Trước khi nói về Apax Holdings, chúng ta cần tìm hiểu về công ty mẹ Egroup. Theo website Egroup, thì họ gồm 3 nhóm công ty: mảng giáo dục đào tạo gồm Apax Holdings (chuyên về đầu tư – tư vấn) – Anh Ngữ Apax (Apax Leaders) – iGarten - Englishnow; mảng startup về giáo dục – sức khỏe như eKidPro – Franklin International Academy – NextEdu - CMS Edu - Dong Sim Vietnam – VnEduTech - Viet Kinder Tech; mảng ẩm thực/mỹ phẩm/nha khoa là Ozen Group gồm Soya Garden – Yakson Beauty – The Dental Hub – Rehoboth.

Trong đó, mảng giáo dục đào tạo vẫn là ‘con gà đẻ trứng vàng’ cho Egroup và làm nên tên tuổi của Tập đoàn này trên thương trường. Trong đó, Apax Holdings đã được niêm yết trên sàn chứng khoán với mã IBC, đây là công ty chuyên đầu tư vào Anh Ngữ Apax (Apax English), iGarten và English Now Global).

Tình hình kinh doanh của Egroup – Apax Holdings không tốt trong 2 năm gần đây

2019 là một năm đại hạn của Egroup. Mặc dù Apax Holdings cùng các công ty con vẫn tăng trưởng tốt song Egroup lại bất ngờ lỗ. Năm 2019, chuỗi trung tâm Apax English ghi nhận doanh thu đạt tới 1.482,34 tỷ đồng, báo lãi 113,22 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiệu quả kinh doanh của Egroup bất ngờ suy giảm vào năm 2019, với khoản lỗ thuần 0,5 tỷ đồng.

Trong năm 2020, tình hình của bộ 3 Egroup - Apax Holdings - Apax English ngày càng không tốt do Covid-19.

Đỉnh điểm, trong quý I/2020, doanh thu thuần của Apax Holdings sụt giảm 15% về mức 242 tỷ đồng. Apax Holdings kinh doanh dưới giá vốn khiến lỗ gộp gần 1,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn có lãi 115 tỷ đồng. Thêm vào đó, chi phí lãi vay kỳ này dội lên hơn 14 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ.

Thêm nữa, chi phí bán hàng vẫn tăng mạnh 78% lên 106 tỷ đồng và chi phí quản lý cũng tăng 34% lên 47 tỷ đồng. Cộng thêm lỗ từ hoạt động khác tiếp tục ghi nhận 925 triệu đồng. Sau cùng, Apax Holdings lỗ ròng 170 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi hơn 5,4 tỷ đồng. Đây là quý lỗ thứ hai kể từ quý IV/2017 của Công ty.

Tại thời điểm 31/3/2020, tổng nguồn vốn của Apax Holdings giảm nhẹ xuống 2.860 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả chiếm chủ yếu tới 2.088 tỷ đồng, riêng vay nợ tài chính chiếm đến 738 tỷ đồng. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh tiếp tục âm tới 407 tỷ đồng.

Đáng nói, dù hàng năm không ghi nhận hoạt động kinh doanh thua lỗ, nhưng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Apax Holdings lại âm tới 264 tỷ đồng, trong khi cuối năm 2019 chỉ âm 125 tỷ đồng.

Hệ quả: hai quỹ Valuesystem Global Mezzanine Investment - Private Investment Fund và Valuesystem Dae Gwang A Investment - Private Investment Fund đã nhanh chóng thoái vốn tại Apax Holdings. Cụ thể: hai quỹ nói trên đăng ký bán ra tổng cộng hơn 5,1 triệu cổ phiếu IBC, tương đương với 6,3% vốn chủ sở hữu. Thời gian dự kiến thực hiện giao dịch từ ngày 29/5 đến ngày 27/6, theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận.

Lũy kế cả năm 2020, doanh thu của Apax Holdings đạt hơn 1.950 tỷ đồng, tăng gần 17% so với năm 2019. Tổng lợi nhuận trước thuế đạt hơn 108 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2019.

‘Bùng binh’ Egroup - Apax Holdings - Apax English

Đối với các nhà đầu tư dõi theo cổ phiếu IBC, những giao dịch của bộ ba Egroup – Apax Holdings – Apax English, đã không quá xa lạ. Trong “hệ sinh thái” của Egroup, Apax Holdings đóng vai trò quan trọng trong việc huy động vốn cho các công ty thành viên.

Thông tin từ VietTimes, tháng 12/2019, HĐQT Apax Holdings đã thông qua kế hoạch mua 6,6 triệu cổ phần tại CTCP Anh ngữ Apax (Apax English) từ ông Nguyễn Ngọc Thủy với giá 53.000 đồng/cổ phiếu. Mục tiêu nhằm nâng tỷ lệ sở hữu của Apax Holdings tại Apax English lên 79,69% vốn điều lệ.

Tuy nhiên, một phần nguồn vốn để Apax Holdings thực hiện kế hoạch kể trên lại được công ty này vay từ chính Apax English, với hạn mức lên tới 350 tỷ đồng, kỳ hạn 1 năm.

Cập nhật tại ngày 30/6/2020, Apax Holdings ghi nhận khoản phải thu ngắn hạn hơn 256 tỷ đồng với ông Nguyễn Ngọc Thủy. Trong đó, chủ yếu là khoản tạm ứng ngắn hạn, đặt cọc và lãi đặt cọc mua cổ phần Apax English theo thỏa thuận chuyển nhượng.

shark-thuy-1625502765.jpg
Doanh nhân Nguyễn Ngọc Thủy - Chủ tịch Egroup.

