Trên mạng xã hội Truth Social, Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ ký Sắc lệnh hành pháp QUAN TRỌNG VÀ CÓ Ý NGHĨA NHẤT của nước Mỹ từ trước đến nay vào 9h sáng ngày mai Thứ hai, 12/5/2025, tại Nhà Trắng nhằm cắt giảm giá thuốc kê đơn tại Mỹ từ 30% đến 80%. Ông Trump cho biết người dân Mỹ từ lâu đã phải trả giá cao hơn gấp 5 đến 10 lần so với các nước khác cho cùng loại thuốc, được sản xuất trong cùng nhà máy bởi cùng công ty dược.

Nguyên nhân được ông Trump quy kết là do chi phí nghiên cứu phát triển được đổ dồn lên “những người nhẹ dạ” tại Mỹ, trong khi các nước khác hưởng lợi. Ông Trump tuyên bố sẽ triển khai chính sách "TỐI HUỆ QUỐC” (Most Favored Nation – MFN), theo đó Mỹ sẽ chỉ trả mức giá thấp nhất mà các nước phát triển đang chi trả. Tổng thống Trump nhấn mạnh biện pháp này không những giúp người dân tiết kiệm chi phí y tế chưa từng có mà còn giúp nước Mỹ tiết kiệm hàng nghìn tỷ USD.
Tại sao Sắc lệnh hành pháp này lại có ý nghĩa như vậy?
THỨ NHẤT, GIẢI QUYẾT BẤT BÌNH ĐẲNG KÉO DÀI TRONG HỆ THỐNG GIÁ THUỐC TOÀN CẦU
Sắc lệnh MFN trực tiếp xử lý hiện tượng Mỹ phải “trợ giá ngược” cho thế giới thông qua các mức giá thuốc phi lý, chấm dứt tình trạng người Mỹ trả tiền cao hơn để tài trợ cho các quốc gia khác.
THỨ HAI, TIẾT KIỆM NGÂN SÁCH LIÊN BANG Ở QUY MÔ CHƯA TỪNG CÓ
Với chi phí thuốc Medicare Part B đạt 33 tỷ USD chỉ riêng năm 2021, chính sách mới có thể giảm chi tiêu hàng trăm tỷ USD trong một thập kỷ, đặc biệt trong bối cảnh Trump cam kết cắt giảm chi tiêu công.
THỨ BA, TẠO CÚ SỐC CHÍNH SÁCH CHO NGÀNH DƯỢC PHẨM TOÀN CẦU
Việc Mỹ – thị trường lợi nhuận lớn nhất thế giới – từ chối trả mức giá cao sẽ buộc các công ty dược điều chỉnh chiến lược toàn cầu, dẫn đến tái cơ cấu hệ sinh thái nghiên cứu, giá cả và phân phối dược phẩm.
THỨ TƯ, TẠO TIỀN LỆ MỞ RỘNG QUYỀN THƯƠNG LƯỢNG GIÁ CỦA CHÍNH PHỦ MỸ
Trong khi Đạo luật Giảm lạm phát 2022 mới trao quyền hạn chế cho Medicare để đàm phán giá một số loại thuốc, sắc lệnh MFN sẽ mở rộng nguyên tắc “giá tham chiếu toàn cầu” thành chính sách mặc định trong thanh toán y tế công.
CUỐI CÙNG, TẠO ĐÒN BẨY CHÍNH TRỊ VƯỢT QUA CHIA RẼ ĐẢNG PHÁI
Giảm giá thuốc từ lâu là yêu cầu xuyên đảng. Việc Tổng thống Trump – người thường đối đầu với chính sách kiểm soát giá – lại đi đầu triển khai mô hình MFN tạo ra một khoảnh khắc chính trị đặc biệt, lôi kéo sự ủng hộ cả từ cử tri đảng Dân chủ.
Tóm lại, nếu được triển khai hiệu quả, sắc lệnh MFN có thể thay đổi cấu trúc thị trường dược Mỹ và định hình lại vai trò của chính phủ liên bang trong bảo vệ người tiêu dùng, đánh dấu một bước ngoặt lịch sử trong chính sách y tế của Mỹ.
VẬY SẮC LỆNH HÀNH PHÁP NÀY SẼ CÓ CÁC TÁC ĐỘNG TIÊU CỰC VÀ TÍCH CỰC GÌ ĐỐI VỚI VIỆT NAM?
Sơ bộ có thể thấy 3 tác động chính:
MỘT LÀ, ÁP LỰC TĂNG GIÁ THUỐC NHẬP KHẨU
Khi Mỹ buộc các hãng dược điều chỉnh giá toàn cầu để bù đắp mức giảm tại thị trường Mỹ, giá thuốc nhập khẩu vào Việt Nam – đặc biệt là thuốc biệt dược và sinh phẩm – có thể tăng lên, ảnh hưởng đến ngân sách bảo hiểm và chi phí điều trị của người dân.
HAI LÀ, CẠNH TRANH ĐẤU THẦU THUỐC GIA TĂNG
Việt Nam có thể đối mặt với việc mất đi các mức giá ưu đãi từng đàm phán trước đây, khi các hãng dược tái cấu trúc chiến lược giá. Điều này tạo áp lực lớn hơn cho hệ thống đấu thầu thuốc trong nước, đặc biệt ở các bệnh viện công.
BA LÀ, CƠ HỘI CHO VIỆT NAM TRONG VIỆC THU HÚT SẢN XUẤT THUỐC
Để duy trì lợi nhuận, nhiều công ty dược có thể chuyển dịch sản xuất sang các nước có chi phí thấp. Việt Nam, với nhân lực dồi dào và ngành dược đang phát triển, có thể tận dụng cơ hội này để thu hút đầu tư và mở rộng sản xuất thuốc generic. Ngoài ra, trước khả năng thuốc nhập ngoại tăng giá, các hãng dược Việt Nam có thể tăng đầu tư sản xuất dược phẩm nội thay thế hoặc đầu tư sản xuất các loại thuốc cổ truyền./.