fb-img-1679711312616-1679711664.jpg
 

Nếu quay ngược thời gian lại một chút, chúng ta sẽ thấy phần lớn hoạt động đối ngoại của Trung Quốc sau Đại hội 20 ĐCSTQ (họp vào tháng 11 năm ngoái) là hướng đến các tuyến ngoại giao khác so với trước Đại hội. Chuyến đi đầu tiên của ông Tập là đến Trung Á, nơi ông có cuộc gặp với các lãnh đạo của nhóm nước Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), trong khi ông Lật Chiến Thư cũng có chuyến làm việc với các lãnh đạo Đông Bắc Á và Trung Á khác. Sau đó, ông Tập tiến hành một tour ngoại giao đến Trung Đông nơi ông đã mở ra một trang mới trong quan hệ giữa Trung Quốc với các quốc gia Hồi giáo dòng Sunni và được tiếp đón trọng thị ở Saudi Arabia. Bên cạnh những tuyên bố về việc Trung Quốc sẽ đẩy mạnh quan hệ thương mại và đầu tư với các quốc gia này để giúp họ đa dạng hoá quan hệ kinh tế và bớt phụ thuộc vào phương Tây là lời kêu gọi về việc xoá bỏ chế độ petro-dollar, chuyển sang thanh toán dầu mỏ bằng đồng Nhân dân tệ với việc Trung Quốc sẵn sàng hỗ trợ tất cả các quốc gia vùng Vịnh xây dựng các nền tảng thanh toán và giao dịch mới. Đáp lễ, Saudi Arabia tuyên bố rằng quốc gia này sẽ kêu gọi hạn chế và có thể ngừng vũ trang hoá mọi hoạt động của các tổ chức Hồi giáo cực đoan dọc tuyến đường tơ lụa mới BRI.

Quan trọng hơn cả, chuyến đi này đã mở ra một cơ hội sau đó 4 tháng cho ông Vương Nghị - người vừa thay thế Dương Khiết Trì để phụ trách công tác đối ngoại của Trung Quốc dưới sự chỉ đạo trực tiếp từ ông Tập Cận Bình - chủ trì cuộc hội đàm lịch sử bốn ngày để bình thường hoá quan hệ giữa một nước được hiểu là đứng đầu dòng Sunni (Saudi Arabia) và một nước được hiểu là đứng đầu dòng Shia (Iran). Cho dù điều này ít thách thức hơn thất bại của Trung Quốc năm 2013 trong việc làm trung gian hoà bình giữa Palestin và Israel, nhưng nó vẫn có ý nghĩa chiến lược trong việc tạo ra một hành lang Hồi giáo an toàn và mang tính xây dựng hơn cho toàn bộ hoạt động giao thương và an ninh năng lượng của Trung Quốc ở Trung Đông. Giữa hai đợt ngoại giao Nga – Trung Đông – Trung Đông – Nga là chuyến công du châu Âu của ông Vương Nghị nhằm xoa dịu châu Âu.

Đó là tình hình trên tuyến ngoại giao Nam – Nam của Trung Quốc.

Ở tuyến ngoại giao Bắc – Nam.

Những gì Trung Quốc điều chỉnh và tiến hành sau Đại hội 20 là sự cứng rắn dần trở nên không giấu diếm với Mỹ. Nếu trong Báo cáo Chính trị tại Đại hội 20, ông Tập Cận Bình đã nhắc về sự bao vây và chèn ép của một số nước mà không nhắc thẳng là nước nào thì hai tuần trước, phát biểu trong một phiên họp Quốc hội, trong một trường hợp công khai hiếm hoi, ông đã chỉ trích trực diện Mỹ đang theo đuổi chính sách “ngăn chặn, bao vây, và đàn áp” nhắm vào Trung Quốc. Đây có lẽ không phải điều ngẫu nhiên vì hoạt động này được truyền thông quốc tế đưa tin rầm rộ. Vậy ông Tập Cận Bình suy tính điều gì khi lựa chọn bối cảnh này để đưa ra một tuyên bố cứng rắn như vậy?

