả: Trần Thị Lê Hiền