Gần đây cư dân mạng, giới truyền thông, hội chị em xuýt xoa, âm thầm ngưỡng mộ vẻ điển trai của tân CEO Gojek Việt Nam. Không chỉ vậy trình độ học vấn và kinh nghiệm làm việc "khủng" cùng những chiến lược mới ngay khi nhận chức của tân CEO này cũng khiến không ít người bàn tán.
CEO Gojek Việt Nam, Phùng Tuấn Đức sinh năm 1987, sở hữu chiều cao đáng mơ ước 1m84. CEO này có khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh thuần thục, biết hát và rap. Chơi nhạc cụ cũng là một trong những tài lẻ của anh; anh biết đánh guitar, keyboard và 3-4 loại trống khác nhau.
Không chỉ thu hút cư dân mạng bởi vẻ bề ngoài của mình, CEO của Gojek Việt Nam còn khiến nhiều người phải ngưỡng mộ với lý lịch “khủng”.
Anh từng học tại THPT Chuyên Hà Nội-Amsterdam. Sau khi tốt nghiệp, anh đã giành được suất học bổng trị giá 200.000 USD để theo học tại trường ĐH Wesleyan Freeman (Mỹ). Đây là minh chứng cho học vấn xuất sắc của CEO Gojek Việt Nam, bởi mỗi năm trường này chỉ dành 1-2 suất học bổng cho sinh viên Việt Nam.
Anh có 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực start-up. Anh từng sáng lập Dynabyte - công ty triển khai trang web đấu giá xu trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam - sau khi về nước. Không lâu sau đó, anh được bổ nhiệm làm Giám đốc của Adayroi - website thương mại điện tử của CTCP Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce, một thành viên của Tập đoàn Vingroup.
Anh từng là 1 trong 5 thành viên đồng sáng lập GoViet, trước khi đảm nhiệm vị trí CEO tại Gojek Việt Nam vào tháng 7 năm nay. Từng là Giám đốc vận hành của Cộng Cà Phê
Thế nhưng liệu vẻ đẹp trai, đam mê công nghệ và thị trường ứng dụng gọi xe có giúp vị CEO này thành công ở thị trường Việt Nam?
Với Gojek Việt Nam, đi cùng sự thay đổi CEO, hãng đã chuyển màu áo đỏ sang màu xanh lá cây như đồng phục của Gojek tại Indonesia, trụ sở của tập đoàn nổi tiếng được thành lập hồi 2010. Với lần “thay áo” này, Gojek Việt Nam cho biết sẽ đem đến cho người dùng một “siêu ứng dụng” giải quyết được các nhu cầu khác nhau ngoài ba dịch vụ hiện tại (GoBike, GoFood và GoSend).
Mặc vị CEO điển trai này khẳng định không cố giành giật thị trường, hay chạy đua với Grab. Gojek sẽ mang lại những trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng, những dịch vụ đáp ứng được nhiều nhu cầu của họ hơn. Bởi anh hiểu việc làm thế nào để có khách hàng trung thành mới là bài toán khó hơn cả.
Đến ngày chia tay, GoViet có 150.000 đối tác tài xế, khoảng 80.000 đối tác nhà hàng, quán ăn và 3 dịch vụ là gọi xe 2 bánh, giao thức ăn và giao hàng. Theo báo cáo của ABI Research năm 2019, GoViet đứng thứ ba thị phần gọi xe, chiếm 10%, đứng sau Grab (73%) và be (16%). Còn trong mảng gọi thức ăn, theo khảo sát vào tháng 5 của Q&Me, GoFood đứng thứ ba về lựa chọn của người dùng, sau GrabFood và Now.
"Chương mới" của Gojek ở Việt Nam có một số thuận lợi nhưng thách thức cũng không nhỏ. Về thuận lợi, Việt Nam vẫn là điểm nhân rộng mô hình kinh doanh lý tưởng nhất của Gojek bên ngoài Indonesia, nhất là xoay quanh chiếc xe máy.
