anh-huong-tu-quan-doi-nhan-dan-viet-nam-len-truong-gia-binh-va-cac-dong-doi-o-fpt-3-1663036493.png

Ngày này năm ngoái, cuốn "FPT Bí Lục" ra đời, như một cố gắng đầu tiên của nhóm tác giả miêu tả một cách có hệ thống văn hóa đã hình thành và ảnh hưởng đến doanh nghiệp như thế nào, qua những tình huống cụ thể tại FPT. Theo gợi ý của Nguyễn Đức Sơn và sau đó là những cuộc trao đổi với anh Trương Gia Bình, muốn khám phá ra được cái gì đó trong thực tế của FPT có tính Việt Nam hơn nữa.
Thực ra thì điều này dễ cảm nhận. Thậm chí kể lại được. Nhưng để viết ra có “cơ sở lý luận” một chút thì khá khó.

Rất may là nhiều cuộc gặp gỡ các bạn trẻ, những "bằng chứng sống" cho một cuộc Chiến tranh Nhân dân đã giúp tôi có thêm năng lượng, để hoàn thành bài viết nhỏ này gồm các phần!
Phần I: Chiến tranh nhân dân kiểu Việt Nam
Phần II: Đường mòn HCM, biểu tượng của Chiến tranh nhân dân Việt Nam!
Phần III: Ảnh hưởng của Quân đội NDVN lên Trương Gia Bình và các đồng đội ở FPT
Phần IV: Xuất khẩu phần mềm - "cuộc chiến" của Nhân dân
Phần V: Biến hóa của Chiến tranh nhân dân

-------------------------------------

Phần III: Ảnh hưởng của Quân đội nhân dân Việt Nam lên Trương Gia Bình và các đồng đội ở FPT

anh-huong-tu-quan-doi-nhan-dan-viet-nam-len-truong-gia-binh-va-cac-dong-doi-o-fpt-1663036492.jpg

Trương Gia Bình, nhà sáng lập FPT, đã khẳng định trong bài giảng FPT Way, tại các lớp MiniMBA của FPT:
“Bí quyết của FPT là Chiến tranh nhân dân. Nghệ thuật chiến tranh nhân dân áp dụng vào quản trị FPT là sử dụng sức mạnh tổng hợp phát huy từ sức sáng tạo, lòng tận tuỵ của mỗi cán bộ FPT vì mục tiêu chung của công ty với hạt nhân là LÃNH ĐẠO FPT.”

Chương 5 cuốn FPT Bí lục có nêu rõ, tại thời điểm thành lập FPT năm 1988, Trương Gia Bình (Trương Gia Bình) đang là con rể của đại tướng Võ Nguyên Giáp (Võ Nguyên Giáp). Anh và vợ là chị Võ Hạnh Phúc và con gái Trương Ngọc Anh, sống trong khuôn viên ngôi nhà của đại tướng gần 20 năm. Trương Gia Bình là người yêu nước, ham học hỏi và có tư chất lãnh đạo bộc lộ sớm. Những năm tháng được ở gần đại tướng và các đồng đội của ông, chắc chắn đã giúp anh hấp thụ được những bài học mà cha anh đã phải đánh đổi bằng xương máu.

Hàng năm, vào các dịp 22/12, sinh nhật đại tướng 25/8 hay kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5, các cán bộ lãnh đạo FPT được đại tướng tiếp chuyện và dặn dò.

Trương Gia Bình cũng thường xuyên mời các tướng lĩnh quân đội nhân dân Việt Nam đến nói chuyện và truyền đạt các bài học cho đội ngũ lãnh đạo FPT. Trong đó có những huyền thoại như Hoàng Minh Thảo, Phạm Hồng Cư, Hoàng Đan, Nguyễn Đình Ngọc…

Xuất thân là một nhà Toán học, Trương Gia Bình đã sử dụng thuật ngữ toán học là fractal để miêu tả cái cách mà chiến tranh nhân dân được triển khai trong công ty ông.

