Cặp vợ chồng nhà khoa học sáng lập công ty BioNTech của Đức đã chiến thắng trong cuộc đua cung cấp loại vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên trên thế giới cho biết, mọi người có thể yên tâm về sự an toàn của vaccine mRNA và công nghệ này sẽ sớm được sử dụng để chống lại một căn bệnh toàn cầu khác - ung thư.

Thần tốc phát triển vaccine ngừa Covid-19 trong 11 tháng

Ngày 19-3, hai vợ chồng nhà khoa học Ozlem Tureci và Ugur Sahin đã được Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier trao Huân chương Danh dự vì đã đóng góp vào việc "ngăn chặn đại dịch Covid-19". Đây là Huân chương cao quý nhất của nước Đức.

Trong vòng 11 tháng, vaccine mRNA mà BioNTech cùng hãng dược phẩm khổng lồ Pfizer của Mỹ phát triển đã được cấp phép sử dụng tại Anh. Chỉ một tuần sau đó, nó trở thành loại vaccine đầu tiên được Mỹ phê duyệt. Kể từ tháng 12-2020 đến nay, hàng chục triệu người trên toàn thế giới đã được tiêm loại vaccine này.

Gần một năm trước, hai vợ chồng bà Ozlem Tureci và ông Ugur Sahin vẫn còn là những cái tên chưa được biết đến nhiều trong thế giới của những hãng dược phẩm lớn. Công ty công nghệ sinh học nhỏ của họ có tên BioNTech được thành lập vào năm 2008. Và công việc của cặp vợ chồng nhà khoa học tập trung chủ yếu vào nghiên cứu ung thư.

Cặp vợ chồng nhà khoa học sáng lập BioNTech: Mục tiêu tiếp theo là vaccine ngừa ung thư -0
Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier trao Huân chương Danh dự cho cặp vợ chồng nhà khoa học Ozlem Tureci và Ugur Sahin dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Đức, bà  Angela Merkel. Ảnh: AP.

Nhưng do đại dịch Covid-19 tàn phá, họ đã nhanh chóng quyết định khởi động dự án của BioNTech có tên "Lightspeed" vào giữa tháng 1-2020 để áp dụng công nghệ mà họ đã nghiên cứu trong hai thập kỷ nhằm phát triển vaccine ngừa Covid-19. Nghiên cứu của họ được đối tác Mỹ Pfizer hợp tác sản xuất, đã chứng minh hiệu quả hơn 90% trong việc tạo ra khả năng miễn dịch chống lại virus SARS-CoV-2 phiên bản gốc, và các báo cáo cho thấy vaccine cũng chống lại các biến thể virus ở Anh và Nam Phi.

Vaccine của Pfizer - BioNTech đã nhận được nhiều lời khen ngợi từ khắp nơi trên thế giới vì hiệu quả cao. Một nghiên cứu được đánh giá ngang hàng ở Israel cho thấy, vaccine này có tỷ lệ hiệu quả là 94% trong việc ngăn ngừa Covid-19 không có triệu chứng.

Tuần trước, Pfizer và BioNTech đã công bố bằng chứng thực tế từ Bộ Y tế Israel cho thấy, hai tuần sau khi tiêm liều thứ hai, hiệu quả của vaccine ít nhất là 97% trong việc ngăn ngừa các bệnh có triệu chứng, nhập viện và tử vong. 

Do đó, có thể nói, cặp vợ chồng ông Ugur Sahin, Giám đốc điều hành BioNTech và bà Ozlem Tureci, Giám đốc y tế của BioNTech đang cứu sống hàng triệu người trên thế giới.

Tại lễ vinh danh, Tổng thống Steinmeier nói với cặp vợ chồng: “Các bạn đã bắt đầu với một loại thuốc để điều trị ung thư cho một cá nhân. Và giờ đây chúng ta có một loại vaccine cho toàn nhân loại".

Ông bà Tureci và Sahin rất xứng đáng vì đã có đóng góp "quyết định vào việc ngăn chặn đại dịch Covid-19", Tổng thống Đức nói.

