Ngày này năm ngoái, cuốn "FPT Bí Lục" ra đời, như một cố gắng đầu tiên của nhóm tác giả miêu tả một cách có hệ thống văn hóa đã hình thành và ảnh hưởng đến doanh nghiệp như thế nào, qua những tình huống cụ thể tại FPT. Theo gợi ý của Nguyễn Đức Sơn và sau đó là những cuộc trao đổi với anh Trương Gia Bình, muốn khám phá ra được cái gì đó trong thực tế của FPT có tính Việt Nam hơn nữa.
Thực ra thì điều này dễ cảm nhận. Thậm chí kể lại được. Nhưng để viết ra có “cơ sở lý luận” một chút thì khá khó.

Rất may là nhiều cuộc gặp gỡ các bạn trẻ, những "bằng chứng sống" cho một cuộc Chiến tranh Nhân dân đã giúp tôi có thêm năng lượng, để hoàn thành bài viết nhỏ này gồm các phần!
Phần I: Chiến tranh nhân dân kiểu Việt Nam
Phần II: Đường mòn HCM, biểu tượng của Chiến tranh nhân dân Việt Nam!
Phần III: Ảnh hưởng của Quân đội NDVN lên Trương Gia Bình và các đồng đội ở FPT
Phần IV: Xuất khẩu phần mềm - "cuộc chiến" của Nhân dân
Phần V: Biến hóa của Chiến tranh nhân dân

-------------------------------------

xuat-khau-phan-mem-o-fpt-1663038863.jpg
 

Phần IV: Xuất khẩu phần mềm - "cuộc chiến" của Nhân dân

Xuất khẩu phần mềm là một dự án kinh doanh, được khởi xướng từ tháng 10/1998 nhân kỷ niệm 10 năm thành lập FPT, và được coi là đã đạt được những mục đích quan trọng nhất của nó vào năm 2008, sau 10 năm triển khai. Chiến dịch này đóng vai trò quan trọng trong việc định vị FPT như một tổ chức toàn cầu, đại diện cho Việt Nam tiên phong trong các xu hướng công nghệ mới nhất.

Cụ thể, chiến dịch đã:

- Xây dựng uy tín của FPT trên thị trường quốc tế với khách hàng từ những công ty thuộc Fortune500 và văn phòng trên hơn 30 nước.
- Đào tạo được hàng ngàn cán bộ trẻ, đủ kỹ năng và bản lĩnh,
- Đặt những nền móng quản trị cơ bản cho tăng trưởng bền vững.
Bắt đầu từ 10 nhân viên và 3 sinh viên thực tập, đến năm 2022, doanh thu của FPT Software ước tính đạt $800m, và 25000 nhân viên.
Đây là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn, có thể nói là không tưởng, và chính vì thế đòi hỏi các lãnh đạo FPT phải vận dụng nhuần nhuyễn những bài học mà họ đã học được từ Chiến tranh nhân dân

Bối cảnh

Ngay từ những ngày đầu thành lập, các nhà FPT đã viết “Giàu mạnh bằng sáng tạo công nghệ” và quyết tâm xây dựng Trung tâm dịch vụ Tin học để phát triển phần mềm mặc dù số máy tính trên cả nước khi đó cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Trung tâm dịch vụ Tin học (ISC) với lực lượng ban đầu khá mạnh, đã có những nghiên cứu cơ bản về mạng máy tính và cơ sở dữ liệu, và tham gia vào một số dự án với các đối tác nước ngoài chủ yếu là Pháp.

Từ 1991, khi kinh tế nước nhà bắt đầu khởi sắc. FPT bắt đầu tham gia và thắng các gói thầu phần mềm có yếu tố liên kết với nước ngoài trong các lĩnh vực ngân hàng và giao thông. Nổi bật nhất là dự án Ngân hàng Hàng hải và Hàng không Việt Nam.