Việt Nam tương đồng với Indonesia là xe máy rất phổ biến và có nhiều người dùng xe máy để mưu sinh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cao, nhu cầu người tiêu dùng và khả năng tiếp nhận công nghệ của họ cũng tốt. "Tất cả điều kiện này khiến cho Việt Nam thành thị trường trọng điểm nhất khi mở rộng nước ngoài và nay cũng là thị trường đầu tiên triển khai ứng dụng hợp nhất", ông Đức nói.
Chỗ đứng nhất định trên hai mảng cốt lõi nhưng Gojek vẫn có không ít thách thức trong việc duy trì khả năng cạnh tranh trong cuộc đua "siêu ứng dụng". Ở mảng gọi xe, vị trí của Gojek trong top 3 ít bị đe dọa do nhóm các ứng dụng ít ảnh hưởng khác như Tada, Vato, Fastgo hiện chưa có bứt phá đáng kể.
Thị trường chỉ quẩn quanh Grab, be và Gojek nhưng khoảng cách giữa các thương hiệu khá lớn. Ngoài Grab vốn xác lập vị trí dẫn đầu từ lâu, be sau vài tháng "án binh bất động" đã tăng tốc trở lại. Riêng mảng gọi xe, beGroup ra mắt beTaxi nhờ cú bắt tay "liên minh" với Vinasun.
Về phần mình, Gojek cho rằng mảng gọi xe 4 bánh là mảng quan trọng và có nhu cầu cao. Tuy nhiên, 2 năm gần đây các chính sách có khá nhiều thay đổi nên để triển khai dịch vụ này, công ty vẫn cần thêm thời gian để cùng cơ quan quản lý tìm ra giải pháp vừa đáp ứng nhu cầu vừa thỏa mãn các quy định.
Ở mảng gọi đồ ăn, be đã tạm từ giã ý định tham gia nhưng GrabFood và Now vẫn là đối thủ lớn. Chưa kể, Baemin, đối thủ nằm ngay dưới GoFood trong khảo sát của Q&Me cũng đang hoạt động tích cực. Grab "gia cố" vị thế từ năm ngoái bằng mô hình bếp trung tâm với hai chi nhánh ở TP HCM. Now thì đã tích hợp vào Shopee để thừa hưởng lượng truy cập đông đảo của sàn này.
Hay như mảng giao hàng, các đối thủ cũng sớm đa dạng hóa dịch vụ. Ngay từ đợt bùng phát dịch đầu tiên, Grab tung dịch vụ đi siêu thị hộ, sau đó tới Ahamove.
Trong "tam giác vàng" bao gồm di chuyển, giao vận và thanh toán trong chiến lược kinh doanh của Gojek, mảng thanh toán vẫn thiếu tại thị trường Việt Nam. Ông Đức cũng xác nhận đây là mảng trọng tâm được chú ý phát triển.
Tuy nhiên, mảng này sẽ khiến Gojek tốn không ít tâm sức khi mà các "siêu ứng dụng" khác đã triển khai trước. Các ứng dụng khác hoặc sở hữu ví điện tử riêng hoặc đã nhanh nhẹn liên kết với các ví để tạo thành những hệ sinh thái riêng.
Trong khi Grab có Moca thì Fastgo có Vimo cũng cùng "mẹ". be chọn cách đa dạng hóa phương thức thanh toán, cho phép khách trả qua ví SmartPay lẫn MoMo. Vato thì cho phép nạp tiền vài tài khoản từ MoMo lẫn ZaloPay. Hiện chưa rõ Gojek sẽ phát triển mảng thanh toán theo hướng nào, xin giấy phép, thâu tóm một ví điện tử hay liên kết với các ví đang có sẵn.
