Mới đây, tại buổi talk show “The Next Power”, doanh nhân Mai Hữu Tín - Chủ tịch Gỗ Trường Thành đã mang câu chuyện làm sống dậy các thương hiệu đình đám để chia sẻ bí quyết xoay chuyển các doanh nghiệp mà ông từng “giải cứu”.
Ông Tín từng là Chủ tịch hội doanh nhân trẻ Việt Nam (khóa IV, 2011-2014), thành viên Ban nghiên cứu Phát triển kinh tế Tư nhân của Thủ tướng Chính phủ, và Đại biểu Quốc hội khóa XII và XIII. Hiện ông là Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư U&I (UNIX), thực hiện đầu tư và quản trị các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực.
Năm 2017, doanh nhân Mai Hữu Tín đầu tư và chấp nhận đổi mới Gỗ Trường Thành (TFF), đương đầu với khoản lỗ lũy kế lên đến cả nghìn tỷ và bê bối hàng tồn kho chất lượng thấp của công ty. Đến tháng 12 năm ngoái, doanh nghiệp sản xuất gỗ đầu ngành này đã tuyên bố “sạch” nợ và tham vọng tham gia cuộc chơi 1 tỷ USD tại ASEAN.
Trước Gỗ Trường Thành, ông Tín ghi dấu là “ông trùm giải cứu” khi thực hiện các thương vụ M&A và vực dậy thành công Bồn nước Toàn Mỹ năm 2007 và Giấy Sài Gòn năm 2013. Trong con đường vực dậy các doanh nghiệp này, ông Tín cho rằng không có chỗ cho sự “độc tài” mà phải áp dụng nhiều đổi mới nhỏ, với sự tham gia của toàn thể người lao động trong doanh nghiệp để đạt thành công lớn.
“Nếu được lựa chọn thì tôi sẽ không dùng từ ‘giải cứu’, mà tôi thích dùng từ ‘xoay chuyển’ hơn. Chúng ta biến những doanh nghiệp đang bình thường trở nên tốt hơn”, ông Tín chia sẻ tại The Next Power.
Chuỗi talk show “The Next Power” được sản xuất bởi S-World cùng Báo điện tử VnExpress, cùng các doanh nhân khách mời khám phá câu chuyện tìm kiếm “sức mạnh mới” cho doanh nghiệp bằng đổi mới sáng tạo, đưa doanh nghiệp vượt qua những thời điểm khó khăn nhất trong quá trình phát triển. Talk show được dẫn dắt bởi doanh nhân, “shark” Trương Lý Hoàng Phi - Phó Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ TP.HCM và nguyên TGĐ Vintech City (Vingroup), sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc IBP và ông Lê Trí Thông - Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ).
“Thông thường khi chúng ta nói tới đổi mới, mọi người hay nhìn về sản phẩm công nghệ mới, sản phẩm mới”, ông Lê Trí Thông cho biết. “Nhưng với The Next Power, chúng tôi sẽ nhìn vào những chiến lược cả cũ và mới mà có thể giải cứu và xoay chuyển được trạng thái doanh nghiệp”.
Đổi mới để "xoay chuyển" các công ty bên bờ vực như thế nào?
Năm 2017, Công ty Xây dựng U&I của doanh nhân Mai Hữu Tín thâu tóm cổ phiếu TTF của CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành sau sự rút lui nhanh chóng của Công ty Đầu tư Xây dựng Tân Liên Phát (công ty con của Tập đoàn Vingroup) khi phát hiện nhiều sai phạm trong số liệu tồn kho, doanh thu khống và công nợ của công ty gỗ này. Trước đó từ năm 2013, TTF có khoản vay ngân hàng lên tới 1.900 tỷ đồng do sử dụng đòn bẩy tài chính để huy động vốn trên sàn chứng khoán.
Sau 4 năm dẫn dắt bởi nhóm lãnh đạo đứng đầu là ông Mai Hữu Tín, tháng 12 năm 2021, Gỗ Trường Thành tuyên bố thanh toán xong khoản nợ cuối cùng với ngân hàng và chào bán thành công 59,5 triệu cổ phiếu riêng lẻ với 18 nhà đầu tư cá nhân, thu về 594,6 tỷ đồng. Thời điểm này, Báo Đầu tư dẫn đánh giá của Chứng khoán Yuanta Việt Nam về khả năng quản lý và năng lực tài chính vững chắc của ông Mai Hữu Tín đóng vai trò cốt yếu đối với việc vực dậy thương hiệu Gỗ Trường Thành.
Gỗ Trường Thành là công ty sản xuất đồ gỗ nội thất và ngoại thất cho các công trình nhà ở và du lịch phân phối cho cả thị trường Việt Nam và thị trường nước ngoài. Trường Thành từng phục vụ dòng sản phẩm phân khúc giá trị thấp, sử dụng lao động giá rẻ Việt Nam như yếu tố cạnh tranh chính và không tạo ra được lợi thế cạnh tranh nào lâu dài.
