Trong những ngày gần đây, một trong những mã cổ phiếu làm điên đảo thị trường, làm cho nhà đầu tư (đặc biệt là NĐT nhỏ lẻ it kinh nghiệm F0) chao đảo tâm lý liên tục, lúc lên lúc xuống đó chính là DXG của Tập đoàn Đất Xanh.
Chúng tôi đã có dịp ngồi cà phê với ông VN Giám đốc quản lý quỹ của một quỹ đầu tư nước ngoài, chuyên đầu tư vào những mã cổ phiếu có vốn hóa vừa và nhỏ. Quỹ này cũng đang nắm cổ phiếu DXG và có mức sinh lãi đáng mơ ước (gần 150%) với nhiều nhà đầu tư. Ông đã chia sẻ rất chân thành với chúng tôi, đặc biệt là những nhà đầu tư non kinh nghiệm mới bước vào thị trường (F0).
Ông VN cho hay, hiện tại, có rất nhiều nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán sử dụng phương pháp phân tích kỹ thuật để đầu tư chứng khoán, kết hợp với tin đồn, tin nội bộ để ra quyết định cho mình. Tôi không nói đây là cách sai hay đúng, chỉ là khi dùng bất kỳ cách gì bạn cũng cần phải hiểu kỹ cách thức mà bạn chọn. Gần đây, rất nhiều nhà đầu tư thường xuyên hỏi thăm tôi về những cổ phiếu họ đã mua, trong số đó có khá nhiều người hỏi về mã cổ phiếu DXG. Nên nhân đây tôi xin dùng mã cổ phiếu này để làm minh họa cho các bạn nhằm chia sẻ những kiến thức cơ bản cho các bạn, tránh thua lỗ. Có một bạn hỏi tôi rằng em đã mua cổ phiếu này với giá 25, nay chỉ còn 23, em nên làm gì? Tôi chỉ hỏi bạn ấy rằng, vậy em hãy nhớ lại thời điểm em mua cổ phiếu và cho anh biết lý do em đã chọn nó và mua nó. Bạn ấy trả lời rằng vì chart tuần mới cao hơn chart tuần cũ nên em vào hay là kiến thức giao cắt EMA, chạm ngưỡng hỗ trợ nên em mua. Tôi hỏi tiếp vậy khi nào em sẽ bán? Bạn ấy chần chừ, tôi hỏi tiếp, có phải khi em thấy dấu hiệu đảo chiều và điều chỉnh sâu thì em sẽ bán? Tôi tiếp tục hỏi và không chờ em ấy trả lời, và khi quay đầu em lại chờ đến khi dấu hiệu tăng rõ ràng thì em sẽ mua lại? Thậm chí là cao hơn cái giá mà bạn đã bán lỗ trước đó. Đây là một trong số rất nhiều bạn đầu tư đang thực hiện trên thị trường chứng khoán dẫn đến thua lỗ và không hề hiểu được vì sao thua lỗ, kéo theo tâm lý nặng nề, hoảng loạn, xì trét, lo lắng khi đầu tư. Dần dà đổ lỗi cho đội lái, cho doanh nghiệp, cho những yếu tố bất kỳ có thể trút giận vào đó. Và cái bạn có được sau trút giận, cuối cùng cũng chỉ là sự thua lỗ.
Vì sao bạn lại thua lỗ?
Có rất nhiều lý do dẫn đến sự thua lỗ trên thị trường chứng khoán, nhưng một trong những lý do cơ bản nhất chính là sự hiểu biết. Các bạn đưa ra quyết định dựa trên những đồ thị (mang tính ngắn hạn) mà quên đi rằng bản chất của doanh nghiệp mới là thước đo cơ bản nhất cho thị trường chứng khoán. Khi nền tảng để ra quyết định bị lung lay, bạn ngay lập tức trở nên hoang mang và không biết đâu là phương hướng, bán hay không bán, mua hay không mua. Vì cơ sở bạn đưa ra quyết định là không bền vững. Khi đó bạn sẽ có xu hướng tìm tới những lời khuyên, mà bạn cũng chả biết những lời khuyên đó dựa trên cơ sở gì và đúng hay sai, miễn là chỉ ra cho bạn một hướng đi bất chấp đi đâu.
Điều này là lý do chủ yếu dẫn đến sự thua lỗ trên thị trường chứng khoán, một sự thua lỗ mà không hề biết lý do tại sao mình thua. Không ai chỉ toàn thắng, các quỹ đầu tư cũng sai, ngay cả Warren Buffet cũng sai nhưng khi họ sai, họ biết ngay họ sai chỗ nào, từ đó họ rất quyết đoán trong vấn đề giải quyết hậu quả.
Vậy đâu là cơ sở vững chắc cho việc ra quyết định?