Trong khi các "siêu ứng dụng" khác đang phát triển quá nhanh, sớm đa dạng dịch vụ, GoViet hai năm qua sau 2 lần đổi CEO chỉ duy trì 3 dịch vụ cơ bản. Nay với việc Gojek trực tiếp tham chiến, Gojek Việt Nam có thể dễ dàng mở thêm các dịch vụ vốn sẵn có và thế mạnh ở công ty mẹ một cách nhanh chóng, rút ngắn thời gian tung dịch vụ mới.. Ở Indonesia, Gojek thực sự là một "kỳ lân" với khoảng 20 dịch vụ.
Nói về điểm khác chính khi chuyển từ GoViet thành Gojek, ông Đức nói: "Khác biệt lớn nhất là nền tảng công nghệ mà Gojek có, cho phép chúng tôi mang bất kỳ dịch vụ nào của Gojek về Việt Nam rất nhanh". Còn về chiến lược dài hạn và dòng tiền mà Gojek rót vào thị trường này, ông tuyên bố không đổi.
"Nhu cầu thị trường này ngày càng tăng, lượng khách lớn, công việc họ nhiều hơn và thời gian họ ít đi. Vì vậy, chúng tôi định hướng phát triển đa ứng dụng để phục vụ các nhu cầu khác nhau", ông Đức nói. Tuy nhiên, Gojek cho biết sẽ chỉ chọn phát triển những dịch vụ thật sự có nhu cầu lớn thay vì phát triển ồ ạt, mở rộng quá nhanh, đánh vào nhiều dịch vụ mà không tương thích với nhau.
Hiện đối thủ lớn nhất của Gojek là Grab, tuy nhiên khả năng 2 kình địch này đang trở thành 1 khi cổ đông lớn nhất của Gojek và Grab là Softbank đang hối thúc 2 start-up lớn nhất châu Á tiến hành M&A.
Áp lực gây ra bởi đại dịch và những lo ngại về mô hình kinh doanh gọi xe trên toàn cầu đã đẩy 2 công ty đến bàn đàm phán sáp nhập. Việc này có thể được thúc đẩy nhanh hơn dự kiến để nhà đầu tư không bị lỗ.
Trước dịch Covid-19, cả Gojek và Grab có dấu hiệu sáng sủa khi áp dụng biện pháp tăng hoa hồng thu từ tài xế và giảm những hỗ trợ giảm giá cho khách hàng. Tuy nhiên dịch Covid-19 đã phá hủy. Sự phục hồi trong mảng gọi xe có thể sẽ phải chờ rất lâu nữa.
Cổ phiếu của Grab – đơn vị được định giá 14 tỷ USD trong vòng huy động vốn mới nhất vào năm 2019 hiện đang được giao dịch ở mức giảm 25% so với trước đây. Cổ phiếu của Gojek – startup được định giá 10 tỷ USD vào tuần trước cũng đang bị giao dịch ở mức giá thấp hơn trước, đặc biệt những cổ đông sớm vào công ty này đang muốn thoái lui.
Tin đồn về thỏa thuận đàm phán sáp nhập giữa Grab và Gojek đã nổi lên từ 6 tháng trước tuy nhiên SoftBank - cổ đông lớn của Grab phản đối kế hoạch này. Nguồn tin này khẳng định tý phú Masayoshi Son, CEO SoftBank, tin rằng ngành công nghiệp gọi xe ông đã thay đổi quan điểm, ủng hộ chuyện sáp nhập.
Gojek – công ty được đầu tư bởi cả Tencent và Meituan-Dianping đã chứng minh sức hồi phục mạnh mẽ, đặc biệt là ở Indonesia. Chưa kể đến việc Gojek lại nhận được sự hỗ trợ nhất định từ chính phủ Indonesia khi đồng sáng lập của công ty này hiện nắm chức vụ Bộ trưởng bộ Giáo dục.
Chính điều đó đã khiến khả năng sáp nhập giữa Grab và Gojek tại thị trường Indonesia cao hơn. Song để chốt được thương vụ này sẽ phải trải qua rất nhiều rào cản và sự soi xét từ chính quyền.