Chia sẻ tại chương trình, ông Tín nhấn mạnh việc ông đã đổi mới Gỗ Trường Thành ở ba khía cạnh. Thứ nhất, đầu tư vào việc thiết kế để sản xuất những sản phẩm cao cấp và có giá trị cao hơn. Thứ hai, đầu tư vào công nghệ phù hợp với Việt Nam để có thể đáp ứng được nhu cầu lớn hơn của thị trường bên ngoài. Thứ ba, đổi mới quản trị để tất cả người lao động trong doanh nghiệp có tiếng nói và tham gia vào quá trình thay đổi doanh nghiệp.
Với những kết quả khả quan, vị doanh nhân này kỳ vọng trong vòng năm năm nữa Gỗ Trường Thành có thể lớn gấp năm lần giai đoạn hiện nay về quy mô cũng như có mô hình quản trị tiên tiến để có thể “xoay chuyển” được bất kỳ đơn vị nào đang gặp vấn đề trong ngành đồ gỗ.
“Với tôi cái đó còn quan trọng hơn những thành quả tài chính”, ông Tín nhấn mạnh vai trò của bộ máy quản trị. “Đó mới là xương sống của việc thay đổi để chúng ta có thể nhân rộng ra. Đó chính là cái Việt Nam cần nhất.”
Đề cập đến chuyển đổi số trong quản trị, ông Tín cho rằng chúng ta đang có được sự giúp sức từ những công nghệ để đo được tất cả mọi chuyện xảy ra trong đời sống doanh nghiệp. Từ đây, các nhà quản lý lên kế hoạch để vượt các số đo, tạo ra những giá trị lớn hơn hoặc năng suất cao hơn, cũng như chia sẻ được những hiệu quả mà người lao động tạo ra với chính họ.
Không chỉ gỗ Trường Thành, ông Tín và các đồng sự cũng đã đổi mới Công ty CP Nông nghiệp U&I (Unifarm) khi nhờ những nhà khoa học tốt nhất về giống của thế giới để tạo ra giống dưa vàng của Việt Nam ngon hơn nhưng lại rẻ hơn, tạo ra sự đổi mới đi vào khả năng cạnh tranh và loại bỏ sản phẩm nông nghiệp này của Trung Quốc trên thị trường trong nước.
Liệu có “đổi mới mang tính phá hủy” (disruptive innovation) tại Việt Nam?
Từ góc nhìn của người làm công tác quản trị nhiều năm, người đàn ông “không có tuổi hưu” này cho rằng các doanh nhân Việt Nam nên tiếp cận và giải quyết vấn đề bằng cách làm tốt hơn mỗi ngày bằng các bước thay đổi nhỏ nhưng đem lại hiệu quả chung cuối cùng, hay còn gọi là “incremental innovation” - đổi mới gia tăng.
“Rất tiếc là những bạn trẻ yêu thích công nghệ của Việt Nam thích những từ to tát hơn cho nên không quan tâm đến việc phải làm những chuyện như vậy”, ông Tín chia sẻ. “Tôi không tin là đổi mới mang tính phá huỷ, hay ‘disruptive innovation’ có thể xảy ra ở Việt Nam được.”
Ông Tín đã áp dụng phương pháp đổi mới gia tăng đối với Gỗ Trường Thành bằng các thay đổi từng bước nhỏ từ con người, bộ máy sản xuất, công nghệ, đến khách hàng, thị trường mục tiêu,... Những thay đổi đó đều là những đổi mới nhỏ cộng lại để đem lại kết quả cuối cùng. Cụ thể, với hoạt động sản xuất, ban lãnh đạo Gỗ Trường Thành đã suy nghĩ những giải pháp để có thể tiết kiệm nguyên liệu nhiều nhất, giúp giá thành cuối cùng ở mức thấp nhất có thể được dành cho người Việt Nam. Từ đó, công ty bước ra nước ngoài tìm hiểu những chuẩn thế giới còn thiếu ở Việt Nam, đặc biệt là về chuẩn nguyên liệu để khai thác tối đa nguyên liệu đó.
Ngay ở thời điểm chiến tranh thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc căng thẳng, ban lãnh đạo cũng đã nhanh chóng chuyển hướng để đầu tư vào những sản phẩm mà Việt Nam có được cơ hội đẩy mạnh sức cạnh tranh so với Trung Quốc. Tới khủng hoảng Covid-19, sau khi trải qua “điểm tụt” tất yếu để phục vụ hoạt động cứu người, Việt Nam đã chuyển mình nhanh chóng, mở ra cơ hội để doanh nghiệp đến với thế giới sớm hơn trong khi những nước khác đang còn bối rối và mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn của đại dịch.
“Hội chợ đồ gỗ High Point lớn nhất thế giới vừa rồi ở Mỹ không có bóng dáng của người Trung Quốc, đương nhiên trở thành lợi thế của Việt Nam”, ông Tín cho biết.
