Intel đã từng thất vọng khi tuyển 2.000 nhân viên cho dự án đầu tư vào Việt Nam nhưng chỉ có 40 người có đủ trình độ kiến thức cứng lẫn kỹ năng mềm. “Song, để tuyển được 40 sinh viên này cũng không phải dễ vì các em hầu như không nhận thức được thế mạnh của mình, không biết cách thể hiện khả năng nổi trội và thường bối rối khi phải thuyết trình về bản thân”, đại diện phòng nhân sự Intel cho biết.
Với kinh nghiệm nhiều năm thực chiến ở các vị trí quan trọng khác nhau trong các công ty tập đoàn, ông Nguyễn Trung Quân - Giám đốc Đối ngoại Học viện Kỹ năng VTALK nhận định: “Thực trạng yếu kỹ năng mềm, cụ thể là kỹ năng Giao tiếp - Thuyết trình ở các bạn sinh viên mới ra trường vốn không còn xa lạ. Dù đã cố gắng tìm nhiều cách khắc phục nhưng đó vẫn là bài toán nan giải của bộ phận tuyển dụng mỗi khi chiêu dụ “lính mới”. Bởi đây là kỹ năng vô cùng cần thiết mà mọi vị trí công việc đều yêu cầu để áp dụng vào quá trình giải quyết công việc chung”.
“Gần như chúng ta phải dùng đến thuyết trình trong tất cả các hoạt động của doanh nghiệp. Nhân viên kinh doanh gặp gỡ khách hàng sẽ phải giới thiệu về công ty, về sự khác biệt, cốt làm sao để khách hàng chọn mình mà không chọn đối thủ. Một lập trình viên khi được hỏi về tiến độ dự án cũng phải trình bày một cách đầy đủ, chuyên nghiệp cho sếp nhằm theo kịp tiến độ chung, lường trước được các rủi ro và có hướng giải quyết kịp thời với những vấn đề phát sinh. Bộ phận nhân sự khi phỏng vấn ứng viên cũng là một kiểu thuyết trình về tầm nhìn, mục tiêu, về những mong muốn của công ty đối với người tham gia. Ngay cả việc lãnh đạo tổ chức họp cũng là một dạng thuyết trình nhằm phổ biến kế hoạch và thống nhất tư tưởng cho toàn bộ đội ngũ”, ông Nguyễn Trung Quân khẳng định.
Trong môi trường làm việc thực tế, hầu như mọi cá nhân đều nhận thức được tầm quan trọng của kỹ năng Giao tiếp - Thuyết trình, tuy nhiên, khoảng cách giữa việc hiểu và làm vẫn là thách thức chung của nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ mới ra trường, ông Trung Quân khẳng định. “Tâm lý sợ thuyết trình một phần nảy sinh từ áp lực chuẩn bị. Thuyết trình tức là sẽ có đám đông lắng nghe. Có thể là toàn bộ nhân viên, cả hội đồng quản trị hoặc hàng chục khách hàng đang đón chờ những chia sẻ từ một cá nhân. Điều này đòi hỏi diễn giả phải chuẩn bị kỹ lưỡng cho phần trình bày, đảm bảo thỏa mãn nhiều yếu tố như đúng nội dung, có sự đào sâu nghiên cứu, có trải nghiệm bản thân… Dĩ nhiên việc này rất khó và không phải ai cũng đủ khả năng để truyền tải hết được. Chính vì thế, chỉ nghe đến hai chữ thuyết trình thôi cũng đủ khiến ta phải ngần ngại”, ông Trung Quân lý giải thêm.
“Đó là chưa kể, khi thuyết trình trong môi trường làm việc, con người còn đối diện với áp lực phải thấu hiểu và thuyết phục thành công người khác, vì mỗi quyết định, mỗi quan điểm được đưa ra luôn gắn liền với những chỉ số quan trọng trong suốt quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Điều đó yêu cầu sự chỉnh chu và chuyên nghiệp hơn, mức độ hài lòng của con người cũng được nâng cao, khó thuyết phục hơn. Do đó, nếu không thành thạo các kỹ năng chia sẻ, làm chủ đám đông thì công việc của chúng ta sẽ khó để phát triển và thăng tiến nhanh như kỳ vọng”, Giám đốc Nguyễn Trung Quân cho biết.
Để thuần thục kỹ năng Giao tiếp - Thuyết trình, ông Trung Quân đề xuất, “Giống như tiếng Anh vậy, muốn giỏi thì phải luyện tập ở mọi lúc mọi nơi, phải biết cách áp dụng thuyết trình vào thực tế đời sống. Có như vậy, chúng ta mới có thể sử dụng kỹ năng này một cách tự nhiên, không gượng ép”.
“Cứ nghe những người nổi tiếng như: TS. Lê Thẩm Dương, Bill Clinton, Obama, Steve Jobs nói chuyện, chúng ta sẽ rất khó để tách bạch là họ đang thuyết trình hay đang chia sẻ. Vì về bản chất, thuyết trình là hoạt động nói và truyền đạt thông tin dưới mọi hình thức khác nhau, không giới hạn tại các sân khấu lớn hay những cuộc họp quan trọng của doanh nghiệp. Tức thuyết trình cũng chính là chia sẻ. Vì thế, ý thức rèn luyện kỹ năng thuyết trình phải được ứng dụng trong mọi hoạt động của đời sống, từ việc thảo luận với đồng nghiệp đến việc trao đổi cùng cấp trên…”, ông Trung Quân cho biết.
Cũng theo ông Quân, “Giống như mọi kỹ năng khác, sự chủ động của người học luôn là yếu tố quyết định sự thành công. Thay vì đợi “lệnh” từ cấp trên trong việc phải trình bày và giải đáp một vấn đề nào đó, mỗi cá nhân hãy tự mình tham gia vào quá trình tìm hiểu, phản biện và thuyết phục người nghe. Đây là cơ hội để chúng ta rèn luyện, nâng cao kỹ năng của bản thân. Và để làm được điều đó, mỗi người phải luôn trau dồi một nền tảng nội tại vững chắc, không ngừng tìm tòi và học hỏi những kiến thức mới, am hiểu một cách sâu sắc về lĩnh vực nghề nghiệp của bản thân. Bên cạnh đó, phải luôn duy trì sự say mê với những gì mình chia sẻ vì đó là nguồn năng lượng mạnh mẽ nhất giúp chúng ta thuyết phục thành công người nghe”.
Dù là môi trường công việc hay đời sống, kỹ năng Giao tiếp - Thuyết trình vẫn luôn là yêu cầu cần thiết và quan trọng. Vì quá trình giao tiếp và kết nối là điều không thể tránh khỏi trong cuộc sống hàng ngày. Do đó, cũng với những câu trò chuyện đơn thuần, hãy dùng thuyết trình làm công cụ để thể hiện quan điểm bản thân, ghi nhớ kiến thức lâu hơn và rèn luyện sự tự tin khi truyền tải thông điệp.
Nguồn bài viết gốc tại đây