Ông viết trong “FPT Gene – Quyền năng thành công” như sau:

“Fractal là quy luật về cấu trúc hệ thống bao trùm trong tự nhiên và xã hội. Cầm một chiếc lá soi lên nắng chúng ta sẽ thấy gân lá hình fractal. Nhìn tổng thể chúng ta thấy các gân lá phụ chạy từ gân lá chính. Nhìn kỹ gân lá phụ, ta lại thấy các gân lá nhỏ hơn chạy từ các gân lá phụ một cách tương tự. Cứ thế mà hình thành nên lưới gân lá. Đó chính là hình fractal gân lá.

Nói đơn giản thì Fractal là kiểu cấu trúc hệ thống mà ở các tiểu hệ, ở mức chi tiết hơn, ta lại tìm thấy sự nhất quán của hệ thống trong biến đổi. Nghệ thuật chiến tranh nhân dân cũng theo hình fractal. Tổ chức quân đội cũng theo fractal.

Chính vì vậy mà chúng ta sử dụng fractal như triết lý cốt lõi FPT trong cấu trúc hệ thống.
Trong bài “nghệ thuật chiến tranh nhân dân áp dụng trong quản trị kinh doanh”, chúng ta đã đưa ra đồ hình Fractal và khẩu quyết Fractal:
- Cốt lõi đơn giản,
- Cấu trúc nhất quán,
- Biến hoá khôn lường,
- Tráng lệ,
Triết lý cốt lõi về cấu trúc hệ thống Fractal là một phương pháp tư duy hùng mạnh. Nó giúp ta khi tổ chức đúng một nơi có thể được tổ chức đúng nhiều nơi, tìm ra quy trình tốt trong một việc có thể hiểu quy trình tốt cho nhiều việc, thành công ở một nơi có thể nhân ra nhiều nơi. Và ngược lại, ở đâu trong tổ chức, công việc, chúng ta chưa tìm ra được Fractal, ở đó có thể có những bất ổn tiềm ẩn.”

Trao đổi với tác giả, Trương Gia Bình đã nêu lên 1 số điều kiện tiên quyết để tiến hành một cuộc Chiến tranh nhân dân, khá trùng lặp với những bài học mà Võ Nguyên Giáp đã nêu ở trên:

1- Cuộc chiến cần có một mục tiêu chính trị ngắn gọn, rõ ràng, hấp dẫn
2- Các lãnh đạo sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân để theo đuổi mục tiêu đó. Khi được hỏi, vậy trong cuộc “Chiến tranh nhân dân” tại FPT, các tướng lĩnh đã và sẽ phải hy sinh điều gì, Trương Gia Bình đã trả lời: “có lẽ là chúng tôi đã phải hy sinh khá nhiều trong cuộc sống cá nhân. Khi đi họp lớp, so với các bạn cùng lớp, tôi cảm thấy cuộc sống của mình thật nhạt nhẽo.” Tác giả cũng rất chia sẻ cảm giác này. Các bạn cùng lứa đã vui đùa cuộc sống hơn nhiều.
3- Nấu cá nhỏ->việc to biến thành việc nhỏ, ai cũng có thể tham gia
4- Khả năng dự báo xu hướng! Ông lấy ví dụ năm 1953  chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự báo là sẽ có đàm phán -> nên cần phải có 1 trận đánh lớn đặt lên bàn đàm phán từ đó dẫn đến Điện Biên Phỉ.
5- Tướng văn đánh võ: phải có một hiểu biết rộng
6- Được triển khai trên một nền tảng giao tiếp phù hợp với văn hóa dân tộc, ví dụ như “lá lành đùm lá rách”

Ngoài ra Trương Gia Bình còn nhấn mạnh về các vấn đề vận hành, mà theo ông các tướng lĩnh Việt Nam đã có rất nhiều đúc kết quan trọng đặc biệt là lập kế hoạch, hậu cần, thông tin.

Chiến tranh Nhân dân đã giúp FPT phát triển liên tục và bền vững trong suốt hơn 30 năm qua. Nhưng nổi bật nhất có lẽ là Chiến dịch xuất khẩu phần mềm.

Phần tiếp theo:  Xuất khẩu phần mềm - "cuộc chiến" của Nhân dân