Bên cạnh phát biểu trên, một trong hai bất ngờ nhân sự thượng tầng lớn của Trung Quốc sau kỳ họp đó là việc Quốc hội nước này đã phê chuẩn để ngoại trưởng Tần Cương – nguyên đại sứ Trung Quốc tại Mỹ từ tháng 7/2021 - được bổ nhiệm vào vị trí Uỷ viên Quốc vụ viện - vị trí thường dành cho một ngoại trưởng nghỉ hưu và đảm trách trọng trách đứng đầu ngành ngoại giao quốc gia, những năm trước chúng được dành cho Dương Khiết Trì, Vương Nghị. Việc thay thế Vương Nghị chỉ sau hai tháng trở thành Bộ trưởng ngoại giao trên thực tế đã thăng liền hai cấp cho ông Tần Cương. Nhưng vì sao lại có sự thay đổi đột ngột này? Phải chăng trọng tâm tiếp theo của Trung Quốc trong chính sách đối ngoại sẽ là một chiến lược dài hơi để thách thức trật tự quốc tế do Mỹ dẫn dắt?

Sau khoảng 45 năm trải qua thời kỳ Chiến tranh Lạnh với đặc điểm trật tự thế giới (gần như) bị chia thành hai chiến tuyến với sự đối đầu về ý thức hệ rõ rệt với hai siêu cường dẫn dắt luật chơi, sự sụp đổ của Liên Xô đã đánh dấu một thời kỳ mới trong trật tự quan hệ quốc tế mà ở đó chỉ còn một siêu cường là Mỹ và thời kỳ toàn cầu hoá bùng nổ với viêc phổ biến luật chơi do phương Tây định hình. 25 năm sau đó thế giới sống trong thời kỳ Hậu Chiến tranh Lạnh. Nhưng mọi thứ bắt đầu thay đổi khi cạnh tranh Mỹ - Trung trỗi dậy. Thế giới bước vào thời kỳ chưa đặt được tên mà nếu tạm gọi thì có thể gọi đó là “hậu Hậu Chiến tranh lạnh” với đặc điểm là sự chia cắt và cạnh tranh trên cả ba lĩnh vực an ninh - ngoại giao, kinh tế, và công nghệ diễn ra ngày càng gay gắt. Trong khi Mỹ cố gắng để đưa trật tự thế giới quay với thời Hậu Chiến tranh Lạnh thì Trung Quốc (và có thể cả Nga) đang nỗ lực để đẩy nhanh sự hình thành trật tự “hậu Hậu Chiến tranh lạnh”. Vào ngày 20/2, Tân Hoa xã đã có một bài viết về “Bá quyền của Mỹ và những hiểm họa của nó” tuyên bố vạch trần “Mỹ lạm dụng quyền bá chủ trong các lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, tài chính, công nghệ và văn hóa” và kêu gọi thu hút “sự chú ý của quốc tế về những nguy cơ trong các hoạt động của Mỹ đối với hòa bình và ổn định thế giới cũng như hạnh phúc của tất cả các dân tộc”. Cuộc bút chiến cáo buộc Mỹ “bám vào tâm lý Chiến tranh Lạnh”, tăng cường “chính trị khối (block)” và “châm ngòi cho xung đột và đối đầu”.

Với việc khắc hoạ sự thất bại của Mỹ trong việc đảm đương các trách nhiệm duy trì trật tự toàn cầu, thậm chí mô tả Mỹ là nguyên nhân của các khủng hoảng toàn cầu, Trung Quốc đang khắc hoạ mình như một giải pháp thay thế dễ chịu hơn nhiều cho tất cả các bên. Bắc Kinh đã dùng trường hợp Saudi Arabia – Iran ở Trung Đông để làm một “case study” cho cách tiếp cận này. Kết thúc hoạt động ngoại giao thành công tại Trung Đông, ông Vương Nghị đã nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục căn cứ theo mong muốn của các quốc gia, phát huy vai trò mang tính xây dựng trong việc xử lý thoả đáng các vấn đề nóng của thế giới hiện nay. Trung Quốc sẽ hỗ trợ các nước Trung Đông thoát khỏi sự can thiệp từ bên ngoài”. Đây là một phát biểu không giấu diếm vai trò mới mà Trung Quốc muốn thể hiện với thế giới.