Đó chính là lợi nhuận của doanh nghiệp, triển vọng tương lai của nó chứ không phải các biểu đồ giao dịch chứng khoán. Các biểu đồ sẽ có sự hỗ trợ lớn trong việc giúp bạn mua và bán với giá tốt hơn nhưng khi nó thay đổi bạn sẽ dễ dàng mất phương hướng. Nhưng nếu bạn cho rằng đây là doanh nghiệp tốt, lợi nhuận gia tăng, triển vọng tươi sáng và hiện tại đang có mức định giá thấp (đơn giản nhất là hệ số P/E thấp) và bạn ra quyết định mua nó thì cho dù khi cổ phiếu xuống bạn vẫn an tâm mà giữ nó. Ít nhất bạn không cắt lỗ cổ phiếu tốt và khi nó tăng lên bạn sẽ được quả ngọt. Còn khi nó tăng lên bạn cũng có thể dựa vào tình hình kinh doanh của công ty để ra quyết định bán và bán thế nào là rẻ, thế nào là hợp lý để tránh bán lúa non. Một lần nữa, mức định giá P/E có thể là tham số cho bạn quyết định. Có rất nhiều phương pháp để đưa ra quyết định về điểm mua và bán, tôi chỉ minh họa một trong những phương pháp đơn giản nhất cho những bạn vừa mới tham gia thôi, còn anh chị đã nhiều năm kinh nghiệm ắt hẳn đã biết cách nhìn nhận thị trường một cách chuyên nghiệp, tôi không dám múa rìu qua mắt thợ.
Minh họa DXG
Tôi xin dùng cổ phiếu DXG để minh họa cho các bạn về những chia sẻ của tôi. Chúng tôi khá may mắn khi mua vào cổ phiếu với mức giá khá thấp chỉ dưới mệnh giá. Thời điểm chúng tôi mua là khi làn sóng Covid đợt 2 diễn ra vào tháng 8/2020, giá nhiều loại cổ phiếu đã xuống khá thấp. Có lẽ cũng do nhiều bạn hoảng loạn khúc này, bán tháo nên chúng tôi mới có cơ hội mua rẻ, vì trước đó khoảng một tháng thôi, giá của DXG đang khoảng 12-13k/cp. Lúc này hầu hết mọi cổ phiếu đều bị bán tháo, chỉ số RSI rơi xuống mức thấp nhất. Đó là may mắn, không phải cao siêu. Chúng tôi dùng phương pháp định giá tài sản của DXG dựa trên danh mục dự án đang triển khai và hệ thống cũng như khả năng bán hàng của DXG, quyết định mua vào DXG. Sau khi chúng tôi đã mua xong số lượng cổ phiếu cần mua thì đột ngột thông tin công ty lỗ gần 500 tỷ được đưa ra. Như các bạn đã biết, ngay lập tức cổ phiếu bị bán sàn, trắng bên mua. Hầu hết những nhà đầu tư nhỏ lẻ và thậm chí có cả lái đã đạp giá cổ phiếu DXG trong cơn hoảng loạn tột độ. Lời khuyên chân thành của tôi dành cho các bạn F0 chính là “Đừng có tay nhanh hơn não”. Đừng đặt lệnh bán vô tội vạ mà không hệ biết lý do, chỉ đọc thông tin và đưa ra quyết định một cách hời hợt. Sự HOẢNG SỢ đã chiếm hết phần của sự khôn ngoan.
Bạn cần làm gì vào những lúc một thông tin xấu làm cho cổ phiếu rơi thảm? Đó chính là kìm hãm hoảng sợ, kìm hãm sự hoảng loạn, và tư duy một cách khôn ngoan. Chúng tôi cũng vậy, chúng tôi phải tìm hiểu lý do đằng sau cú lỗ kỷ lục này và suy xét lại vì sao hay lý do chúng tôi đã đưa ra để mua DXG. Cuối cùng, đã tìm được lý do. Chúng tôi hiểu rằng, DXG cần một lượng vốn lớn để tập trung cho dự án Gem Sky World Long Thành, cùng việc đối tác là LDG gặp khó khăn về vấn đề bán hàng khi hàng loạt các dự án gặp khó khăn trong vấn để pháp lý. Nhằm tránh bị ảnh hưởng bởi danh tiếng và cần huy động một lượng vốn lớn, DXG đã quyết định thoái vốn và thu về số tiền đúng bằng số tiền đã đầu tư ban đầu. Như vậy, về mặt giá trị tuyệt đối thì DXG không lỗ, nhưng lỗ về chi phí vốn trong suốt khoảng thời gian đã đầu tư. Vậy tại sao lại có cú lỗ trên BCTC lớn như vậy? Đây là vấn đề các bạn cần một sự thông thái và hiểu biết về kế toán. Lý do DXG đã ghi nhận những khoản lợi nhuận từ việc đầu tư vào LDG trong suốt thời gian đó, làm cho giá trị đầu tư gia tăng lên một khoản cỡ gần 500 tỷ, khi bán đi thu về số tiền chỉ bằng số tiền đầu tư ban đầu thì khoản lợi nhuận đã lỡ book kia phải bị loại bỏ, dẫn đến một khoản lỗ lớn trên báo cáo tài chính. Hiểu được vấn đề này, chúng tôi đã giải quyết được sự lo lắng và tiếp tục nắm giữ. Đấy là cách chúng ta vượt qua hoảng loạn và đầy rẫy thông tin tiêu cực xung quanh.