Những năm sau đó, FPT phát triển mạnh trong lĩnh vực ngân hàng, tiến vào ngành thuế và tài chính công, triển khai mạng diện rộng Trí tuệ Việt Nam gây ảnh hưởng sâu sắc với giới trẻ. Tuy nhiên do thị trường nội địa quá nhỏ, lực lượng phần mềm sau những thành tích ban đầu, đã chững lại. Quân số không vượt quá 30 người. Những cán bộ chủ chốt bỏ đi xây dựng sự nghiệp mới: Trương Đình Anh tách ra thành Trung tâm giao dịch trực tuyến FOX và Phan Quốc Khánh thành lập Fast Accounting.

Tinh thần anh em sa sút. Trương Gia Bình hiểu rằng, muốn phát triển ngành Công nghệ phần mềm ở FPT, cần phải có một cuộc chiến mới.

Bên ngoài FPT khi đó, phong trào Xuất khẩu phần mềm VN được khởi nguồn từ thành phố HCM bắt đầu từ những năm 1995, với các công ty tiên phong như Quantic và Paragon Solutions. Tuy nhiên các dự án đều có qui mô nhỏ, có tính thử nghiệm và nhằm mục đích chứng minh năng lực của một nhóm nhỏ các lập trình viên VN hơn là xây dựng một ngành công nghiệp.

Cho đến năm 1997, anh Nguyễn Hữu Lệ rời bỏ Nortel để về SG thành lập TMA, đặt nền móng cho việc xây dựng một ngành Công nghệ phần mềm tại Việt Nam.

fpt-software-1663038864.jpg
Kỹ sư phần mềm của FPT



4.1 Chiến dịch 528, Thác số, Cầu Vượt

Năm 1997, Trương Gia Bình và các đồng chí của mình hiểu rằng muốn biến những cơ hội riêng rẽ thành một phong trào mạnh mẽ có sức sống, họ phải đưa ra một sứ mệnh chính trị. Đủ sức để lay động không chỉ nhân viên của mình, mà còn thuyết phục công chúng và các nhà hoạch định chính sách.
Trương Gia Bình cho rằng, khoảng cách số mà CNTT tạo ra, vừa là thách thức vừa là cơ hội cho những đất nước đi sau như Việt Nam. Trong đó XKPM là con đường mà Ấn Độ đã lựa chọn, có thể làm hình mẫu cho Việt Nam.
Tháng 10/1998, FPT tổ chức hội nghị Đồ Sơn, hạ quyết tâm xuất khẩu phần mềm.
Tháng 12/1998, Trương Gia Bình, sau khi đi Ấn Độ về đã viết bài trình bày nổi tiếng: “Thác số, cầu vượt”. Bài viết này miêu tả thế giới số hiện tại, khi các “dòng thác số” có thể chảy từ các nước phát triển, cuốn phăng các nước có xuất phát thấp như Việt Nam, biến họ thành một loại thuộc địa kiểu mới. Hiểu rõ được mối nguy hiểm đó, các quốc gia kém phát triển có thể xây dựng những “cầu vượt” bằng nhân lực trẻ, ham học hỏi, tận dụng sự thiếu hụt về nguồn lực chất lượng cao trên thế giới, để tiếp cận trực tiếp với những công nghệ tiên tiến tại các nước phát triển và, khi đã làm chủ được, thì mang kiến thức đó quay trở lại để xây dựng đất nước. Trương Gia Bình đặt mục tiêu FPT phải trở thành tiên phong xây dựng những “Cầu vượt” đó, bằng cách thuyết phục các công ty hàng đầu thế giới trở thành khách hàng của mình, qua đó rèn luyện cho đội quân của FPT ngày càng tinh nhuệ hơn. Bình thuyết phục mọi người rằng, trong hành trình vượt “thác số”, ngoài mỗi đô la thu được, chúng ta còn có thể thu được $5 tri thức và đó mới là cái vô giá.

“Thác số Cầu vượt” được lượng hóa thành mục tiêu có tên là 528, được hiểu là 5000 lập trình viên, tạo ra doanh thu 2 trăm triệu đô la Mỹ và được định giá 8 tỷ đô la trên thị trường chứng khoán. Nên nhớ là khi chiến dịch mới bắt đầu, lực lượng XKPM của FPT có 13 người, và doanh thu khoảng 100k.

