Đầu năm 2023, khi Trung Quốc mở cửa trở lại, đã thúc đẩy sự phục hồi của giá thép toàn cầu do kỳ vọng mức tiêu thụ của Trung Quốc sẽ tăng. Tuy nhiên, từ ngày 14/03/2023 đến ngày 24/05/2023, giá thép thế giới giảm 19,1% từ 4.362 xuống 3.531 CNY/tấn, trong khi giá thép cán nóng (HRC) cũng có xu hướng giảm mạnh và chưa có dấu hiệu chạm đáy.

du-co-lai-nhung-tuong-lai-tap-doan-hoa-sen-van-dang-la-mot-dau-cham-hoi-1685352385.jpeg

Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân khiến giá thép toàn cầu quay đầu trong thời gian gần đây là do những lo ngại kéo dài về tình trạng trì trệ trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc sau khi số liệu kinh tế gần đây trở nên kém tích cực và có dấu hiệu suy giảm hơn nữa, dẫn đến nhu cầu thép giảm.

Ngoài ra, lãi suất cao và lo ngại suy thoái kinh tế cũng khiến hoạt động đầu tư và xây dựng ở hầu hết các quốc gia trên thế giới bị đình trệ, ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ thép. Tương tự, tình hình trong nước cũng không ổn định, mức giá bán của ngành thép đã được các doanh nghiệp điều chỉnh 6 lần liên tiếp, chỉ còn 15 triệu đồng/tấn, khác xa nhiều với xu hướng tăng giá hồi đầu năm 2023.

Hiệp hội Thép Việt Nam - VSA cho rằng, giá thép kết cấu trong nước giảm thời gian gần đây là do nhu cầu yếu ở hầu hết các nơi trên thế giới và tâm lý tiêu cực ảnh hưởng đến giá thành phẩm. Khi nhu cầu thép trong nước cũng giảm mạnh để đẩy nhanh hàng tồn kho các nhà sản xuất buộc phải hạ giá bán. Trong thời gian tới giá thép xây dựng dự kiến sẽ tiếp tục giảm.

Ngoài ra, VSA cho biết thêm, trong quý I/2023, sản lượng thép thành phẩm giảm 20,9% xuống 6.692 triệu tấn; doanh số bán thép thành phẩm giảm 25,4% xuống 6.068 triệu tấn. Trong đó, xuất khẩu thép giảm chỉ còn 1.659 triệu tấn, giảm 8,9%. Như vậy, số liệu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu của các doanh nghiệp ngành thép chưa có dấu hiệu phục hồi.

Mặc dù, giá thép có dấu hiệu hồi phục từ hồi đầu năm đến ngày 14/3 nhưng nhu cầu tiêu dùng vẫn yếu cùng với giá thép đang trong tình trạng giảm mạnh, một lần nữa các doanh nghiệp ngành thép tiếp tục đối mặt với thách thức. Trong cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 của Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG), ông Lê Phước Vũ Chủ tịch HĐQT HSG cho biết, hàng tồn kho giá cao của Tập đoàn đã được xử lý xong, có thể nói giai đoạn khó khăn của Tập đoàn đã được vượt qua.

Ông Vũ còn cho biết, hàng tồn kho của Tập đoàn đủ dùng cho đến tháng 5/2023. Giá thép mà Hoa Sen mua vào năm ngoái thấp nhất là 510 USD/tấn và giá tồn kho bình quân khoảng 630 USD/tấn. Trong khi đó, giá thép cán nóng của Formosa (HRC) đã lên tới 680 USD/tấn và đơn giá từ Trung Quốc cũng quanh mức 700 USD/tấn.

Tuy nhiên, với kịch bản giá thép giảm sâu và chưa có dấu hiệu tạo đáy, thì kịch bản lạc quan của Chủ tịch Hoa Sen sẽ gặp nhiều thách thức. Theo kết quả báo cáo tài chính, quý II theo niên đại tài chính 2022 - 2023 của Hoa Sen (từ 1/1/2023 đến 31/3/2023), doanh thu của Hoa Sen ghi nhận giảm 44,9 tỷ đồng so với cùng kỳ, đạt 6.980,9 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế của Hoa Sen ghi nhận tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước, đạt 250,6 tỷ đồng.

Đáng chú ý, theo CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research), Hoa Sen lãi dương trong quý đầu năm là nhờ hoàn nhập dự phòng hàng tồn kho 466 tỷ đồng do giá thép phục hồi. Tuy nhiên, sản lượng tiêu thụ của Hoa Sen vẫn ở mức thấp, đặc biệt là ở nội địa với sản lượng tiêu thụ đạt khoảng 167.000 tấn, giảm 37% so với cùng kỳ; trong tháng 2 và tháng 3/2023 sản lượng xuất khẩu duy trì ổn định ở mức khoảng 50.000 tấn, mặc dù vẫn thấp hơn khoảng 50 - 60% so với mức đỉnh vào nửa cuối năm 2021.

Luỹ kế 6 tháng đầu niên độ tài chính 2022 - 2023 (từ 1/10/2022 đến 31/3/2023), Hoa Sen ghi nhận doanh thu giảm 49,7% so với cùng kỳ, đạt 14.898,3 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 429,62 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước lãi 873,02 tỷ đồng).

Được biết, theo quy định hiện hành, cổ phiếu sẽ bị đưa vào danh sách không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ nếu lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính kiểm toán bán niên bị âm. Căn cứ theo quy định, nếu số liệu nửa năm sau kiểm toán của Hoa Sen ít thay đổi so với số liệu lũy kế 6 tháng đầu niên độ tài chính 2022 - 2023, nghĩa là nhiều khả năng cổ phiếu HSG sẽ sớm bị cắt margin khi báo cáo kiểm toán tiếp theo được công bố.

Trước đó, ngày 10/3/2023 trong ĐHĐCĐ thường niên, Chủ tịch HSG đã thông báo Tập đoàn đã bắt đầu có lãi trở lại và đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Trong tháng 2/2023, Tập đoàn đã ghi nhận lãi khoảng 50 tỷ đồng, dự kiến tháng 3/2023 lãi 100 tỷ đồng.

Chủ tịch HSG tự tin chia sẻ với cổ đông, “Chắc chắn Hoa Sen đã có lời trở lại, nên cổ đông yên tâm, cổ phiếu HSG sẽ không bị cắt margin”.

Tuy nhiên, số liệu báo cáo lại cho thấy điều ngược lại, nếu như cổ phiếu HSG được HoSE đưa vào danh sách không được cho vay ký quỹ thì cổ phiếu của HSG có nguy cơ bị cắt margin trong thời gian tới.