Chưa bán khi không được giá
Và như các bạn đã biết, sau đó DXG đã tăng liên tục từ dưới mệnh giá lên mức cao là hơn 25,000 đồng/cp, tại mức giá này chúng tôi đã lãi hơn 150%. Vậy tại sao chúng tôi vẫn chưa bán? Vì chúng tôi cho rằng đó vẫn chưa phải mức giá phù hợp, giá trị của công ty vẫn còn cao hơn nhiều. Đương nhiên đó là ước tính của chúng tôi, mỗi một nhà đầu tư đều có ước tính của riêng mình. Đâu là điều làm chúng tôi quả quyết rằng giá trị của công ty vẫn còn cao hơn? Đó là vì chúng tôi định giá các dự án của DXG, tiến độ bán hàng, thu tiền, cũng như tiềm lực tài chính của Công ty và rất rất nhiều lý do khác. Nhưng nếu bạn mua ở mức dưới mệnh giá và chốt ở mức trên 25,000 đồng/cp thì cũng chả ai nói bạn sai nếu cổ phiếu tiếp tục tăng cả, vì lãi vẫn còn hơn lỗ và lãi lớn thì lại càng tuyệt vời.
Trên hành trình tiến từ dưới mệnh giá lên trên 25,000 đồng/cp, rõ ràng con đường là không bằng phẳng, có lên có xuống, nhưng xu hướng là lên. Không thiếu những cú giảm 5-10 hay 15% trên chặng đường đó. Nếu các bạn đầu tư chỉ chăm chăm vào những chỉ báo của biểu đồ kỹ thuật, các bạn sẽ vội vàng bán ngay khi cổ phiếu giảm 15-20% hay bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy một xu hướng giảm. Khi đó, các bạn đã lỗ ngay lập tức khi cắt lỗ. Và rồi cổ phiếu phục hồi, tăng liên tục, các bạn lại thấy dấu hiệu mua vào, và lại tiếp tục lao theo lòng tham của sự mù quáng, không hề biết lý do. Đó chính là lý do tại sao các bạn mãi thua.
Làm sao để tránh thua lỗ?
Để tránh thua lỗ trên thị trường chứng khoán, các bạn cần có cơ sở vững chắc cho việc đưa ra quyết định mua cổ phiếu. Đó chính là khả năng định giá doanh nghiệp, nhìn thấy khả năng phát triển của doanh nghiệp, chứ không phải dấu hiệu mua bán của biểu đồ kỹ thuật. Khi bạn đã vững chắc thông tin về khả năng kinh doanh và tìm kiếm lợi nhuận, việc duy nhất bạn cần đó là nhìn vào biểu đồ kỹ thuật để chọn điểm mua phù hợp nhất. Giả sử, sau khi bạn mua giá cổ phiếu rớt thê thảm với hàng loạt thông tin xấu, điều mà bạn cần làm đầu tiên đó chính là BÌNH TĨNH. Sau đó quay lại xem lý do lúc mình quyết định mua là gì? Liệu rằng hiện tại lý do đó có bị thay đổi hay bị ảnh hưởng đáng kể hay không? Nếu không, thì không có lý do gì bạn phải cắt lỗ. Cũng như thông tin cách đây vài ngày, rằng khoản lỗ của DXG gia tăng thêm khoảng 50 tỷ và bị đưa vào diện kiểm soát. Tôi đã thấy làn sóng bán tháo trên thị trường vào thời điểm đó. Câu hỏi đặt ra, liệu đó có phải thông tin mới làm thay đổi bản chất của Công ty? Xin thưa là không, việc lỗ 500 tỷ hay 550 trong niên độ tài chính 2020 là không khác nhau gì mấy, chỉ cần một bút toán nhỏ điều chỉnh thì có thể gây ra chênh lệch đó. Còn việc lỗ, đưa vào diện cảnh báo và bị cắt margin thì đó cũng chả là thông tin gì mới mẻ, vì chắc chắn điều đó sẽ xảy ra khi công ty thông báo khoản lỗ gần 500 tỷ từ quý 3/2020 chứ không phải chờ đến quý 1/2021 mới biết. Nên nếu các bạn hoảng loạn vì thông tin này, bán ra sớm hoặc cắt lỗ thì hẳn đã phải tiếc nuối khi Công ty đã chấn an cổ đông bằng thông tin lãi ngay 500 tỷ trong quý 1/2021 chỉ một ngày sau đó.
Đó là thực tế, trong thế giới đầu tư, sẽ không bao giờ thiếu những con thiêu thân và những kẻ tham lam hay hoảng sợ. Thông tin tốt xấu luôn xung quanh chúng ta, điều duy nhất giúp chúng ta tránh thua lỗ đó chính là tỉnh táo, bình tĩnh và kiên nhẫn. Hãy dùng thước đo lợi nhuận của doanh nghiệp, triển vọng của công ty để đưa ra những xét đoán hiệu quả, đó mới là cơ sở VỮNG CHẮC nhất cho những hành động của bạn.
Chúc các bạn thành công.