Trương Gia Bình tận dụng mọi cơ hội để tuyên truyền cho tư tưởng của mình. Từ bia hơi vỉa hè đến hội thảo quốc gia. Trong một cuộc hội thảo trực tuyến trên TV, năm 2000, Trương Gia Bình còn đã dùng lại câu nói của chủ tịch Hồ Chí Minh để khẳng định quyết tâm XKPM của mình: “Dù có phải đốt cháy dãy Trường Sơn cũng phải xuất khẩu được phần mềm.” Tuy không hoàn toàn phù hợp với hoàn cảnh mới và nhạy cảm về chính trị, nhưng đã thể hiện được quyết tâm cao của ban lãnh đạo FPT.

Trong một chuyến đi thăm Nhật Bản, một lãnh đạo cao cấp của Sumitomo, sau khi nghe anh trình bày đã ôm anh, nước mắt dàn dụa:
“Bình, tao không hiểu lắm những điều mày nói, nhưng tao cảm nhận được ý chí của mày. Nếu có thể giúp đỡ được gì, tao sẽ rất sẵn lòng.”
Anh vận động thành lập VINASA, Hiệp hội Phần mềm Việt Nam để có tiếng nói chính thức trong các chính sách và văn bản của nhà nước.

Phong trào quần chúng Stco cũng đã đóng vai trò quan trọng trong việc truyền bá tinh thần XKPM trong rộng rãi nhân dân. Bài hát đầu tiên về chủ đề làm chủ công nghệ này là bài “Người FPT”, giờ vẫn còn được nhắc lại.
“Người FPT chúng ta chẳng nên cúi đầu làm thuê cho Mỹ. FPT quyết một phen phải luôn đứng đầu hướng tới ngày mai.”
Sau Hội nghị Đồ Sơn, bài hát “Phần mềm kháng chiến” được ra đời và trình bày chính thức ngày 7/1/1999 trong lễ ra mắt FSU1.
Mùa thu rồi, ngày hôm nay, ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến
Mười năm rồi, lòng chưa thay, FPT đồng tâm tiến ra nước ngoài
Để
Ta ra đi xây niềm mơ ước
Ta ra đi không cần phong tước
Muôn thu sau lưu tiếng anh hào
Người dân Việt lắm chí cao

Tháng 1/2000, bài hát này này được hát trong lễ khai trương văn phòng Fsoft HITC và từ đó luôn được hát trong các dịp lễ hội chính thức. Vì lấy tinh thần và giai điệu từ ca khúc “Nam bộ kháng chiến” nên bài hát gây xúc động cho cả người hát và khán giả.

Cũng trong năm 2000, bài “Phần mềm ca” được phổ biến rộng rãi nhờ ca từ sôi nổi và hài hước đậm chất Stico
Tiến lên vinh quang chúng đang chờ phía trước
Tiến lên toàn cầu đếch biết gì cũng tiến
XKPM trận cuối là trận này
Nếu mà mệt thì ta hát phần mềm ca
Trong công cuộc tìm kiếm một khẩu hiệu cho chiến dịch này, Nguyễn Thành Nam cuối cùng đã dừng lại ở tư tưởng mà ông Nguyễn Hữu Lệ, giám đốc công ty TMA đã đề cập đến. Đây là chiến dịch “Thắp sáng tên Việt Nam trên bản đồ trí tuệ thế giới.” Một khẩu hiệu có thể chạm đến tất cả mọi người!
Đối với 10 lập trình viên ban đầu của Fsoft khi đó, “bản đồ trí tuệ thế giới” chính là Redmond, nơi đặt trụ sở của Microsoft. Chúng tôi đã đặt mục tiêu là phải được Bill Gate mời đến để đàm đạo về công nghệ thế giới. Năm 2007, giấc mơ tưởng như không bao giờ thể xảy ra đã trở thành hiện thực.

