Ngân hàng TMCP Á Châu (Ngân hàng ACB, mã cổ phiếu ACB - sàn HoSE) vừa công bố báo cáo tài chính quý cho hoạt động kinh doanh năm 2023. 

Trong quý 4/2023, ngân hàng đã ghi nhận hơn 7.900 tỷ đồng doanh thu, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hầu hết mảng kinh doanh của ngân hàng đều tăng trưởng trong quý vừa qua.

Cụ thể, thu nhập lãi thuần quý 4/2023 giảm gần 2,6%, đóng góp 6.289 tỷ đồng; lãi thuần từ hoạt động dịch vụ cũng giảm 21,5% xuống còn 927 tỷ đồng; lãi thuần từ hoạt động khác giảm mạnh 90% còn gần 14 tỷ. Mua bán chứng khoán đầu tư trong quý IV/2023 tăng mạnh lên gần 1.360 tỷ đồng, từ mức nền thấp chỉ gần 3 tỷ đồng trong quý IV/2022.

Cũng trong quý cuối cùng của năm 2023, ACB trích lập dự phòng chi phí rủi ro tín dụng gần 322 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các chi phí hoạt động trong kỳ, ngân hàng này thu về khoản lãi trước thuế hơn 5.043 tỷ đồng, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế thu nhập cũng tăng tương ứng, đạt hơn 4.000 tỷ đồng.

Tính chung cả năm 2023, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ACB đạt hơn 20.000 tỷ đồng, hoàn thành 100% kế hoạch năm, tăng trưởng 17,3% so với năm 2022. 

Tăng trưởng lớn nhất đóng góp cho ngân hàng đến từ thu nhập ngoài lãi tăng 48% so với cùng kỳ. Tỉ trọng đóng góp của thu nhập ngoài lãi vào doanh thu của ngân hàng lên đến 24%. Nhờ vậy đã bù đắp lại việc thu nhập từ lãi giảm khi Ngân hàng chủ động giảm lãi suất để hỗ trợ các khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh trong thời gian vừa qua. Ngoài ra, mảng dịch vụ mua bán ngoại tệ và hoạt động đầu tư cũng ghi nhận mức tăng trưởng tích cực.

Tính đến cuối năm 2023, dư nợ tín dụng của Ngân hàng ACB đạt gần 488.000 tỷ đồng, tăng 17,9% so với đầu năm, cao hơn mức 13,7% bình quân ngành. Đây cũng là mức tăng trưởng tín dụng cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây của ngân hàng này. Tỷ lệ tiền gửi không tiền mặt (CASA) tăng trưởng tới 22%; qua đó, Ngân hàng ACB lọt TOP 5 về tỷ lệ CASA toàn ngành.

Năm 2023 ghi nhận chi phí hoạt động của ACB giảm 6,3% so với 2022, nhờ đó tỷ lệ CIR được cải thiện còn 33%, giảm so với mức 40% vào cuối năm 2022.

Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của ngân hàng đạt 719.000 tỷ đồng, tăng 18,2% so với đầu năm. Đồng thời, tỷ lệ ROE đạt mức gần 25%, lọt nhóm những ngân hàng hoạt động hiệu quả nhất hiện nay.

Tỷ lệ LDR đạt mức 78% (dưới mức 85% so với quy định), tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn chiếm 17% (thấp hơn nhiều so với mức quy định 30%).

Nợ xấu của ACB tăng lên mức 1,21% trong năm 2023, ở mức 5.890 tỷ đồng, tăng 93% so với đầu năm, tuy nhiên ACB vẫn là một trong những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất thị trường. Bước sang năm 2024, ngân hàng ACB được kỳ vọng sẽ kiểm soát tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,2% với bộ đệm dự phòng cao là 82,2%.

Năm 2023, số lượng khách hàng tại ACB tăng thêm 28% so với năm 2022, trong đó 63% khách hàng mới đến từ kênh online. 

Ông Trần Hùng Huy hiện là Chủ tịch ACB. Theo báo cáo quản trị công bố ngày 21/7/2023, Chủ tịch ACB trực tiếp nắm giữ hơn 133 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 3,43%). Ước tính, số cổ phần trong tay ông Trần Hùng Huy có giá trị khoảng 3.500 tỷ đồng.