788e3a9b5c4a950229d6ee97a2ae-1630233737.jpeg
Ảnh minh họa.

Hòa Phát bán mảng nội thất, lãi gần 500 tỷ đồng

Theo báo cáo tài chính của Tập đoàn Hòa Phát, ngày 4/1, doanh nghiệp đã ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ 99,6% cổ phần Công ty Nội thất Hòa Phát (tương đương 99,6% vốn điều lệ) cho Công ty Cổ phần Nội thất Eden Việt Nam.

Giá trị chuyển nhượng là 896,4 tỷ đồng, trong khi vốn góp của Hòa Phát tại đơn vị này có giá trị ghi sổ chỉ 398,4 tỷ đồng, đồng nghĩa “ông lớn’’ nghành thép ghi nhận lãi 498 tỷ đồng từ thương vụ này.

Chủ trương thoái vốn tại công ty nội thất đã được Hòa Phát công bố từ đầu năm 2020. Lý do được đưa ra vì ngành này mang tính chất thủ công kinh tế gia đình, sử dụng nhiều lao động phổ thông không phù hợp mô hình sản xuất quy mô lớn, sử dụng máy móc hiện đại tiên tiến của Tập đoàn.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021, Chủ tịch HĐQT HPG Trần Đình Long tiếp tục cho rằng việc thoái vốn mảng nội thất do lĩnh vực kinh doanh này mang tính chất thủ công, kinh tế gia đình. Việc cạnh tranh trong lĩnh vực này không phù hợp với sở trường của Hòa Phát.

Theo chủ tịch Hòa Phát, số mã sản phẩm nội thất lên tới hàng nghìn, cho thấy sự nhỏ lẻ và thủ công. Trong khi đó, với ngành thép chỉ có vài mã sản phẩm như thép dây, thép cuộn, ... sản xuất theo dây chuyền công nghiệp quy mô lớn. 

Ngoài ra, ông Long cũng cho hay, với 2.000 nhân viên, Nội thất Hoà Phát tạo ra 1.800 tỉ đồng doanh thu và 200 tỉ đồng lợi nhuận. Cùng quy mô đó, công ty ông thép Hoà Phát tạo ra tới 20.000 tỉ đồng doanh thu, cao gấp 10 lần.

Sau khi thoái vốn tại đây, Hòa Phát sẽ tập trung vào 4 mảng chính gồm: gang thép, sản phẩm thép, nông nghiệp và bất động sản.

Hoạt động kinh doanh nột thất của Hòa Phát đã tồn tại được 25 năm. Các sản phẩm chính của Nội thất Hòa Phát tập trung vào nội thất văn phòng, két bạc, bàn ghế ăn gia đình làm từ ống thép – inox, nội thất giáo dục và công trình công cộng… Nhìn chung đây là các sản phẩm có sử dụng một phần nguyên liệu sắt, thép vốn từ thế mạnh của Tập đoàn.

Vào cuối năm 2020, CTCP Nội thất Hòa Phát có khoảng 1.900 nhân sự, 4 chi nhánh và có hệ thống phân phối trên 63 tỉnh thành. Bên cạnh đó, sản phẩm cũng được công ty xuất khẩu đi các thị trường Châu Á, Trung Đông và Đông Âu…

Trước đó, Hòa Phát cho biết liên tục dẫn đầu thị phần nội thất văn phòng với hàng loạt dự án lớn. Trong khi mảng nội thất gia dụng từng tăng trưởng tới 46% trong năm 2018.

Những năm gần đây, kết quả kinh doanh của Nội thất Hòa Phát không có nhiều đột biến với doanh thu giữ ổn định quanh mức 1.800 tỷ đồng, lợi nhuận ròng dao động 250 – 300 tỷ đồng mỗi năm. Mặc dù vậy, Nội thất Hòa Phát vẫn là một trong những công ty hoạt động hiệu quả nhất Việt Nam khi chỉ chỉ xếp sau AA Corporation, đơn vị chuyên bán nội thất cao cấp trong nước và xuất khẩu. 

Đến cuối năm 2020, Nội thất Hòa Phát sở hữu vốn điều lệ 400 tỷ đồng.

Nội thất Eden Việt Nam có gì?

Theo tìm hiểu của người viết, Nội thất Eden Việt Nam được thành lập ngày 19/10/2015, có vốn điều lệ ban đầu 8 tỷ đồng với cơ cấu cổ đông bao gồm: bà Nguyễn Thị Bích Ngọc (37,5% VĐL), ông Lê Mạnh Nam (37,5% VĐL) và Nguyễn Hoàng Lê Liên (25% VĐL).

Quy mô vốn điều lệ nêu trên được Eden Việt Nam duy trì trong nhiều năm. Tuy nhiên, một tuần sau khi ký kết hợp đồng mua lại công ty nội thất từ HPG, Eden Việt Nam đã tăng mạnh vốn điều lệ lên 300 tỷ đồng. Mặc dù vậy, số vốn này vẫn thấp hơn rất nhiều so với số tiền mà công ty này chi ra để mua công ty con của Tập đoàn Hòa Phát.

Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Nội thất Eden là bà Lại Như Loan (sinh năm 1992, thường trú tại Hoàng Mai, Hà Nội).

Năm 2019, công ty Nội thất Eden có doanh thu thuần 19,4 tỷ đồng, lãi sau thuế 1,33 tỷ. Con số này chỉ bằng 1% doanh thu và 0,4% lợi nhuận của Nội thất Hòa Phát. Tổng tài sản tại ngày cuối năm 2019 của Eden là 13,2 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu 9,3 tỷ, đều nhỏ hơn nhiều so với Nội thất Hòa Phát.

Nhìn từ bên ngoài, hoạt động của Nội thất Hòa Phát không có nhiều thay đổi sau khi đổi chủ khi website của công ty vẫn ghi mình thành viên của Tập đoàn Hòa Phát, chưa cập nhật danh tính chủ mới. Đại diện theo pháp luật vẫn là ông Doãn Gia Cường – Phó Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát.

Công ty cũng giữ nguyên logo và tên gọi Nội thất Hòa Phát. Đây là điều dễ hiểu bởi đây là một trong các thương hiệu nổi tiếng trong ngành nội thất, được biết đến rộng rãi hơn nhiều cái tên Eden.