4.2 Đi tìm gian khó

Tháng 9/1999, Trương Gia Bình đã làm bất ngờ tất cả mọi người bằng quyết định thành lập chi nhánh FPT India tại Bangalore. Với đa số người Việt Nam, Ấn độ là một quốc gia bí ẩn. Những người có dịp đi du lịch hoặc công tác thì nhớ về sự lộn xộn, bẩn thỉu và tiếng Anh rất khó nghe. Có rất ít người ở FPT và Việt Nam lúc đó biết đến đất nước Ấn Độ như một cường quốc về CNTT.
Nhưng Trương Gia Bình hiểu rằng, mọi chiến dịch tuyên truyền sẽ chẳng có giá trị gì, nếu không có những trận đánh thực tế. Nhưng ở đâu sẽ là mặt trận? Ông bắt buộc phải hành động.
Những người FPT đầu tiên đi sang Ấn Độ thực sự là những người tiên phong. Họ phải học được những nguyên tắc căn bản nhất để xây dựng ngành Công nghiệp phần mềm. Nhưng trước hết họ cần phải hòa nhập với một cuộc sống hoàn toàn xa lạ, với những thức ăn và phong tục tập quán khác biệt. Phạm Minh Tuấn, một trong những lập trình viên đầu tiên sang đó đã chia sẻ: “quân Ấn cực kỳ ngoan, team leader chưa đứng lên thì thậm chí buồn đái họ cũng không đứng lên” nhưng thừa nhận “đa phần thời gian của bọn em là đi tìm chỗ bán thịt lợn” (Người Ấn ko ăn thịt bò, rất ít ăn thịt lợn).
Đêm ngày 31/12/1999, FPT tổ chức lễ trong lễ chuyển giao thiên niên kỷ hoành tráng tại 37 Láng Hạ. Những lời phát biểu trực tiếp của giám đốc Khúc Trung Kiên từ Bangalore, đã tạo cảm hứng lớn cho toàn thể cán bộ nhân viên FPT.

Có một sự kiện liên quan đến FPT India, xảy ra đầu năm 2000. Khi đó trên báo Chúng ta, một tờ báo nội bộ của FPT, có đăng một bài viết, có tên là “Hịch đánh Tây”, động viên anh em lên đường. Tuy nhiên lời lẽ thì khá phóng khoáng, ví dụ “ta ban cho các ngươi quyền cướp nhà Tây mà ở, lấy tiền Tây mà tiêu, lấy gái Tây mà chơi.” Không hiểu thế nào bị lọt ra ngoài. Báo Lao Động đăng xã luận phê phán “Con thuyền FPT chở đạo gì?”. Các ban ngành vào cuộc. FPT bị đánh giá là mượn danh xuất khẩu phần mềm để ăn chơi trụy lạc.
Ban lãnh đạo FPT quyết định mời phái đoàn của Ban tuyên giáo và Bộ KHCN đi thăm FPT India để kiểm chứng thực tế. Đoàn công tác đã được tận mắt chứng kiến những gian khổ mà những “chiến sĩ” đầu tiên trên mặt trận XKPM đã phải trải qua, được cùng sống với họ những giờ phút thư giãn thoải mái. Chuyến đi đã góp phần xóa bỏ sự hiểu biết lệch lạc. FPT India nhanh chóng trở thành điểm kết nối, tiếp đón các đoàn đại biểu của chính phủ sang thăm, học hỏi kinh nghiệm của bạn. FPT India chứng minh những lời lẽ “đao to búa lớn” của lãnh đạo FPT, là thực lòng, và đúng là “mười năm trời, lòng chưa thay FPT, đồng tâm tiến ra nước ngoài”.

Năm 2002, FPT India hoàn thành sứ mệnh của mình. Có một nhân viên người Ấn Độ đã theo công ty mãi đến tận sau này. Đó là anh Azkar Khan!

