Sẽ chẳng xa lạ gì đối với châm ngôn của các doanh nghiệp ngành dịch vụ là “hướng đến khách hàng, lấy khách hàng làm trung tâm”. Tuy nhiên hầu hết các doanh nghiệp đều khó vượt qua sức hấp dẫn của doanh thu và lợi nhuận để sử dụng các “chiêu trò” nhằm gia tăng doanh thu, lợi nhuận.
Nhưng với TGDĐ châm ngôn của họ là “luôn luôn coi khách hàng là trọng tâm trong mọi suy nghĩ và hành động, và có thể nói người của TGDĐ rất tự hào về việc này”. Đây không phải là một phát biểu mang tính hình thức, mà là một niềm tin mà người TGDĐ sống với niềm tin này. Để hiểu và làm được điều này, công ty cần một hệ thống nhân viên vừa có tâm, vừa có tài và một hệ thống quản trị khổng lồ phía sau.
Có thể thấy giá trị cốt lõi của TGDĐ chính là “con người”- khách hàng và nhân viên - nền tảng làm nên thành công của công ty.
Xây dựng văn hóa yêu thương trong mối quan hệ giữa khách hàng - nhân viên - doanh nghiệp
Mối quan hệ giữa khách hàng - nhân viên
Theo ông Nguyễn Đức Tài (Chủ tịch HĐQT - Thế giới di động) nói - “Hồi trước, Thế giới di động cũng chỉ là vài cửa hàng. Nhìn ra xung quanh, thấy các doanh nghiệp khác phát triển rần rần, mà sao mình cũng đâu có kém họ mà tại sao mình vẫn ì ạch thế? Sau khi trăn trở và đưa yêu thương vào làm giá trị cốt lõi và thúc đẩy quyết liệt bộ máy lãnh đạo phải thực hiện, thì tình hình đã khác. Bởi tôi cho rằng, chúng tôi đang kinh doanh ngành dịch vụ, nên yếu tố yêu thương phải được coi là vô cùng quan trọng, khác hẳn các ngành khác. Một người nhân viên không hạnh phúc thì không thể nào anh ta mang niềm vui đến cho những người khách hàng xa lạ”.
TGDĐ luôn có một niềm tin là khách hàng đều là những người tử tế, nên họ muốn được phục vụ một cách đàng hoàng. Niềm tin này đóng vai trò quan trọng trong quá trình vận hành hệ thống dịch vụ, xây dựng quy trình dịch vụ phục vụ số đông khách hàng, tránh vì một khách hàng mà ảnh hưởng đến các khách hàng còn lại.
Mối quan hệ giữa nhân viên - doanh nghiệp
Ông Tài có nói “làm kinh doanh dịch vụ phải coi khách hàng là số 1, nhưng phải huấn luyện nhân viên coi khách hàng là số 1 chứ không phải cứ chăm chăm vào túi tiền của khách. Ở các công ty khác nhân viên được thăng chức dựa trên doanh thu nhưng ở TGDĐ bạn sẽ được xem xét thăng thức nếu làm hài lòng khách hàng. Chúng tôi có các tiêu chí đánh giá việc đó, đi kèm với đó sẽ có một hệ thống công nghệ thông tin để hỗ trợ, lắng nghe được khách hàng, lắng nghe được nhân viên, biết được chất lượng dịch vụ của từng nhân viên phục vụ cho khách hàng như thế nào”.
TGDĐ đánh giá kết quả làm việc của nhân viên dựa trên thước đo về sự hài lòng/ không hài lòng của khách hàng. Một người nhân viên trong công ty phải học cách yêu thương, lắng nghe khách hàng để phục vụ khách hàng một cách tốt nhất.
Đối với các nhà quản trị hay bộ phận nhân sự thì câu hỏi lớn đặt ra đó là “Làm thế nào để có thể giữ chân nhân tài ở lại công ty khi mà ngày nay nhân viên có quá nhiều sự lựa chọn?”. Chính sự yêu thương mà công ty mang lại cho toàn thể nhân viên đã níu chân họ ở lại, cống hiến và làm việc hết sức mình cho công ty.
Để triển khai được thì bộ phận nhân sự, công tác tuyển dụng phải tốt, tuy nhiên cũng cần đánh giá mối quan hệ hai chiều giữa nhân viên và doanh nghiệp. “Nhân sự phải phù hợp với giá trị yêu thương mà công ty đang có, thì bộ máy mới chạy tốt, chứ rất khó để thay đổi một con người. Giả sử nếu người nhân viên đã trưởng thành hơn 20 năm trong một gia đình “sống chết mặc bay” thì rất khó để có thể triển khai giá trị yêu thương với người đó, và cũng rất khó để người nhân viên đó truyền yêu thương, niềm vui, sự tin tưởng… đến khách hàng. Tuy nhiên, vẫn có thể học được cách yêu thương, nếu nhân viên được chứng kiến nhiều chuyện xảy ra trong cuộc đời đi làm của họ” – Ông Tài lưu ý.
“Khi đã triển khai được giá trị yêu thương, thì công việc kinh doanh không còn thuần túy kiếm tiền nữa mà mỗi ngày đến công ty, tôi phải gặp được những con người có cùng chí hướng, cùng niềm tin, cùng hệ giá trị. Tôi cho là đó mới là con đường kinh doanh bền vững” – Ông Tài bày tỏ.
Cốt lõi nằm ở giá trị của sự yêu thương, khi nhân viên sống và làm việc xuất phát từ sự tận tâm thì khách hàng sẽ cảm nhận được và cảm thấy hài lòng. Bên cạnh đó, nếu công ty làm hài lòng nhân viên, chính là bước đệm tạo động lực, động cơ thúc đẩy nhân viên phát triển, khi đó, cũng chính là làm hài lòng khách hàng của mình.
Đây cũng là điều mà các doanh nghiệp cần phải học hỏi để tối ưu hóa nguồn nhân lực, tối thiểu hóa chi phí doanh nghiệp.