Thực tế cho thấy, trước đây Hoa Kỳ chủ yếu nhập khẩu đồ gỗ nội thất phòng ngủ từ Trung Quốc, nhưng năm 2020, tỷ trọng nhập khẩu từ Trung Quốc đã giảm xuống chỉ còn 7,02% trong khi Việt Nam vươn lên để trở thành nguồn cung cấp lớn nhất với tỷ trọng nhập lên đến 50%.
Dẫu vậy, bức tranh “xoay chuyển” doanh nghiệp vốn không hoàn toàn là màu hồng. Vị doanh nhân mang “gene” đổi mới doanh nghiệp này cũng phải thừa nhận Gỗ Trường Thành chỉ là số ít trong hàng trăm doanh nghiệp mà ông đã đầu tư và không ít trong số đó cũng gặp thất bại. Doanh nhân cho rằng đổi mới sáng tạo không phải là những công thức, bởi khi có một công thức có thể vận dụng thì mới chỉ thành công tại thời điểm đó. Mỗi lần đổi mới sẽ tạo ra một nền tảng về kiến thức chung, từ đó tiếp tục đổi mới cho những trường hợp khác trong tương lai.
“Những cái thay đổi xảy ra liên tục, đó là một phần của kế hoạch, kế hoạch là phải có chỗ để thay đổi phù hợp với hiện trạng mới”, ông Tín nói. “Muốn có thể làm được chuyện lớn thì làm chuyện nhỏ trước cái đã, và làm thành công đi. Chúng ta cần có cái nguồn tích lũy được rồi mới đầu tư vào những chuyện rủi ro hơn”.
Đồng quan điểm với ông Tín, bà Trương Lý Hoàng Phi chia sẻ rằng đa số doanh nghiệp “sảng khoái” nhất là khi có được một công thức nào đó trong đổi mới. Nhưng theo bà, một trong những nét đẹp của đổi mới sáng tạo đó là đôi khi dù mình làm đúng công thức nhưng không chắc là mình tạo ra kết quả thành công tương tự. Đó là lý do chúng ta cần khám phá hàm lượng giá trị cho mỗi lần đổi mới và tiếp tục thực hiện quá trình này mỗi ngày trong doanh nghiệp.
“Lửa” của người đứng đầu đưa doanh nghiệp đến vị trí “số 1”
Ông Mai Hữu Tín từng chia sẻ sau khi xóa được nợ xấu cho Gỗ Trường Thành thì doanh nghiệp sẽ bước sang cuộc chơi trị giá ít nhất là 1 tỷ USD khi tham vọng dẫn đầu thị trường gỗ nội thất tại ASEAN.
“Bạn muốn làm chuyện gì đó thú vị trong kinh doanh thì vị trí mà bạn muốn đạt tới là số 1, hoặc tệ lắm là số 2 trong ngành đó, chứ không bao giờ là số 3”, ông Tín nói. “Khi đã xác định đích đến hết sức rõ ràng như vậy thì việc tính toán từng bước đi một qua từng năm một để tới đích đó nó đã trở thành một lịch trình cụ thể rồi và chúng ta cần bám theo nó”.
Hai yếu tố chính mà ông Tín tính đến trong lịch trình này là vốn của cổ đông và con người điều hành, cũng như làm sao kết hợp được lợi ích của cả hai nhóm đó với nhau. Lợi ích của cổ đông và của nhóm quản lý phải trên cùng một con đường thì khi đó mới có đủ nguồn lực và đủ “lửa” cho sự thay đổi.
Với quan điểm đó, Mai Hữu Tín cho rằng khó khăn lớn nhất khi chuyển đổi Gỗ Trường Thành là chọn con người phù hợp. Khi đã qua được những bước đầu tiên, tạo được vài dấu ấn, thì nhiệm vụ kế tiếp là tiếp tục phát triển công ty và tuyển những người phù hợp có thể đảm đương quá trình này. Cái không thể đổi khi xoay chuyển doanh nghiệp đó chính là lửa trong lòng người đứng đầu.
“Thắp lửa thì dễ, duy trì ngọn lửa mới khó. Người cầm trịch cuộc chơi phải là người luôn tạo ra được cái lửa đó trong lòng người điều hành doanh nghiệp của mình”, ông Tín nhấn mạnh.
Tại đây, ông Tín cũng khẳng định việc người đứng đầu tạo cần tạo nên văn hóa doanh nghiệp đổi mới ở tất cả bộ phận, không để sự “độc tài” của lãnh đạo làm mất đi mầm sáng tạo trong doanh nghiệp. Việc này được xây dựng bằng việc đặt ra một tầm nhìn, một sứ mệnh chung, khẳng định những giá trị cốt lõi và lợi ích thiết thực của đổi mới cho tất cả người lao động để từ đó tạo ra động lực cho họ thực hiện quyền và trách nhiệm của mình trong việc thay đổi tổ chức.