Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC (FLC) vừa công bố báo cáo tài chính quý I với doanh thu không mấy khả quan.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2022, FLC ghi nhận doanh thu 1.085 tỷ đồng từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ, giảm 58% so với cùng kỳ năm ngoái. Xét về cơ cấu doanh thu, ba mảng kinh doanh chủ lực đóng góp vào doanh thu của FLC là doanh thu bán hàng hóa, thành phẩm với 656 tỷ đồng, doanh thu từ hoạt động kinh doanh bất động sản với 288 tỷ đồng và doanh thu từ cung cấp dịch vụ với 135 tỷ đồng.
Do kinh doanh dưới giá vốn nên FLC lỗ gộp hơn 14,3 tỷ đồng trong quý vừa qua, trái ngược với khoản lãi gộp gần 108 tỷ đồng trong quý I/2021.
Mặc dù doanh thu sụt giảm, tuy nhiên chi phí bán hàng và chi phí tài chính lại không giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, chi phí tài chính của FLC tăng gần gấp 3 lần so với quý I/2021 lên mức 161 tỷ đồng. Bên cạnh đó, FLC còn chịu lỗ 265 tỷ đồng ghi nhận từ các công ty liên doanh, liên kết trong khi quý I/2021 khoản này ghi nhận mức lãi 17,6 tỷ đồng.
Sau khi trừ đi các loại chi phí, quý I/2022 FLC báo lỗ sau thuế 465 tỷ đồng, trái ngược với khoản lãi 42,7 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Lý giải nguyên nhân thua lỗ, ban lãnh đạo FLC cho biết trong quý vừa qua tập đoàn thu hẹp mảng kinh doanh thương mại. Bên cạnh đó, doanh thu bất động sản cũng giảm mạnh do dịch Covid-19 tăng mạnh trên cả nước làm hạn chế nhân công trực tiếp thi công tại các công trình để bàn giao. Hoạt động kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng cũng sụt giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh tăng. Cuối cùng, chi phí tài chính tăng quý I năm nay tăng 185% so với cùng kỳ năm trước do công ty tăng các khoản trích lập dự phòng đầu tư.
Tuy vậy, tính đến cuối tháng 3/2022, FLC có tổng tài sản gần 35.500 tỷ đồng, vẫn tăng 5% so với đầu năm. Nợ phải trả tăng khoảng 2.078 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, lên 26.142 tỷ đồng. Trong số này khoản nợ vay ở mức 7.100 tỷ đồng, trong đó 45% nợ ngắn hạn, còn lại là nợ dài hạn.
Trong thời gian gần đây, khoản vay của FLC cũng là một trong những vấn đề được nhiều cổ đông quan tâm tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên của một số ngân hàng như Sacombank hay OCB.
Tại ĐHĐCĐ của Sacombank diễn ra vào ngày 22/4, trả lời thắc mắc của cổ đông, Chủ tịch hội đồng quản trị Sacombank ông Dương Công Minh cho biết riêng tập đoàn FLC, Sacombank cho vay 3.200 tỷ đồng và đã thu hồi được 2.600 tỷ đồng. Dự kiến trong vòng khoảng 1 tháng nữa FLC sẽ trả xong khoản vay.
Còn tại ĐHĐCĐ của OCB nói về khoản vay của FLC, Tổng Giám Đốc OCB ông Nguyễn Đình Tùng cho biết ngân hàng OCB cho FLC vay chủ yếu tập trung vào 2 dự án Tropical 1 và 2 ở Quảng Ninh, hiện nay 2 dự án vẫn đang được triển khai. Khi cho FLC vay OCB dựa vào dự án cụ thể, có đầy đủ pháp lý, số tài sản đảm bảo trên 2.000 tỷ có sổ cấp cho chủ đầu tư. Việc tài sản đảm bảo rất chặt chẽ.
Giống như Sacombank, hiện nay OCB cũng đang thương lượng thu nợ. Tổng Giám đốc OCB cũng cho biết ngay trong tháng này thì OCB sẽ thu hồi nợ của FLC khoảng 1.200 - 1.500 tỷ đồng. Đồng thời, ông Tùng cũng cho biết với dự án FLC đang triển khai, có nguồn thu thì tạo điều kiện để họ bán và thu tiền về.
Đáng chú ý, trong báo cáo tài chính của FLC cũng đề cập đến việc Cơ quan Cảnh sát điều tra của Bộ Công An đang tiến hành điều tra, xác minh một số vấn đề liên quan đến cá nhân của ông Trịnh Văn Quyết và bà Hương Trần Kiều Dung.
Ban lãnh đạo FLC cho rằng đây là vấn đề cá nhân của ông Trịnh Văn Quyết và bà Hương Trần Kiều Dung nhưng ban lãnh đạo của công ty “tiếp tục theo dõi vụ việc, đánh giá rủi ro một cách thận trọng để có quyết định phù hợp với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian tới".