Mới đây, CTCP Đầu tư Thế giới Di động (Mã CK: MWG) vừa công bố tài liệu họp cổ đông thường niên.

Trong đó có một thông tin đáng chú ý là công ty thông báo không phát hành cổ phiếu ESOP cho Ban điều hành và cán bộ quản lý chủ chốt của công ty. Nguyên nhân là bởi do kết quả kinh doanh thấp hơn kỳ vọng: cụ thể là lợi nhuận sau thuế năm 2022 không đạt mức tăng trưởng tối thiểu 10% so với năm 2021.

Kết quả kinh doanh năm 2022, MWG ghi nhận doanh thu thuần đạt 133.405 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2021 và hoàn thành 95% kế hoạch đề ra. Lợi nhuận trước thuế công ty ghi nhận là 6.056 tỷ đồng, giảm 6% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế là 4.102 tỷ, giảm 16% so với 2021 và đạt 65% kế hoạch lợi nhuận năm.

esop-bi-cat-thoi-bay-khoan-thuong-hang-ty-dong-cua-cac-sep-lon-the-gioi-di-dong-1679134374.jpg

Như vậy, sau nhiều năm liên tục phát hành ESOP, đây là năm đầu tiên Ban điều hành và cán bộ quản lý chủ chốt của Thế Giới Di Động không được nhận cổ phiếu ESOP. Điều này đồng nghĩa với không ít các sếp lớn của MWG “bay mất” khoản thưởng hàng nghìn tỷ đồng.

Vào tháng 3 năm ngoái, MWG đã phát hành 19,2 triệu cổ phiếu thưởng cho 567 nhân sự quản lý chủ chốt với mức giá bán 10.000 đồng cổ phiếu. Trung bình, mỗi người nhận khoảng gần 34.000 cổ phiếu thưởng.

Tại thời điểm đó, giá cổ phiếu của MWG đang giao dịch xung quanh vùng mức 138.000 đồng/cp. Với mức giá này, thì lượng cổ phiếu ESOP có giá trị lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Với Thế Giới Di Động, cổ phiếu ESOP luôn là một trong những câu chuyện nóng được thảo thuận tại mỗi kỳ họp cổ đông. Trong suốt nhiều năm liên tục, MWG luôn xem ESOP như một “khoản thưởng” để khuyến khích và giữ chân người lao động, đặc biệt là những nhân sự ở cấp quản lý.

Quan điểm này cũng từng được Chủ tịch HĐQT MWG – ông Nguyễn Đức Tài chia sẻ rằng ESOP có ý nghĩa sẽ giúp cả tập thể có động lực phấn đấu và nỗ lực vì tập đoàn. Vị Chủ tịch này từng khẳng định vẫn sẽ ủng hộ chính sách này của MWG bởi với vị trí là người lãnh đạo và là cổ đông lớn nhất tại MWG, ông hiểu chính sách này đang đem lại điều gì cho tập thể và đem lại gì cho MWG.

Thế Giới Di Động kỳ vọng doanh thu 135.000 tỷ đồng năm nay

Năm nay, MWG đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu dự kiến đạt 135.000 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận sau thuế là 4.200 tỷ đồng, tăng lần lượt 1% và 2% so với kết quả năm 2022. Mục tiêu này được Thế Giới Di Động đưa ra dựa trên đánh giá tình hình thực tế giai đoạn hiện tại và giả định sức mua sẽ hồi phục tích cực từ quý III/2023.

esop-bi-cat-thoi-bay-khoan-thuong-hang-ty-dong-cua-cac-sep-lon-the-gioi-di-dong-1-1679159379.PNG
Kế hoạch kinh doanh năm 2023 của MWG

MWG cho biết theo ghi nhận sơ bộ trong những tháng đầu năm, sức mua điện thoại và điện máy đang giảm mạnh hơn dự kiến của công ty.

Nguyên nhân là bởi nhóm khách hàng trung cao cấp đang có tâm lý thận trọng và trì hoãn trong quyết định chi tiêu đối với các sản phẩm lâu bền và giá trị cao đang do suy giảm niềm tin tiêu dùng trước những thách thức của nền kinh tế. Trong khi đó, nhóm khách hàng có nhu cầu ở phân khúc thu nhập thấp khó khăn hơn trong việc tiếp cận vay tiêu dùng qua hình thức mua trả góp.

Theo MWG, không chỉ đối với các sản phẩm điện thoại và điện máy, mà với các mặt hàng thiết yếu như: thực phẩm, hàng tiêu dùng nhanh và dược phẩm, người tiêu dùng cũng có xu hướng tiết kiệm, cắt giảm chi tiêu bằng việc mua các sản phẩm cùng công dụng với mức giá thấp hơn.

Năm nay, mục tiêu của chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh là duy trì và gia tăng doanh thu trên từng cửa hàng, tối ưu danh mục hàng hoá và đẩy mạnh những sản phẩm còn tiềm năng tăng trưởng.

Với Bách Hoá Xanh sau cuộc tái cấu trúc, năm 2023 MWG tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu hai chữ số và nỗ lực đạt điểm hoà vốn vào cuối năm.

Với chuỗi nhà thuốc An Khang và AVAKids, công ty sẽ tạm ngưng mở rộng và chỉ giữ những cửa hàng có lợi nhuận dương. Theo đó trong năm 2023 sẽ tập trung để tăng doanh thu trên mỗi điểm bán, kiểm soát chặt chẽ chi phí vận hành nhằm cải thiện hiện quả kinh doanh và giảm lỗ.