Nếu như Bangalore là điểm đến bất ngờ. Thì Silicon Valley, hay gọi theo cách của người Việt là Thung lũng Hoa Vàng, có vẻ như là một lựa chọn tất yếu. Thủ đô công nghệ thế giới. Muốn thi thố gì với đời, xin mời hãy đến đây.
Ngày 13/1/2000. FPT thành lập văn phòng tại San Jose. Một quả bom phát nổ. Không phải ở Việt Nam mà trong giới Việt kiều tại đó. Không ai có thể ngờ một công ty từ phía Bắc, có nguồn gốc “cộng sản” lại có thể xuất hiện ở đây. Tờ Mercury News giật tít “Cộng sản tấn công thung lũng hoa vàng”.
Ai biết được “cộng sản tấn công” thực ra chỉ có 2 anh là Henry Trần Văn Hùng và Lê Hồng Sơn, suốt ngày còn phải đùn đẩy nhau ai nằm dưới đất vì nhà trọ chỉ có một giường.

San Jose lúc đó đang là tâm điểm của Bong bóng Internet. Người người lên mạng, nhà nhà lên mạng. Nên nhu cầu về dịch vụ công nghệ thông tin khá lớn. Nhóm “cộng sản” nằm vùng cũng kiếm được một vài hợp đồng từ những Việt kiều thành đạt bỗng quan tâm đến đất nước. Những đội quân onsite (nhân viên làm việc tại trụ sở khách hàng) lần đầu tiên được tận mắt chứng kiến “giấc mơ Mỹ”, khi về nước tiếp tục lan truyền niềm tin: chỉ cần có quyết tâm là có thể “phá kho thóc”, mang đô la xanh về cho đất nước.
Nhưng “bong bóng Internet” tan vỡ, các mối quan hệ cũng theo gió cuốn đi. Đến cuối năm 2000 thì đã thấy rõ là văn phòng Fsoft tại Silicon Valley không thể cung cấp công việc cho hơn 200 nhân viên đã được tuyển dụng ngồi đầy tầng 6 tòa nhà HITC, tiếp tục hát “Súng gươm xưa rồi nay ta dùng máy tính. Công ty kiếm tiền theo quy trình ISO.”
Hết quí 1/2001, FPT rút quân khỏi Thung lũng hoa vàng. Mũi tấn công thứ hai thất bại.

Tình hình có vẻ tuyệt vọng. Nếu không có khách hàng, không có những trận đánh, tất cả các kế hoạch sẽ bị sụp đổ. Trương Gia Bình quyết định đi một nước táo bạo: Đông Du. Anh hỏi NamNT: em có biết tiếng Nhật không? Em không biết. Anh cũng không biết. Nên anh em mình sẽ cùng nhau đi Nhật cho đỡ sợJ
Thực ra không phải là Bình và Nam không biết Nhật là một thị trường béo bở. Có điều nghe đồn là rất khó tính và quan trọng nhất là đòi hỏi tiếng Nhật là thứ tiếng không ai tại FPT lúc đó biết. Nên họ định để đến giai đoạn sau của cuộc chiến mới xâm nhập vào Nhật Bản. Nhưng tình thế bắt buộc họ phải đi một nước cờ liều.
Tháng 12/2000, Bình và Nam được bác Nishida, cố vấn của Sumitomo, đơn vị đang giúp VN quy hoạch khu CNC Hòa Lạc, giới thiệu sang Nhật. Chuyến đi gặp các đại gia trong lĩnh vực CNTT Nhật bản, tuy chưa mang lại kết quả cụ thể, đã nêu ra một số điểm cốt lõi
- Người Nhật muốn làm việc với người Việt Nam
- Các loại chứng chỉ. Người Nhật đặc biệt quan tâm các chứng chỉ quốc tế như PMP, CMM
- Tiếng Nhật. Họ mong muốn được sử dụng tiếng Nhật, hạn chế sử dụng tiếng Anh
Đặc biệt trong chuyến đi này, hai ông đã tìm kiếm được hợp đồng đầu tiên với công ty NTT-IT
Trở về nước, Trương Gia Bình và NTN quyết định thay đổi chiến lược chuyển trọng tâm sang thị trường Nhật Bản, bằng một loạt các hành động.
- Đẩy nhanh tiến độ lấy chứng chỉ CMM level 4
- Thành lập Trung tâm đào tạo tiếng Nhật – Đông Du
- Tận dụng sự ủng hộ của chính phủ Nhật Bản để gửi những cán bộ cao cấp đi học theo chương trình AOTS
- Xây dựng đội ngũ Comtor

