c.
Nhà máy điện rác Sóc Sơn được UBND TP Hà Nội chấp thuận chủ trương từ năm 2017 với tổng mức đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng. Nhà máy nằm trong Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Sóc Sơn, khi hoàn thiện sẽ tiêu thụ toàn bộ lượng rác đang được chôn lấp tại đây mỗi ngày
Nhà máy được giới thiệu "sử dụng công nghệ đốt rác châu Âu". Mỗi giờ nhà máy tạo ra 75 MW điện, tuy không cao so với các nhà máy nhiệt điện nhưng bù lại có thể giúp Hà Nội xử lý 4.000 tấn rác khô, tương đương 5.000 -5.500 tấn rác ướt mỗi ngày.
Khi đi vào vận hành, đây sẽ là nhà máy điện rác lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau nhà máy điện rác Thâm Quyến (công suất đốt 5.000 tấn rác khô mỗi ngày).
Bà Nguyễn Thị Hồng Vân, Tổng giám đốc phát triển thị trường tại Đông Nam Á của công ty Thiên Ý (đơn vị phụ trách dự án), cho biết dự án hiện đang chậm tiến độ 5 tháng so với hợp đồng đã ký với UBND TP Hà Nội. Nguyên nhân là do dịch bệnh Covid-19 khiến các chuyên gia Trung Quốc không thể sang Việt Nam. Số lượng công nhân làm việc giảm đáng kể. Trước đây, bình thường có 1.000 công nhân làm việc thì nay chỉ còn 400, trong thời gian giãn cách xã hội có ngày chỉ còn hơn 100 công nhân.
Hiện phần xây dựng hiện hoàn thiện 95%, phần lắp máy hoàn thành 85%. Dự kiến, nhà máy sẽ hoạt động giai đoạn 1 vào tháng 1/2022 và hoạt động với 100% công suất vào cuối tháng 3/2022.
Nhà máy được thiết kế để mỗi xe chỉ mất 3 phút đi vào đổ rác rồi đi ra. Đầu tiên, xe sẽ chạy qua trạm cân để xác định khối lượng. Sau đó, xe chạy lên cầu vượt vào nhà máy.
Nhà máy có 14 cửa đổ rác được thiết kế phù hợp với từng loại xe khác nhau. Khi xe đến gần, cửa đổ rác sẽ tự động mở.
Rác được chứa tạm trong một bể khổng lồ. Chúng sẽ được những chiếc cẩu siêu trọng đảo trộn và gắp vào lò đốt.
"Trái tim" của nhà máy điện rác Sóc Sơn là khu vực buồng đốt 3 tầng. Tầng 1 để sấy khô và đưa rác đến nhiệt độ cháy. Tầng 2 là tầng đốt rác chính và tầng 3 là đốt rác cho đến khi chỉ còn sỉ và tro.
Rác được đốt sẽ tạo ra luồng khí nóng giúp chạy các tuabin của máy phát điện. Nhà máy sẽ sử dụng khoảng 20 MW còn khoảng 50 MW sẽ hoà vào điện lưới quốc gia.
Sỉ than chiếm khoảng 12% khối lượng rác sẽ được đổ ra phía sau lò đốt. Tại đây, những chiếc cẩu siêu trọng, di chuyển bằng thanh ray sẽ bốc chúng để chuyển đi làm vật liệu xây dựng.
Phần đắt đỏ của nhà máy là khu vực xử lý khí thải. Phần muội than (chiếm khoảng 3% tổng khối lượng) sẽ bị thu lại và đem đi chôn lấp. Khí thải sau khi được xử lý sẽ được xả ra 2 ống khói cao tới 85 mét.
Nhà máy có hệ thống khử mùi để ngay từ đầu vào để không gian trong lành ngay bên cạnh "núi rác".
Khi đi vào vận hành, nhà máy điện rác Sóc Sơn sẽ đón khách đến tham quan. Cảnh quan bên ngoài nhà máy được thiết kế như công viên để người dân có thể tập thể dục. Bên trong nhà máy có một khu vực để chia sẻ kinh nghiệm về bảo vệ môi trường.