Như vậy, tạm thời có thể hình dung là ở mặt trận “chiến hữu”, Trung Quốc đã tìm cách dàn xếp với khu vực Trung Đông và Trung Á với vai trò nhất định nào đó của Nga. Ở mặt trận “đối thủ” là những cách tiếp cận mới, cả về mặt biểu đạt và nhân sự cho một “cuộc chiến dài hơi” với Mỹ và phương Tây. Ở hai phía đó, Trung Quốc đang sử dụng lặp lại hai khái niệm khác nhau. Song song với khái niệm “tư duy Chiến tranh Lạnh”, giới chức ngoại giao Trung Quốc thường xuyên nhắc đến khái niệm “an ninh không thể chia cắt” (indivisible security). Với khái niệm thứ nhất, Trung Quốc muốn ám chỉ rằng Mỹ đang theo đuổi một tư duy đã lỗi thời (với tuổi đời khoảng 80 năm) và do đó cần phải thay đổi toàn bộ trật tự đó. Nhưng khi sử dụng khái niệm có tuổi đời lâu không kém – “an ninh không thể chia cắt” là khái niệm từ thời Liên Xô – Trung Quốc lại cho thấy quốc gia này đang quan tâm đến “lợi ích cốt lõi” trong các hoạt động ngoại giao và không quá chú trọng đến thời điểm xuất hiện của khái niệm. An ninh không thể chia cắt trên danh nghĩa khẳng định rằng an ninh của mỗi quốc gia được liên kết với an ninh của môi trường quốc tế và khu vực rộng lớn hơn, nó thường được các cường quốc viện dẫn để biện minh cho việc kiên quyết bảo vệ “các lợi ích cốt lõi” của họ. Trung Quốc bắt đầu sử dụng khái niệm này từ khi nào? Nếu tính rộng ra thì có thể nó đã bắt đầu từ 2017 – mặc dù ít được hưởng ứng – khi Trung Quốc kêu gọi về “an ninh toàn diện” ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương vào tháng 2 năm 2017. Nhưng khái niệm này được chính thức sử dụng trở lại là cách đây 11 tháng.

Tại Diễn đàn Bác Ngao ngày 21/4/2022, ông Tập Cận Bình đã đề xuất một cấu trúc an ninh toàn cầu mới có tên gọi Sáng kiến An ninh toàn cầu (GSI) bắt đầu bằng việc thúc đẩy “khái niệm an ninh chung, toàn diện, hợp tác và bền vững” (共同、 综合、合作、可持续的安全观). Việc ông Tập Cận Bình áp dụng khái niệm “an ninh không thể chia cắt” (安全不可分割) cho thấy “An ninh không thể chia cắt” là nền tảng chủ yếu của GSI. Quyết định của ông Tập Cận Bình về thành lập một sáng kiến an ninh toàn cầu là đỉnh cao của việc thay đổi cách tiếp cận phản ứng và phòng thủ vốn là đặc điểm trong cách tiếp cận của Trung Quốc đối với chính trị thế giới trong những năm 1990 và 2000, trong đó Bắc Kinh khẳng định mạnh mẽ các lợi ích và nguyên tắc của mình đối với Mỹ và các cường quốc lớn khác, tuy nhiên, phần lớn tránh xa bất kỳ tham vọng nào đối với vai trò lãnh đạo toàn cầu. Lần này sự tập trung cao độ của GSI vào Mỹ đã được phản ánh trong việc GSI sẽ thúc đẩy an ninh toàn cầu chung thông qua “sáu kiên định” (六个坚持, liu ge jianchi), hầu hết trong số đó dẫn đến những lời chỉ trích ngầm đối với vai trò lãnh đạo quốc tế của Mỹ. Sáu kiên định bao gồm:

1) Tuân thủ tầm nhìn “an ninh chung, toàn diện, hợp tác và bền vững, cùng hợp tác vì hòa bình và an ninh thế giới”

2) Cam kết tôn trọng lẫn nhau về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác và tôn trọng con đường phát triển độc lập của các quốc gia khác nhau

3) Tuân thủ các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, bác bỏ tâm lý Chiến tranh Lạnh, phản đối chủ nghĩa đơn phương và đối đầu giữa các khối đối địch

