hoa-sen-1675136424.jpg
 

Tập đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG) vừa công bố kết quả kinh doanh quý I niên 2022-2023 với doanh thu thuần giảm 53,3% so với cùng kỳ năm trước còn 7.757 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu bán thành phẩm giảm giảm 42,4%, doanh thu bán hàng giảm 61,4%. Điều này khiến lợi nhuận gộp của doanh nghiệp này giảm 92,5% còn khoảng 160 tỷ đồng.

Doanh thu tài chính của Hoa Sen giảm 79% còn 32,1 tỷ đồng chủ yếu do khoản lãi chênh lệch tỷ giá giảm hơn 120 tỷ đồng. Các chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm lần lượt 32,7%; 45,5% và 30,4%. Kết quả, công ty lỗ trước thuế 667,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 750 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ là âm 680 tỷ đồng. Đây cũng là quý thứ hai liên tiếp Hoa Sen báo lỗ.

Tại thời điểm 31/12/2022, tổng tài sản của tập đoàn đạt 15.963 tỷ đồng, giảm 7% so với đầu năm. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn tăng 14%. Hàng tồn kho giảm 19,2% còn 5.980 tỷ đồng. Tài sản cố định ở mức 5.716 tỷ đồng, gần như đi ngang với số đầu kỳ.

Nợ vay tài chính của Hoa Sen ở mức 2.693 tỷ đồng, giảm 33,8% so với đầu quý với toàn bộ là nợ vay ngắn hạn. Tất cả nợ vay của doanh nghiệp là nợ vay ngân hàng. Vốn chủ sở hữu đạt 10.170 tỷ đồng trong đó lợi nhuận sau thuể chưa phân phối là 3.861 tỷ đồng, vốn góp chủ sở hữu là 5.980 tỷ đồng.

Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán HSG) là ông Lê Phước Vũ, một doanh nhân tuổi Mão để lại rất nhiều dấu ấn trên sàn chứng khoán cũng như doanh nghiệp ngành thép. Ông Lê Phước Vũ ngoài chức vụ tại Tập đoàn Hoa Sen còn là lãnh đạo tại Công ty TNHH MTV Tam Hỷ.

le-phuoc-vu-1675136424.jpg
Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen, ông Lê Phước Vũ

Doanh nhân Lê Phước Vũ là sáng lập viên của Hoa Sen, đồng hành cùng Hoa Sen Group từ khi thành lập đến nay ở cương vị người lãnh đạo cao nhất. Khối tài sản là cổ phiếu HSG mà ông Lê Phước Vũ nắm giữ hiện có giá trị khoảng 1.300 tỷ đồng, đưa ông Vũ vào danh sách TOP 200 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

Cổ phiếu HSG của Tập đoàn Hoa sen sau đợt giảm sâu về dưới mệnh giá giai đoạn tháng 11/2022 thì hiện tại đã tăng dần, đang giao dịch quanh mức 14.600 đồng/cổ phiếu.

Tập đoàn Hoa Sen của ông Lê Phước Vũ cũng đã trải qua hành trình hơn 20 năm từ khi thành lập năm 2001. Thương hiệu tôn Hoa sen cũng là thương hiệu đi cùng năm tháng, gắn bó với người tiêu dùng Việt Nam từ lâu nay.

Trong thông điệp phát triển của mình, Nhà sản xuất tôn số 1 Đông Nam Á cho biết đang đi theo chiến lược dẫn đầu về chi phí thấp bằng quy trình sản xuất – kinh doanh khép kín. Quy trình sản xuất tôn – thép của Tập đoàn Hoa Sen bắt đầu từ nguyên liệu chính là thép cán nóng. Thép cán nóng đi qua dây chuyền sản xuất thép cán nguội sẽ tạo ra thép cán nguội là nguyên liệu đầu vào cho ra sản phẩm cuối cùng là tôn. Thông qua hệ thống chi nhánh phân phối – bán lẻ rộng khắp cả nước, các sản phẩm của Hoa Sen đến tận tay người tiêu dùng. Theo Hoa Sen, quy trình sản xuất – kinh doanh khép kín giúp công ty chủ động điều tiết và kiểm soát chặt chẽ chi phí từng khâu và đây là cơ sở để công ty thực thi chiến lược dẫn đầu thị trường dựa vào chi phí sản xuất kinh doanh thấp nhất.

Về tình hình kinh doanh, các năm tài chính 2021 và 2022 của Hoa Sen đều đạt mức doanh thu “khủng” trên 48.700 tỷ đồng và trên 49.700 tỷ đồng. Lợi nhuận cũng nhiều năm đạt trên nghìn tỷ như năm 2016, 2017, 2020 và 2021. Tuy vậy kết quả kinh doanh của Hoa Sen không ổn định, có những năm lãi lớn xen vào là những năm lãi sau thuế giảm sút. Tuy vậy chục năm trở lại đây năm lãi thấp nhất của Tập đoàn Hoa Sen cũng lên đến hơn 250 tỷ đồng.