Theo Nikkei Asia, Amata Corporation - Tập đoàn phát triển công nghiệp lớn nhất Thái Lan vừa điều chỉnh kế hoạch mở rộng kinh doanh đến năm 2023, với trọng tâm đầu tư sang Việt Nam và Lào. Đồng thời, tập đoàn này cũng tạm dừng một dự án ở Myanmar bởi sau cuộc đảo chính năm 2021, Amata cũng đang thận trọng hơn trong việc đầu tư vào quốc gia này.
“Khi lập kế hoạch mở rộng kinh doanh, chúng tôi tập trung vào toàn bộ khu vực sông Mekong. Trong năm nay, chúng tôi vẫn tập trung vào Việt Nam, trong khi Lào cũng là một quốc gia đang nổi và thú vị mà chúng tôi đã gia nhập vào năm ngoái. Chúng tôi sẽ sớm bắt đầu phát triển một khu công nghiệp ở đó", Viboon Kromadit, Giám đốc Marketing của Amata cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei Asia.
Amata đã dành ra khoảng 5 tỷ baht (144 triệu USD) chi phí vốn cho năm tới. Trong số này, hơn 50% được dành cho phát triển công nghiệp ở Việt Nam, 20% cho các dự án ở Thái Lan và phần còn lại dành cho một dự án mới ở Lào.
Với tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình khoảng 8%/năm và lực lượng lao động trẻ, chi phí rẻ, Việt Nam đã thu hút nhiều nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới.
Amata đã và đang chi nhiều vốn vào việc mua đất để mở rộng các khu công nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng - đặc biệt là từ các ngành thâm dụng lao động dự kiến sẽ chuyển đến Việt Nam.
Amata hiện có 3 khu công nghiệp ở cả miền Bắc và miền Việt Nam với tổng diện tích 18,3 km2. Mỗi khu công nghiệp có hơn 200 nhà máy.
Năm ngoái, Amata bắt đầu phát triển một khu công nghiệp ở Lào – quốc gia đang nổi lên như một điểm đến sản xuất đầy hứa hẹn nhờ tuyến đường sắt cao tốc nối với Trung Quốc, giúp tiếp cận người tiêu dùng tại thị trường Trung Quốc dễ dàng hơn.
Tại Lào, giai đoạn đầu Amata City Natuey dự kiến sẽ có diện tích 4,1 km2. Amata City Natuey đã thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế bởi vị trí của nó nằm gần ga đường sắt chính ở Natuey dọc theo tuyến đường sắt Trung Quốc - Lào, đồng thời cũng gần Myanmar và Thái Lan.
Tại Thái Lan, Amata không còn đặt mục tiêu mở rộng quỹ đất vào thời điểm này bởi tập đoàn đang sở hữu hơn 28,3 km2 ở các tỉnh Chonburi và Rayong với khoảng 1.100 nhà máy.
Thay vào đó, tập đoàn sẽ đổ tiền vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt là mạng 5G và năng lượng tái tạo, những thứ được kỳ vọng sẽ hỗ trợ cho mô hình phát triển kinh tế Sinh học - Tuần hoàn - Xanh (BCG) của Thái Lan nhằm đáp ứng các mục tiêu toàn cầu.
“BCG đã được nhiều quốc gia áp dụng. Vì vậy, chúng tôi đang chuẩn bị các khu công nghiệp ở Thái Lan để đáp ứng các yêu cầu về môi trường. Các nhà đầu tư sẽ hài lòng vì các sản phẩm được sản xuất tại Thái Lan đáp ứng các yêu cầu của BCG và có thể tiếp cận thị trường toàn cầu”, Viboon cho biết.
Ông nói thêm rằng các khu công nghiệp ở Thái Lan sẽ được phát triển và trang bị công nghệ hiện đại trong các lĩnh vực mà chính phủ nhắm đến như: xe điện, thực phẩm cho tương lai, năng lượng tái tạo, y tế và trung tâm dữ liệu.
Amata đã tạm dừng mở rộng ở Myanmar do cuộc đảo chính năm 2021 làm tê liệt hoạt động kinh tế và khiến nhiều công ty phải rời khỏi quốc gia này.
Viboon cho biết: “Chúng tôi rời văn phòng ở Myanmar, mọi hoạt động tại các khu công nghiệp ở Myanmar đang bị đình trệ, chúng tôi sẽ chờ xem tình hình diễn biến như thế nào”.
Nguồn tham khảo: Nikkei Asia