4) Tôn trọng các mối quan tâm an ninh hợp pháp của tất cả các quốc gia, duy trì nguyên tắc an ninh không thể chia cắt và xây dựng một cấu trúc an ninh quốc tế cân bằng, hiệu quả

5) Luôn tìm cách giải quyết các khác biệt thông qua đối thoại, phản đối tiêu chuẩn kép, “quyền tài phán dài hạn” hoặc các biện pháp trừng phạt đơn phương

6) Kiên trì phối hợp chung để quản lý các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, hợp tác trong các thách thức chung của khu vực và toàn cầu như khủng bố, an ninh mạng và biến đổi khí hậu

Sáu cam kết nhắc lại các nguyên tắc chính sách đối ngoại lâu đời của Trung Quốc như không can thiệp và tôn trọng chủ quyền quốc gia. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã nhấn mạnh sự cần thiết phải từ bỏ chủ nghĩa đa phương có chọn lọc đặc trưng cho chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ để ủng hộ “chủ nghĩa đa phương thực sự”. Ví dụ, trong nhận xét của mình về việc thực hiện GSI, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị thời điểm đó kêu gọi “thực thi chủ nghĩa đa phương thực sự” để chống lại “những nỗ lực gây ra sự đối đầu và chia rẽ theo các đường lối ý thức hệ, phá hoại trật tự quốc tế dưới danh nghĩa bảo tồn cái gọi là “quy tắc”, và đặt thế giới dưới cái bóng của một cuộc“Chiến tranh Lạnh mới””. Nhưng cũng như những gì mà BRI hay nhiều sáng kiến khác mà Trung Quốc đưa ra, GSI có một cách tiếp cận mơ hồ với những gì mà Trung Quốc muốn thiết kế. Nó không đưa ra các cam kết, tiêu chí hay nội dung cụ thể. Và phải một năm sau, những điều này mới dần hiện rõ.

Ngày 21/2/2023, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã công bố một tài liệu mang tên “Khái niệm mới về Sáng kiến An ninh Toàn cầu (GSI)” tìm cách định hình Trung Quốc như một sự thay thế Mỹ với tư cách là một đối tác an ninh tin cậy của khu vực và quốc tế. Trong đó, các nội dung của tài liệu Khái niệm mới về “Các hướng ưu tiên hợp tác” (重点合作方向) và “Cơ chế và nền tảng hợp tác” (合作平台和机制), đã đưa ra một phác thảo tổng thể về cách Trung Quốc hình dung ra một giải pháp thay thế cho kiến trúc an ninh quốc tế “hậu Mỹ”.

Phần “Các hướng ưu tiên hợp tác” trình bày chi tiết cách Trung Quốc sẽ giải quyết các thách thức an ninh xuyên quốc gia và đạt được sự ổn định ở các khu vực khác nhau, bao gồm các “điểm nóng” nơi xung đột địa chính trị, bao gồm Ukraine, Sừng châu Phi, Trung Đông và bán đảo Triều Tiên. Phần “Cơ chế và nền tảng hợp tác” cho thấy sáng kiến này sẽ dựa nhiều vào mạng lưới các tổ chức đa phương lấy Trung Quốc làm trung tâm hiện có mà quốc gia này đã xây dựng trong hai thập kỷ qua. Bắc Kinh cũng tìm cách tận dụng ảnh hưởng của mình tại Liên Hợp Quốc bằng cách duy trì cơ quan toàn cầu này với tư cách là “cốt lõi” của hệ thống quốc tế và duy trì quyền lực của mình với tư cách là “nền tảng chính cho quản trị an ninh toàn cầu”.

