Với vẻ ngoài sang chảnh, tóc vuốt keo bóng mượt theo phong cách thời thượng giống như diễn viên điện ảnh thực thụ, lấy bục giảng làm sân khấu (!?). Họ nói chuyện rất nhanh vì sợ có người hỏi “bắt bí” không thể trả lời do kinh nghiệm còn non kém. Sau buổi đào tạo “miễn phí” sẽ có những “tiết mục”… thu phí.

Dạo “một vòng” trên Internet, không quá khó để tìm các lớp dạy về đầu tư bất động sản tràn lan như “nấm mọc sau mưa”. Loại hình đào tạo kỹ năng, giúp các nhà đầu tư bổ sung kiến thức và đầu tư hiệu quả hơn là loại hình đào tạo mà Pháp luật Việt Nam không nghiêm cấm. Tuy nhiên, lấy mục đích đào tạo để làm “bình phong” cho hoạt động kinh doanh đa cấp theo mô hình Ponzi là vi phạm pháp luật và cần phải xử lý triệt để. Huy động vốn của học viên dưới mọi hình thức thông qua hoạt động “Dạy đầu tư” hay “Dạy làm giàu” từng bị phát giác và xử lý hình sự như vụ án của Nguyễn Thanh Hải, chủ tịch IDT. Tuy nhiên, sản phẩm của Nguyễn Thanh Hải là đầu tư vào cây “Macca”, còn các đối tượng khác thì chọn sản phẩm bóng bẩy và cao cấp hơn là: Dự án bất động sản.

Lớp học đầu tư bất động sản “miễn phí”: Sau đó thì…

Có một thực tế khiến nhiều người không khỏi thắc mắc trong thời gian qua xuất hiện nhiều công ty đào tạo và nhiều diễn giả “bỏ tiền túi” hàng trăm triệu đồng để tổ chức rất nhiều buổi đào tạo, hội thảo và sự kiện đầu tư bất động sản hoàn toàn “miễn phí” dành cho các học viên từ Bắc vào Nam. Vì sao họ kinh doanh mà không màn doanh thu hay lợi nhuận? phải chăng vì mục đích cao cả là giúp mọi người “Giàu lên cùng bất động sản” tương đồng với khẩu hiệu của CTCP Địa ốc Alibaba do Chủ tịch Nguyễn Thái Luyện (người vừa bị “xộ khám”) sáng lập? Cũng có thể, các vị diễn giả đồng thời là các chủ doanh nghiệp đã có rất nhiều tiền lắm rồi nên mở công ty đào tạo để giảng dạy miễn phí. Nhưng, có thật sự là miễn phí hoàn toàn hay đi kèm một vài “lời mời gọi” khác?

Ngày nay, hai từ “Diễn giả” hay “Doanh nhân” dần trở nên rất quen thuộc và phổ biến trong gần một thập kỷ qua. Nhiều người cứ nhầm tưởng đó là “danh xưng” trịnh trọng và lấy làm hào hứng khi đặt trước cái tên do bố mẹ đặt cho. Chẳng hạn như trên mạng xã hội (MXH) Facebook hay Tiktok thật không khó khi thấy các danh xưng đứng trước cái tên “cúng cơm” như: Doanh nhân Võ Phi Nhật Huy – người đã từng bị cựu học viên khởi kiện ở Đà Nẵng vào năm 2018 hay diễn giả Nguyễn Mạnh Hà – người đoạt giải Sư tử đồng quốc tế của Tập đoàn Đa cấp Thiên Sư ( TQ). Cả hai nhân vật này rất “nổi tiếng” trên khắp các trang MXH thông qua hàng loạt hoạt động đào tạo đầu tư bất động sản mặc dầu cả hai chưa từng có chuyên môn về bất động sản cũng như nghiệp vụ sư phạm…

Nhắc đến hai vị “diễn giả” nêu trên thì những người làm việc lâu năm trong ngành kinh doanh bất động sản không khỏi bất ngờ vì… chưa từng biết họ là ai, nhưng họ “dám” giảng dạy về đầu tư bất động sản thì quả là bậc kỳ tài. Để nắm vững kiến thức đầu tư kinh doanh bất động sản và hiểu được chu kỳ phát triển của thị trường bất động sản, các quy trình, thủ tục hay Luật pháp liên quan đến mua – bán, chuyển nhượng hoặc cho thuê bất động sản… cần có khoảng thời gian nhất định, tay ngang chắc chắn không thể làm được. Mặc khác, “diễn giả” mà chưa từng làm qua bất kỳ doanh nghiệp nào liên quan đến bất động sản thì lấy đâu ra kinh nghiệm “mà thưa, mà thốt”. Hơn nữa, công tác giảng dạy cần có nghiệp vụ sư phạm, không thể nào lên bục giảng “khoe mẽ”, “chém gió”, cam kết hay hứa suông như đa cấp bán hàng là được. Thành lập doanh nghiệp kinh doanh bất động sản không hề khó, nhưng để làm chủ một doanh nghiệp bất động sản “có thương hiệu” thì không phải ai cũng làm được!

