Một trong những cái tên kỳ cựu của ngành công nghiệp nặng Việt Nam đó là Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO) đang rơi vào khủng hoảng tài chính nghiêm trọng: mất cân đối vốn tới 3.080 tỉ đồng. Nguyên nhân chính là dùng vốn vay ngắn hạn để trả nợ cho một dự án dang dở kéo dài suốt gần hai thập kỷ.

Từ báo cáo của Ban kiểm soát TISCO, tình trạng "giật gấu vá vai" này đã được gióng lên hồi chuông cảnh báo: tính đến cuối năm 2024, công ty có nợ ngắn hạn lên tới 6.353 tỉ đồng, trong khi tài sản ngắn hạn chỉ vỏn vẹn 3.272 tỉ đồng. Một khoảng cách quá lớn khiến tài chính doanh nghiệp gần như tê liệt.

Hệ lụy là niềm tin từ các ngân hàng ngày càng suy giảm, là cánh cửa vay vốn ngày càng hẹp lại, và là chỉ số tài chính liên tục lao dốc. Các tổ chức tín dụng nhìn TISCO với con mắt e dè, trong khi dự án mở rộng giai đoạn 2 từng được kỳ vọng làm nên bước ngoặt cho công ty thì "chết lâm sàng" từ năm 2013 đến nay, ngốn vốn mà chẳng đem lại dòng tiền.

gang-thep-thai-nguyen-22choi-voi22-cau-cuu-co-dong-lon-1743942741.jpg

Chính kiểm toán độc lập cũng phải lên tiếng: những khoản nợ gốc và lãi vay liên quan đến dự án đã rơi vào tình trạng quá hạn, làm dấy lên nghi ngờ về khả năng tồn tại liên tục của TISCO. Thế nhưng, bất chấp dấu hiệu nguy hiểm, báo cáo tài chính hợp nhất vẫn được lập theo hướng "hoạt động liên tục", như thể mọi chuyện vẫn trong tầm kiểm soát.

=> Trong phần giải trình, ban lãnh đạo TISCO cho biết việc dừng dự án là do nhiều vướng mắc, hiện đang tiến hành thanh lý hợp đồng EPC với nhà thầu MCC theo chỉ đạo cấp trên. Nhưng rõ ràng, doanh nghiệp không thể chỉ ngồi chờ chỉ đạo, họ cần tiền, cần giải pháp, cần sự hồi sinh thực sự!

=> Và trong tình thế ngặt nghèo đó, TISCO chính thức "cầu cứu" cổ đông lớn. Lời kêu gọi không hề vòng vo: xin được hỗ trợ tài chính, để có vốn vận hành sản xuất, trả nợ và đầu tư cải tạo. Đồng thời, công ty cũng được yêu cầu phải chủ động làm việc với ngân hàng, rà soát công nợ, tăng hiệu quả sử dụng hàng tồn kho, và xoay vòng dòng tiền nhanh hơn, tức là phải thay đổi tư duy quản trị nếu muốn sống sót.

---

Tính đến cuối năm 2024, vốn điều lệ của TISCO là 1.840 tỉ đồng, trong đó Vnsteel nắm 65% và Công ty Thương mại Thái Hưng giữ 20%. Chủ tịch hiện tại là ông Nghiêm Xuân Đa, chính là người của Vnsteel, được bổ nhiệm từ tháng 4/2024 thay cho ông Phạm Công Thảo.

Dù ngập trong nợ nần, năm 2024 vẫn ghi nhận một chút tia sáng: doanh thu đạt 15.411 tỉ đồng, tăng 16% so với năm trước, và lỗ sau thuế giảm mạnh từ 176 tỉ xuống chỉ còn âm 8,4 tỉ đồng. Nhưng đó mới chỉ là dấu hiệu hồi phục mong manh.

Nhìn về phía trước, năm 2025 vẫn là một năm gian nan. Lãnh đạo TISCO đặt mục tiêu doanh thu 14.190 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế chỉ 10,68 tỉ. Thu nhập bình quân cho hơn 3.100 lao động dự kiến 10,4 triệu đồng/tháng – cũng là một chỉ dấu cho thấy ban lãnh đạo đang cố giữ ổn định đời sống công nhân dù nội bộ đang "cháy túi".


Gang thép Thái Nguyên không chỉ là một doanh nghiệp, đó là biểu tượng của ngành luyện kim Việt Nam. Nhưng biểu tượng ấy đang cần một cuộc đại phẫu không chỉ để sống sót, mà để đứng vững, tự chủ và hồi sinh. Câu hỏi đặt ra: Ai sẽ chịu trách nhiệm cho cuộc giải cứu này? Và liệu họ có đủ quyết liệt để thay đổi số phận của một "người khổng lồ mệt mỏi"?