255046647-10221074804925698-6693340407508105631-n-1636439334.jpg
 

MỘT

Phiên họp toàn thể lần thứ sáu của Ban chấp hành TW Đảng Cộng sản Trung Quốc đang nhóm họp tại Bắc Kinh từ 8 đến 11-11 này.

Có hai đồn đoán chính: Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tiếp tục nhiệm kỳ thứ ba bằng cách thay đổi các quy định, cơ chế của Đảng hay ông sẽ tìm cho mình người kế nhiệm đáng tin cậy. Nhưng câu hỏi này không quá quan trọng bằng việc phác thảo nhân vật quyền lực thứ hai đứng sau ông Tập: Ai sẽ là người lãnh ấn cai quản nền kinh tế khổng lồ thứ hai thế giới?

Cho đến giờ, điều hiển nhiên mà mọi người xem sẽ là sự thật là ông Tập Cận Bình sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm kỳ thứ ba của mình.

Bởi chắc chắn không một ai trong Ban thường vụ Bộ Chính trị hiện tại, cơ quan ra quyết định hàng đầu, được xem là người có khả năng kế nhiệm ông Tập. Nếu nhà lãnh đạo Trung Quốc quyết định không đề bạt một người có thể hoàn thành vai trò đó vào Ban Thường vụ, điều đó sẽ tạo cho Tập cơ sở cần thiết để phục vụ nhiệm kỳ thứ ba với tư cách là Tổng bí thư của Đảng Cộng sản tại đại hội đảng sắp tới vào mùa thu năm sau.

Họ Tập đã dứt khoát tránh xa việc quyết định chọn một người kế nhiệm có khả năng trong những năm ông ở vị trí cao nhất. Lúc này, Tập sẽ củng cố vây cánh quyền lực của mình trong hàng ngũ cao nhất của Đảng.

Bí thư Thượng Hải Lý Cường (李强 – Li Qiang) và Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông Lý Hy (李希- Li Xi) được chuyển đến Bắc Kinh để đảm nhiệm các vai trò lãnh đạo quốc gia hàng đầu sau phiên họp toàn thể, theo một bài báo hôm thứ Sáu trên tờ Minh Báo của Hồng Kông. Bài báo không nói nõ về các vị trí của hai ông họ Lý, nhưng chắc chắn ông Lý Khắc Cường (李克强 – Li Keqiang) sẽ thôi chức Tổng lý Quốc vụ viện Trung Quốc (Thủ tướng) vào tháng 3-2023. Nhiều nhà phân tích cho rằng Lý Cường hay Lý Hy trước tiên được bổ nhiệm làm phó thủ tướng và sau đó sẽ thay thế Lý Khắc Cường.

Trong khi đó, ông Hồ Xuân Hoa (胡春华 – Hu Chunhua) là một trong bốn phó thủ tướng – ba người khác là Lưu Hạc, Hàn Chính và Tôn Xuân Lan - đủ tiêu chuẩn để được bổ nhiệm chỗ khuyết. nhưng họ Hồ là người từ Đoàn Thanh niên Cộng sản đi lên, một phe mà ông Tập đã đẩy ra rìa vì sự đoàn kết của họ, không ủng hộ Tập. Bởi vì ông Hồ được cho là tương đối xa với ông Tập, có khả năng là Chủ tịch Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy các đồng minh thân cận của mình trong nỗ lực loại ông ta khỏi vị trí thủ tướng.

Tại cuộc họp cấp cao lần này, một nghị quyết lịch sử sẽ ra đời, nhấn mạnh "một kỷ nguyên mới do Tập dìu dắt và cả Trung Quốc sẽ dành thời gian để tôn vinh Tập". Trong quá khứ, chỉ có hai "nghị quyết lịch sử" như vậy được thông qua: một dưới thời Mao Trạch Đông và một dưới thời Đặng Tiểu Bình.

Theo nhiều nhà quan sát, nghị quyết lịch sử sẽ có lời kêu gọi thúc đẩy sự thịnh vượng chung, mà lần đầu tiên Mao đề cập đến. Ông Tập rất ngưỡng mộ Mao, nhà lãnh đạo sáng lập của nước Cộng hòa Nhân dân. Nghị quyết dự kiến sẽ có ngôn ngữ ám chỉ sự kiểm soát lâu dài của chính phủ để đạt được các mục tiêu đặt ra cho năm 2035.

Mặt khác, nhiều người tin rằng ông Tập sẽ tách mình khỏi Đặng, nhà lãnh đạo tối cao đã thúc đẩy các cải cách và chính sách mở cửa từ 1978-1979.

Khi ông Tập bằng mọi cách vận động và tiếm đoạt hay củng cổ quyền lực và sự kiểm soát của mình, Trung Quốc đang gặp phải nhiều vấn đề cả trong và ngoài nước, trên bình diện kinh tế và ngoại giao.

HAI

Nếu các vấn đề đối nội như Tân Cương và Hồng Kông tiếp tục có vai trò lớn hơn thì nhân vật sau sẽ có đà thăng tiến mới.

Đó là nhân vật ít được phương Tây nhắc đến trong thời gian gần đây là Uông Dương ( 汪洋 - Wang Yang) hiện là Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Hội nghị Hiệp thương Chính trị Trung Quốc. [Thường được gọi tắt là Hiệp chính, vốn đóng vai trò cơ quan cố vấn chính trị tương tự UBMTTQ ở Việt Nam.

Ông cũng là nhân vật thứ 4 trong Bộ Chính trị gồm 25 thành viên quyền lực.

Uông không cùng phe cánh với ông Tập vì được Đặng Tiểu Bình cất nhắc từ vai trò Đoàn đi lên. Nhưng nhiều người đã chứng kiến Tập và Uông hay trao đổi khá cởi mở về các vấn đề kinh tế hiện tại của Trung Quốc. Uông là người có vai trò quan trọng trong các vấn đề người Duy Ngô Nhĩ và Tân Cương.

Thêm nữa, một phó chủ tịch trong Hiệp chính là tỷ phú Hứa Gia Ấn (许家印 - Hu Ka Yan) - chủ tịch của "quả bom nợ" Evergrande (Hằng Đại). Kết quả của phiên họp lần này có thể sẽ có kết quả ngã ngũ với số phận của Hằng Đại.

BA

Nhưng Lý nào sẽ thay Lý Thủ tướng hiện tại cũng không quan trọng bằng một sự thật là Trung Quốc sẽ ngày càng khó chơi hơn trong nhiệm kỳ thứ ba của Tập.

Bởi lý nào mà anh láng giềng khổng lồ phía Bắc ngang ngạnh lại nhường nhịn anh hàng xóm bé tí...