Không chỉ có hai vị “diễn giả” nêu trên đào tạo đầu tư bất động sản mà hiện nay đội ngũ “diễn giả” kiểu này rất đông đảo, tràn lan khắp nơi, và dần được “trẻ hóa” tuổi đời lẫn tuổi nghề. Với vẻ ngoài sang chảnh, tóc vuốt keo bóng mượt theo phong cách thời thượng giống như diễn viên điện ảnh thực thụ, lấy bục giảng làm sân khấu (!?). Họ nói chuyện rất nhanh vì sợ có người hỏi “bắt bí” không thể trả lời do kinh nghiệm còn non kém. Sau buổi đào tạo “miễn phí” sẽ có những “tiết mục”… thu phí.

Đơn giản thôi, họ cũng cần có tiền để chi trả phòng học và các chi phí tiếp thị khóa học thông qua MXH. Thu phí bằng cách nào? Nhiều vô kể, đại loại như gào lên: “các bạn nào muốn tham gia khóa học nâng cao mời qua quầy bên đóng tiền”, chiêu trò “bán sách” do diễn giả viết với giá “cắt cổ” (theo cách của Huấn Hoa Hồng từng làm) hoặc lợi hại hơn kêu gọi Học viên đầu tư theo nhóm thông qua “Hợp đồng ủy quyền” cho phép diễn giả sử dụng nguồn tiền của học viên đầu tư bất động sản (mô hình Đa cấp Ponzi), có cam kết lợi nhuận cực khủng!

“Lòng tham” và “thiếu kiến thức”: Nuôi dưỡng đa cấp bất lương!

Đầu tư bất động sản là loại hình đầu tư dài hạn. Nắm lấy đặc thù của ngành nghề này, các đối tượng tự xưng là: Doanh nhân, diễn giả hay chuyên gia đào tạo đầu tư bất động sản dễ dàng lừa gạt các học viên nhẹ dạ của mình vào “tròng” thông qua các hình thức đầu tư nhóm hay ký “hợp đồng ủy thác đầu tư” với các gói cam kết lợi nhuận hàng tháng cao ngất ngưỡng từ 25% – 85%/tháng. Thực chất, họ cũng chỉ lấy tiền người sau trả lãi cho người trước theo mô hình đa cấp Ponzi. Và rồi, cũng đến lúc hệ thống “vỡ trận” vì không thể lừa được người sau nên không đủ tiền trả lãi cho người trước…

Vì sao, các phương tiện truyền thông đưa tin hàng ngày, hàng giờ “cảnh báo” đến người dân về hiện tượng “đào tạo đầu tư bất động sản đa cấp” mà… vẫn xuất hiện hàng trăm, hàng nghìn người “sập bẫy” của bọn đa cấp bất lương? Nguyên nhân chủ yếu khiến các đối tượng “lừa đảo” tiếp tục lộng hành vẫn xuất phát từ sự thiếu hiểu biết, lòng tham, hám lợi trước mắt của nạn nhân. Nhưng ở chiều ngược lại, có một sự thật là hoạt động đào tạo đầu tư bất động sản đa cấp đang biến tướng ngày càng tinh vi, khó nhận diện.

Các đối tượng tự xưng là “diễn giả”, “doanh nhân” hay “chuyên gia đào tạo” đa cấp bất lương đã lợi dụng quảng cáo thông qua nền tảng Youtube và Facebook đưa hình ảnh bóng bẩy của bản thân, thường xuyên “khoe mẻ” với biệt thự, siêu xe và đôi khi xin chụp ảnh “ké” với người nổi tiếng. Đặc biệt hơn và tinh vi hơn khi bọn chúng quay clip ngắn luôn luôn “lồng ghép” vào logo thương hiệu các nhà đài có uy tín như: HTV9, VTV1, VTVcab… rồi đăng lên Youtube hay Facebook để quảng cáo các khóa học nhằm lấy lòng tin các học viên nhẹ dạ.

Học đầu tư Bất động sản không phải chỉ một vài buổi học là biết hết và hiểu hết được thị trường kinh doanh Bất động sản và đầu tư thành công. Chúng ta cần phải có một quá trình và một thời gian nhất định dành cho sự trải nghiệm và tiếp thu kiến thức nghiêm túc từ những giảng viên chính quy của các Trường Đại học hay tổ chức giáo dục uy tín. Đừng bao giờ để lòng tham “lấn át” lý trí khi nghe và tin theo những lời cam kết “lợi nhuận khủng” của những kẻ tự xưng là “chuyên gia đào tạo”.

Trong môi trường kinh doanh của bất kể ngành nghề nào luôn luôn tồn tại sự cạnh tranh khốc liệt và ngành đầu tư kinh doanh bất động sản cũng không ngoại lệ. Cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ cùng ngành, thay đổi chính sách vĩ mô của Chính phủ hay đôi khi thay đổi xu hướng tiêu dùng của khách hàng… Đều ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp. Vậy thì, “cam kết lợi nhuận” với các học viên cũng chỉ là lời hứa suông, sáo rỗng của những kẻ đa cấp bất lương tự xưng là “Doanh nhân”, “Diễn giả” hay “Chuyên gia đào tạo” để trục lợi học viên, làm giàu cho bản thân.

Giáo dục là sản phẩm cao cấp, là nghề cao quý. Đạo đức của nhà sư phạm là không bao giờ đem sản phẩm “bẩn” mà hạ thấp giá trị của nghề và giá trị của người thầy… Dĩ nhiên, trừ bọn đa cấp bất lương.

Ths. Nguyễn Phạm Hữu Hậu - Phó chủ tịch Hanita Master Group