Trong bối cảnh xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phổ biến, nhất là với nền tảng dân số trẻ, tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh và độ “phủ sóng” của Internet cao bậc nhất thế giới, lĩnh vực thanh toán kỹ thuật số ở Việt Nam đã và đang chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng. Trong đó, ví điện tử là phân khúc sôi động nhất và đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng của thanh toán kỹ thuật số Việt Nam.
Theo dự báo, với tốc độ tăng trưởng kép lên tới 30,2%/năm trong giai đoạn 2020-2027, thị trường thanh toán di động tại Việt Nam có thể đạt 2,7 nghìn tỷ USD vào năm 2027. Điều này cho thấy dư địa phát triển thị trường ví điện tử Việt Nam là rất lớn.
Việt Nam hiện có hơn 40 nhà cung cấp ví điện tử tham gia thị trường thanh toán cùng các ngân hàng, một trong những cái tên nổi bật là VNPay của CTCP Giải pháp Thanh toán Việt Nam (VNPay).
Được thành lập năm 2007, 2 năm sau, VNPay năm 2009 trở thành một trong những công ty đầu tiên được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho phép thực hiện thí điểm cung ứng dịch vụ thanh toán Ví điện tử theo Quyết định số 675/QĐ-NHNN. Đến tháng 10/2015, VNPay chính thức được NHNN cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
Kể từ khi được cấp phép, sau hơn 8 năm, VNPay đã và đang phát triển một hệ sinh thái thông qua “bắt tay” với hơn 40 ngân hàng liên kết, 250.000 doanh nghiệp hợp tác ở các lĩnh vực hàng không, taxi, tàu, xe chuyến, doanh nghiệp bán lẻ, bóng đá, khu vui chơi, mở rộng và đưa sản phẩm dịch vụ đối tác lên kênh số mobile banking, ví điện tử... Từ đó phát triển các dịch vụ như: Apple Pay, ví VNPay, Taxi, Mobile Banking, VnShop, Đặt vé xem phim…
Việc sở hữu một hệ sinh thái phong phú vừa giúp VNPay gia tăng sự tiện lợi cho người tiêu dùng/đối tác khi có thể thanh toán các hóa đơn dịch vụ một cách nhanh chóng mà không cần đến tiền mặt, vừa đảm bảo vị thế “ông lớn” trên thị trường ví điện tử Việt Nam, bất chấp xu thế cạnh tranh tại thị trường ngày càng khốc liệt với sự gia nhập của loạt tân binh (như VinID, SenPay, 9Pay…).
Khoản doanh thu tỷ USD của VNPay
Những lợi thế về nền tảng hệ sinh thái đa dạng, dư địa phát triển của ví điện tử lớn… đã phần nào phản ánh vào tình hình tài chính VNPay giai đoạn 2019-2022.
Cụ thể, doanh thu thuần VNPay năm 2022 đạt 29.937 tỷ đồng (tương đương hơn 1,2 tỷ USD tính theo tỷ giá hiện tại), tăng trưởng gần 35% so với cùng kỳ năm trước, và tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm giai đoạn 2019-2022 đạt hơn 34,5%/năm. Đáng chú ý, đây cũng là mức doanh thu cao nhất mà VNPay đạt được trong 4 năm tài chính.
Dù vậy, sau khi trừ đi các chi phí và thuế, lãi ròng công ty giảm mạnh 94% còn 19,5 tỷ đồng, thấp nhất trong giai đoạn 2019 – 2022. ROA và ROE công ty theo đó lần lượt chỉ là 0,4% và 0,6%, con số rất thấp so với các năm trước.
Dù vậy, tăng trưởng lãi ròng bình quân hàng năm giai đoạn 2019-2022 của VNPay vẫn rất ấn tượng với mức 125,5%/năm. Điều này chủ yếu nhờ vào lãi ròng tăng mạnh trong các năm 2020-2021.
Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản VNPay tại ngày 31/12/2022 đạt gần 4.992 tỷ đồng, tăng 56% so với số đầu kỳ. Về cơ cấu nguồn vốn, vốn chủ sở hữu đạt 2.994 tỷ đồng, tăng 63%; nợ phải trả gần 1.998 tỷ đồng, tăng 46,3%.
So sánh với một số ví điện tử khác (cập nhật theo BCTC năm 2021), lãi ròng VNPay chỉ xếp sau VNPT Pay (380 tỷ đồng). Đáng chú ý, 4 ví điện tử báo lỗ là và đứng trên Moca (-165 tỷ đồng), ShopeePay (-385 tỷ đồng), Momo (-800 tỷ đồng) và ZaloPay (-1.200 tỷ đồng).
Nguồn: Khánh An - Huy Ngọc/ Nhà đầu tư