Tiếp theo, ngày 17/9/2020, HĐQT Apax Holdings thông qua phương án sử dụng tối đa 8 triệu cổ phần của Apax English để làm tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu mã “Apaxholdings_Bond2020”, có tổng mệnh giá 300 tỷ đồng. Lô trái phiếu có kỳ hạn 3 năm, với mức lãi suất cố định 12,5%/năm. 

Điều đáng nói, Apax Holdings dự kiến sẽ dùng 250 tỷ đồng số tiền thu về từ phát hành trái phiếu để cơ cấu nợ, 50 tỷ đồng để tăng quy mô hoạt động. Mà cụ thể hơn là kết hợp với vốn tự có để bổ sung vốn lưu động cho Apax Holdings và tái cơ cấu khoản nợ vay tại chính Apax English.

Vào tháng 12/2020, Apax Holdings chính thức ra thông báo đã phát hành thành công trọn vẹn 300 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ mà Công ty này đã huy động trước đó kể từ ngày 01/10/2020.

Với những chi tiết kể trên khiến “nước cờ” trái phiếu của Apax Holdings gây nhiều băn khoăn cho giới đầu tư.

Ngoài ra, vào tháng 6/2020, HĐQT Apax Holdings đã trình cổ đông thông qua kế hoạch phát hành 20 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho Egroup với giá phát hành tối thiểu là 19.000 đồng/cổ phiếu. Thời gian phát hành dự kiến trong quý III – Quý IV/2020.

Với số tiền 380 tỷ đồng dự kiến thu về, Apax Holdings muốn dành 370 tỷ đồng sử dụng để thanh toán gốc vay của Apax English, còn 10 tỷ đồng sẽ sử dụng bổ sung cho vốn lưu động. Tuy nhiên, lần huy động vốn này đã không thành công.

Kế hoạch mở rộng các trung tâm Anh ngữ lên 125 cơ sở

Tại ĐHCĐ thường niên 2021, Apax Holdings vừa thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay với doanh thu hợp nhất 2.900 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 70 tỷ đồng, lần lượt tăng 48,6% và giảm 7% so với thực hiện năm trước.

Đáng chú ý, kế hoạch doanh thu của Apax Holding đã tăng mạnh so với kế hoạch mà doanh nghiệp đặt ra trước đây vài tháng. Theo báo cáo thường niên 2020, Apax Holding đặt kế hoạch 2.400 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận sau thuế là 75 tỷ đồng; lần lượt tăng 23% và không thay đổi so với thực hiện năm 2020.

Apax Holdings còn cho biết thêm, họ sẽ tiếp tục huy động vốn để đầu tư cho những công ty con, công ty thành viên, đặc biệt là đầu tư đất xây trường, trung tâm. Doanh nghiệp này sẽ tập trung hoàn thiện 125 trung tâm cho các chuỗi của mình trong năm 2021, với công suất phục vụ từ 88.000 đến 150.000 học sinh. Đồng thời, Apax Holdings cũng sẽ tập trung phát triển sản phẩm giáo dục online.

Theo đó, iGarten sẽ đẩy mạnh hoạt động tại 16 trường mầm non hiện có và mở mới thêm 4 trường, nâng tổng số cở sở lên 20 trường trên cả nước. Còn Englishnow được kỳ vọng sẽ mở thêm 7 trung tâm mới tại các tỉnh thành, nâng tổng số cơ sở lên 10 trung tâm trên cả nước, nhằm mở rộng đối tượng học sinh các gia đình có mức thu nhập thấp.

screen-shot-2021-07-05-at-111714-pm-1625502765.png
 

Về hoạt động tìm kiếm và huy động vốn mới, Apax Holdings tiết lộ: họ sẽ thực hiện hoạt động này thông qua việc xúc tiến gặp gỡ nhà đầu tư và tìm kiếm cơ hội hợp tác song phương - đa phương với các tổ chức trong và ngoài nước.

Kết thúc quý I/2021, Apax Holdings ghi nhận doanh thu đạt gần 467 tỷ đồng, tăng 93% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ chi phí, công ty thu về vỏn vẹn 2,4 tỷ đồng lãi ròng nhưng vẫn khả quan hơn số lỗ hơn 170 tỷ đồng trong quý I/2020.

Theo giải trình từ phía doanh nghiệp, khác với cùng kỳ năm trước, quý I năm nay các trung tâm và trường học đã mở cửa hoạt động bình thường trong tháng 1, tháng 3, còn tháng 2 hoạt động theo chương trình online.

Mặc dù có lãi, nhưng dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Apax Holdings vẫn tiếp tục âm 45 tỷ đồng. Dòng tiền đầu tư là hơn 1 tỷ đồng tới từ hoạt động thanh lý, nhượng bán tài sản cố định, trong khi cùng kỳ âm 88 tỷ đồng do mua sắm, xây dựng tài sản cố định.

Để bù đắp dòng tiền thâm hụt từ hoạt động kinh doanh, Apax Holdings tiếp tục gia tăng lượng tiền đi vay. Dòng tiền tài chính cuối quý I/2021 đạt 256 tỷ đồng, cao hơn gần 150 tỷ đồng cùng kỳ do chênh lệch từ tiền vay (524 tỷ đồng) và trả nợ (268 tỷ đồng). Thời điểm 31/3/2021, nợ vay tài chính của công ty đã tăng gần 32% so với đầu năm lên mức 1.427 tỷ đồng, chủ yếu là vay trái phiếu.