Hai mươi ưu tiên cho hợp tác an ninh quốc tế trong tài liệu khái niệm mới về GSI có thể được chia thành 5 ưu tiên quốc tế và 3 ưu tiên khu vực. Tuy nhiên, báo cáo viết rằng danh sách này chưa đầy đủ, cho thấy số lượng các vấn đề mà GSI tìm cách giải quyết có khả năng mở rộng:

Ưu tiên quốc tế

• Thúc đẩy sự ổn định trong nền chính trị “nước lớn”: GSI sẽ tìm cách “thúc đẩy sự phối hợp và tương tác lành mạnh giữa các nước lớn” tạo dựng mối quan hệ dựa trên “cùng tồn tại hòa bình, ổn định toàn diện và phát triển cân bằng”. Ngôn ngữ trong phần này gần như chắc chắn phần lớn được viết cho Mỹ, nhưng cũng có khả năng áp dụng cho Nga, Châu Âu, Ấn Độ và có lẽ những nước khác. Đó có thể là một nỗ lực nhằm xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới với Mỹ - điều mà nước này đã bác bỏ từ 2012.

• Ủng hộ không phổ biến vũ khí hạt nhân và ngăn chặn phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt: Trung Quốc kêu gọi tránh chiến tranh hạt nhân và chạy đua vũ trang; cấm vũ khí sinh học và hóa học theo các công ước liên quan, nhưng việc kiểm soát vũ khí công nghệ hạt nhân và tên lửa không được thảo luận.

• Thúc đẩy hòa bình và an ninh hàng hải quốc tế và những khác biệt hàng hải: GSI kêu gọi tăng cường hợp tác về các thách thức an ninh hàng hải chung, bao gồm cả chống cướp biển. Ý định giải quyết các khác biệt trên biển được nêu ra, nhưng các tranh chấp của Trung Quốc với các nước láng giềng ở biển Hoa Đông và Biển Đông không được thừa nhận.

• Bảo vệ an ninh lương thực và năng lượng toàn cầu: GSI cũng sẽ mở rộng để đảm bảo các dây chuyền cung cấp năng lượng và nông nghiệp toàn cầu hiệu quả. Điều này bao gồm việc tránh “chính trị hóa và vũ khí hóa các vấn đề an ninh lương thực”.

• Cùng nhau quản lý các mối nguy hiểm do trí tuệ nhân tạo và các công nghệ mới nổi khác gây ra: Bản phác thảo nêu ra mối quan tâm đặc biệt đối với các ứng dụng quân sự tự động của các công nghệ này.

Ưu tiên khu vực

• Thúc đẩy các giải pháp chính trị cho các vấn đề điểm nóng trong khu vực: Tài liệu coi Trung Quốc là một loại nhà môi giới trung thực, sẵn sàng đóng vai trò vừa là người bảo đảm vừa là nhà cung cấp an ninh toàn diện ở châu Á, châu Phi, châu Âu, châu Mỹ Latinh và các Quốc đảo Thái Bình dương.

• Châu Phi: Tài liệu khái niệm kêu gọi hỗ trợ các nỗ lực của các quốc gia Châu Phi nhằm giải quyết xung đột khu vực và chống lại các mối đe dọa xuyên quốc gia như khủng bố và cướp biển. Liên quan đến Sừng châu Phi có tầm quan trọng chiến lược, nơi không chỉ tiếp giáp với các tuyến đường biển quan trọng trên toàn cầu, mà còn là nơi Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) có sự hiện diện gìn giữ hòa bình đáng kể và cơ sở quân sự thường trực duy nhất của họ trên lục địa ở Djibouti, tài liệu trích dẫn tầm quan trọng của Hội nghị Hòa bình, Quản trị và Phát triển Trung Quốc-Sừng châu Phi. Diễn đàn khu vực này, họp lần đầu tiên vào mùa hè năm ngoái, triệu tập các nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc và châu Phi từ Ethiopia, Djibouti, Somalia, Kenya, Uganda, Sudan và Nam Sudan.

• Châu Mỹ Latinh và Caribe: GSI tìm cách hỗ trợ hòa bình và ổn định khu vực, bao gồm thông qua nỗ lực thực hiện các cam kết thể hiện trong Cộng đồng các Quốc gia Châu Mỹ Latinh và Caribe' (CELAC). Đây cho thấy việc giảm ảnh hưởng của Mỹ ở châu Mỹ Latinh và Caribe là một ưu tiên ngầm của GSI.