Trong đó việc xây dựng đội ngũ Comtor đáng được miêu tả chi tiết như một ví dụ tiêu biểu của Chiến tranh Nhân dân.
Như trên đã nêu, sau chuyến đi tháng 12/2000, một nhóm kỹ sư của NTT-IT đã quyết định thử một dự án nhỏ cho FPT. Đó là một dự án bằng tiếng Anh. Tuy nhiên sau khi vượt qua được các yêu cầu về kỹ thuật ban đầu, nhóm dự án được yêu cầu nhận tài liệu bằng tiếng Nhật. Theo tinh thần “tiến lên toàn cầu đếch biết gì cũng tiến”, PM dự án là Nguyễn Đức Quỳnh đã chấp nhận, mặc dù một chữ Nhật bẻ đôi không biết.

van-phong-fpt-o-nhat-ban-1663038862.jpg
Văn phòng FPT Japan, tọa lạc tại tầng 6, toà nhà Cross Place, Hamamatsu-cho, Shiba Park 1-7-6, quận Minato, thủ đô Tokyo, Nhật Bản..

Cuộc săn lùng “người biết tiếng Nhật” được NamNT tiến hành ở khách sạn Nikko, Hà Nội. Người được lựa chọn mời về phụ trách kinh doanh thị trường Nhật Bản là Quách Liễu Hoàn khi đó đang làm ở phòng marketing khách sạn Nikko.
Hoàn nhanh chóng hiểu rằng thách thức đầu tiên của cô không phải là kinh doanh, mà làm sao dịch được tập tài liệu kỹ thuật “giun dế” kia, để Quỳnh có thể hiểu và giao tiếp được lại với khách hàng. Thật may mắn, Quỳnh và Hoàn đã làm việc với nhau ăn ý đến mức khách hàng không cảm giác là có sự đứt quãng nào vì ngôn ngữ.

Sau khi đã hiểu ra khát vọng to lớn của cả một tập thể các lập trình viên, Hoàn rủ tiếp các bạn mình là Thanh Hương và Lan Anh, rồi mời cả cô giáo của mình là chị Suzuki Ayano, hình thành Ban truyền thông Nhật Bản đầu tiên. Đó là tên gọi chính thức, còn trong sơ đồ tổ chức của Fsoft lúc đó, họ được gọi là Comtor. Họ không chỉ là phiên dịch, họ là cầu nối, lắng nghe các yêu cầu (đôi khi là mắng chửi) khách hàng, và dịch lại cho đội dự án. Họ cũng giải thích cho khách hàng những khó khăn mà đội dự án gặp phải về tiến độ, về kỹ thuật, để có thể tìm được tiếng nói chung. Họ còn dịch hàng dãy email, hàng tập tài liệu hỗ trợ cho dự án, điều phối các cuộc họp teleconf. Ngoài thời gian dự án, họ mang lại niềm vui cho đội trong các dịp team building, mang lại một không khí làm việc tươi mát.
Từ một đội comtor, mô hình này nhanh chóng được nhân rộng, triển khai trong tất cả các dự án làm với Nhật bản. Từ ban đầu hoài nghi, coi đây chỉ là một giải pháp tạm thời, cuối cùng khách hàng cũng dần dần chấp nhận, việc giao tiếp với đội dự án thông qua comtor hóa ra là một phương án tốt nhất để đáp ứng nhu cầu giao tiếp rất kỹ lưỡng của người Nhật. Và hàng ngàn lượt các cô gái khối D (đôi khi lẫn vài chàng trai) trở thành những chiến sĩ xung kích trong cuộc chiến tấn công các công nghệ mới. Một số em đã trở thành chỉ huy – Project Manager.
Tháng 3/2003, Hitachi Software mở ODC đầu tiên tại Việt Nam
Tháng 11/2005, Fsoft chính thức khai trương chi nhánh Japan, với hơn 80 khách hàng tham dự, đánh dấu chỗ đứng vững chắc ở đất nước Mặt trời Mọc

4.3 Tướng ở đâu?

Năm 1999, FSU1 chính thức được thành lập, với 13 thành viên, trong đó có 3 sinh viên thực tập. Ngoài Nguyễn Thành Nam và Nguyễn Lâm Phương đã có thời gian 7-10 năm làm phần mềm, Nguyễn Khắc Thành, cũng có đôi chút kinh nghiệm, thì được chuyển sang phụ trách đào tạo, tất cả những thành viên còn lại đều mới tốt nghiệp được 2-3 năm từ các trường đại học trong nước.

Cứ giả thiết là chúng ta sẽ thuyết phục được khách hàng, lấy được hợp đồng, rồi tuyển được quân. Hàng ngàn người như tầm nhìn 528? Nhưng lấy tướng ở đâu? Đặc biệt là những tướng tiên phong ngoài biên ải! Họ cần phải có những phẩm chất gì? Đào tạo họ thế nào?
Ngay từ ngày đầu, Trương Gia Bình đã tìm cách dụ dỗ các tướng tài khắp nơi. Theo anh đó là phải là người ít nhất là giỏi tiếng Anh, có kỹ năng kinh doanh quốc tế. Lãnh đạo người Việt tại các hãng Đa quốc gia đều lọt vào tầm ngắm của anh. Tuy nhiên, không ai đánh đổi những vị trí có quyền lợi và thăng tiến rõ ràng lấy những thách thức còn đang rất mơ hồ. Tạp chí HBR (Harvard Business Review) cho rằng, để toàn cầu hóa, công ty cần phải cử những người giỏi nhất. Nhưng ai bây giờ? Trương Gia Bình không thể bỏ công ty. Trương Đình Anh đặt những điều kiện không tưởng để từ chối. NTN thì business sense yếu, chưa thể tin tưởng được.

Cuối cùng Trương Gia Bình cũng phải thỏa hiệp để chấp nhận sử dụng những người “ngoại quốc” như Henry Trần Văn Hùng làm phụ trách FPT USA, Tạ Anh Thắng phụ trách Đông Du rồi Martin Geiger làm giám đốc bán hàng.

Nhưng rồi những thách thức không ngừng ập tới, những hợp đồng bên ngoài thất bại, đã khiến Trương Gia Bình phải quay lại với những triết lý quan trọng nhất khi chọn tướng mà Chiến tranh nhân dân đã mách bảo cho ông: phẩm chất quan trọng nhất của người làm tướng là tinh thần quyết chiến và sự sẵn sàng hy sinh.
Điều đó giúp ông đặt niềm tin vào những chiến hữu, có thể còn trẻ, chưa có kinh nghiệm chinh chiến, nhưng thừa nhiệt huyết và hy sinh.
“Kiến thức thiếu hai tay không mà phần mềm phải làm vì nước
Bán máy nhái, chơi phi tin, nuôi công ty nuôi những anh tài”
Và họ đã không phụ lòng ông!

Một thế hệ các bạn trẻ, hoàn toàn học trong nước, chưa hề có bất kỳ một kinh nghiệm kinh doanh quốc tế nào. Đa số họ trước khi “ra trận” thậm chí còn chưa biết thế nào là lái một chiếc ô-tô, đã trưởng thành vượt bậc. Phan Trọng Quân khi lên đường nhận nhiệm vụ tại FUSA 2.0 năm 2007, lúc đó mới tốt nghiệp Đại học Ngoại thương. Sau khi qua biên phòng, cậu đã gọi cho NamNT và khóc vì không tin được mình được tin tưởng chịu trọng trách xây dựng khách hàng tại New York, mặc dù cậu thậm chí chưa dám mơ được đi Mỹ khi gia nhập Fsoft.