Phần cuối cùng của tài liệu khái niệm GSI bao gồm một danh sách “nền tảng và cơ chế hợp tác”. Ngoài Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc mà Bắc Kinh giữ ghế thường trực, Đại hội đồng Liên hợp quốc và các ủy ban liên quan, tài liệu khái niệm kêu gọi sử dụng một số tổ chức hiện có mà Trung Quốc đóng vai trò lãnh đạo để thực hiện GSI: Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), BRICS và Hội nghị về các biện pháp tương tác và xây dựng lòng tin ở châu Á, cơ chế “Trung Quốc+Trung Á”. Tài liệu cũng liệt kê việc hỗ trợ một “cơ chế và cấu trúc hợp tác an ninh khu vực lấy ASEAN làm trung tâm” là một ưu tiên, điều này cho thấy Bắc Kinh sẽ tìm cách sử dụng các cuộc đối thoại ASEAN-Trung Quốc và ASEAN+ để tìm kiếm sự ủng hộ từ các quốc gia Đông Nam Á.

Phần tài liệu khái niệm GSI về các cơ chế cũng liệt kê một số diễn đàn an ninh toàn cầu và khu vực mà Trung Quốc đã thành lập để tạo điều kiện trao đổi với các quốc gia nước ngoài và thúc đẩy “sức mạnh diễn ngôn” về các vấn đề quốc phòng và an ninh quốc tế. Chúng bao gồm (đầu mối chủ trì trong ngoặc đơn):

• Diễn đàn An ninh và Hòa bình Trung Quốc-Châu Phi (Bộ Quốc phòng [MOD]): Đối thoại cấp Bộ trưởng giữa Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc và khoảng 50 bộ trưởng quốc phòng châu Phi hoặc các quan chức cấp cao khác.

• Diễn đàn An ninh Trung Đông (Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc/Bộ Ngoại giao): triệu tập các nhà ngoại giao cấp cao để thảo luận về các cách tiếp cận mới đối với an ninh trong khu vực.

• Diễn đàn Hương Sơn (MOD): Đối thoại theo kênh “một rưỡi” bao gồm các quan chức quốc phòng và sĩ quan quân đội cấp cao thường được mô tả là đối trọng của Trung Quốc đối với Đối thoại Shangri-La ở Singapore.

• Diễn đàn Hợp tác An ninh chung Toàn cầu (Bộ Công an; Ủy ban Quản lý và Giám sát Tài sản Nhà nước [SASAC]) tập hợp các quan chức công an cấp cao từ hơn 30 quốc gia để phối hợp và chia sẻ thông tin về các vấn đề thực thi pháp luật, cũng như thực hiện huấn luyện và diễn tập chung. Sáng kiến ban đầu tập trung vào việc chống tội phạm dọc theo BRI, nhưng đã mở rộng để bao gồm hợp tác kiểm soát trong một loạt lĩnh vực khác bao gồm tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và an ninh mạng.

• Diễn đàn GSI trong tương lai?: Tài liệu khái niệm nói rằng Trung Quốc sẽ “tổ chức các hội nghị cấp cao về GSI trong thời gian thích hợp để tăng cường truyền thông chính sách trong lĩnh vực an ninh, thúc đẩy đối thoại và hợp tác liên chính phủ, đồng thời thúc đẩy hơn nữa sức mạnh tổng hợp” trong hợp tác an ninh toàn cầu . Điều này cho thấy rằng giống như việc Trung Quốc tổ chức hai Diễn đàn BRI, một diễn đàn GSI có thể là một khả năng để ngỏ trong tương lai.

Là một phần của chiến dịch quảng bá rầm rộ xung quanh việc phát hành Tài liệu Khái niệm GSI, tờ Thời báo Hoàn cầu do nhà nước điều hành đã xuất bản một bài xã luận bằng tiếng Anh có tựa đề “Tất cả các quốc gia đều được hoan nghênh tham gia Sáng kiến An ninh Toàn cầu”. Với chuyến thăm bất ngờ đến Nga, thật khó để nói rằng đó chỉ là một hoạt động ngoại giao được thiết kế để giải quyết các nhu cầu năng lượng và vũ khí đơn thuần của Trung Quốc khi mà nội dung hàng đầu của "Ưu tiên hợp tác" và "Cơ chế ưu tiên" đều xoay quanh nơi mà ông Tập Cận Bình vừa đi thăm ba ngày.