Sau Quách Liễu Hoàn, mở văn phòng Japan, lần lượt Hoàng Việt Anh triển khai Sing, Bùi Hoàng Tùng, tái chiếm nước Mỹ, Lê Hà Đức đóng chốt ở Paris, Lê Mai Anh vượt biển sang Úc.
Tiếp nối truyền thống đó bây giờ là
Trần Hồng Chung thắng thầu lớn ở Malayxia, Đặng Trần Phương thay thế Tùng ở Mỹ, Lê Hải chinh phục nước Đức và Trần Côi phủ dụ lòng người ở Slovakia

Phần tiếp theo: Phần V: Biến hóa của Chiến tranh nhân dân

Một trong những hệ quả quan trọng của CTND đó là sự biến hóa khôn lường của nó. Như những hình fractal trong bài viết của TGB.


Trong cuốn sách của mình, Gerald Le Quang đã nêu lên một ví dụ rất hay của CTND tại miền Bắc: đó là việc phát động phong trào bắn máy bay Mỹ. Tưởng rằng khó có thể áp dụng CNTD trong việc bắn hạ các máy bay phản lực hiện đại. Trên thực tế, đó đã trở thành một phong trào toàn dân, tuy là ảnh hưởng không lớn với không quân Mỹ nhưng tác động to lớn đến sự đoàn kết sản xuất, quyết tâm tất cả cho tiền tuyến. Đài Tiếng nói Việt Nam hàng ngày nhắc lại: Ruộng đất là chiến trường, cuốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sĩ -> hậu phương thi đua với tiền phương.

Điều tương tự đã xảy ra với cuộc chiến XKPM mà FPT đã phát động. Fsoft đã liên tục phát triển lan rộng đi khắp thế giới, đi vào mọi ngõ ngách của khoa học kỹ thuật. Từ 13 người ban đầu, đến giờ đã có 20,000 nhân viên. FPT Japan chạm mốc 2000 người tháng 9 này, trở thành CNTT lớn ngay tại Nhật Bản.

Điểm thú vị nữa, ngoài sự phát triển không ngừng của FPT Software, đã có hàng trăm, hàng ngàn các công ty một cách cố ý, hoặc vô thức, theo gương FPT, tiến đánh vào tất cả các lĩnh vực công nghệ trên thế giới. Họ đều thấy rằng, những thành công của FPT đều xuất thân từ những điều kiện và con người bình thường và có thể lặp lại được. Trong cuộc chiến này, nhiều công ty đã đạt được những vị trí dẫn đầu thế giới trong các lĩnh vực tương ứng.

Giám đốc 1 công ty với 200 nhân viên, đã tâm sự với tác giả: làm phần mềm quốc tế, hóa ra cũng như trải manh chiếu đấm bóp ở chợ anh nhỉ, quan trọng nhất vẫn là chất lượng và thái độ dịch vụ. Các bạn ấy đã hiểu ra một điều đơn giản mà chúng tôi mất rất nhiều mồ hôi nước mắt để học được.

Kết luận

Ông Murthy, Chủ tịch của Infosys, một công ty Ấn Độ hùng mạnh, đã nói với tác giả rằng: một công ty muốn được thế giới kính trọng phải bắt nguồn từ gốc rễ văn hóa dân tộc mình. Công ty Mỹ phải rất Mỹ. Công ty Nhật phải rất Nhật. Công ty Ấn phải rất Ấn. Công ty Việt phải rất Việt.
Văn hóa doanh nghiệp chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa dân tộc. Lịch sử chiến tranh giữ nước đã giúp Việt Nam hình thành một triết lý chiến tranh “từ nhân dân mà ra” làm nên tên tuổi những vị tướng huyền thoại như Trần Hưng Đạo, Võ Nguyên Giáp...
Những kinh nghiệm từ FPT và các công ty phần mềm Việt Nam trong công cuộc xuất khẩu phần mềm cho thấy, mỗi khi có một cuộc chiến thật sự, đặt ra những thách thức thật sự, thì dù khó khăn đến đâu, chúng ta đều có thể tìm thấy lời giải phù hợp từ văn hóa và lịch sử của dân tộc