Phát biểu tại buổi lễ, bà Tureci cho rằng, nhận được giải thưởng là "thực sự là một vinh dự". Nhưng bà khẳng định việc phát triển vaccine là công việc của nhiều người.

Cặp vợ chồng nhà khoa học sáng lập BioNTech: Mục tiêu tiếp theo là vaccine ngừa ung thư -0
Bà Tureci phát biểu tại lễ vinh danh. Ảnh: AP.

“Đó là về nỗ lực của rất nhiều người: nhóm của chúng tôi tại BioNTech, tất cả các đối tác có liên quan, cả chính phủ, cơ quan quản lý, đã làm việc cùng nhau với tinh thần khẩn trương”, bà Tureci nói. "Theo cách chúng tôi nhìn nhận, đây là sự công nhận cho nỗ lực này và cũng là một dấu ấn của khoa học", bà cho biết.

Chuyển trọng tâm để cứu thế giới

Theo Tổng thống Đức, cặp vợ chồng này xứng đáng được vinh danh vì "nghiên cứu tiên phong và được công nhận trên toàn cầu" trong lĩnh vực công nghệ mRNA. Liệu pháp gen mới trong quá trình phát triển vaccine sử dụng một phần nhỏ thông tin di truyền của virus để kích hoạt phản ứng miễn dịch bằng cách sản xuất protein trực tiếp trong tế bào người.

Trước khi nghiên cứu về Covid-19, ông Sahin và bà Tureci đã cố gắng khai thác khả năng tự bảo vệ của cơ thể con người khỏi vi khuẩn và virus. Họ đã tìm cách chống lại ung thư bằng một liệu pháp miễn dịch kích thích cơ chế tự chữa lành và kích hoạt "lực lượng cảnh sát bên trong" của chính cơ thể khiến các khối u ác tính trở nên vô hại. 

Nền tảng của Sahin và Tureci về nghiên cứu mRNA cho phép họ phát triển vaccine ngừa Covid-19 của BioNTech - Pfizer trong khoảng thời gian ngắn bất thường dưới một năm, khiến nó trở thành mũi tiêm phòng đầu tiên chống lại Covid-19 được cung cấp trên thế giới.

Cặp vợ chồng nhà khoa học sáng lập BioNTech: Mục tiêu tiếp theo là vaccine ngừa ung thư -0
Ông Sahin luôn tự nhận mình là một "kỹ sư miễn dịch", người cố gắng sử dụng các cơ chế kháng virus của cơ thể để điều trị ung thư. Ảnh: Getty Images.

Vào tháng 12, ông Sahin nói với DW rằng, ông không xem mình là một "siêu anh hùng" trong lĩnh vực nghiên cứu vaccine. "Chúng tôi chỉ có thể làm điều này bởi vì chúng tôi có một đội ngũ tuyệt vời. Một nhóm các nhà khoa học quốc tế và nhân viên từ 60 quốc gia khác nhau đã làm việc với chúng tôi trong nhiều năm về nghiên cứu mRNA", ông nói.

Trong một thông báo, Tiến sĩ Ugur Sahin cho biết: "Khi chúng tôi bắt đầu phát triển vào tháng 1 năm ngoái, mục đích của chúng tôi là tạo ra sự khác biệt cho mọi người trên toàn thế giới và giúp chấm dứt đại dịch này".

"Một năm sau khi WHO tuyên bố về đại dịch, giờ đây chúng tôi thấy rằng mình đang đi đúng hướng để hoàn thành các mục tiêu", nhà khoa học chia sẻ.

Còn trong một cuộc phỏng vấn, bà Tureci nói với AP: “Sẽ có lợi cho những quyết định táo bạo và tự tin rằng nếu bạn có một đội ngũ phi thường, bạn sẽ có thể giải quyết mọi vấn đề và trở ngại theo cách của bạn".

Bài học mà vợ chồng bà cùng với các đồng nghiệp học được là “sự hợp tác và cộng tác quốc tế quan trọng như thế nào”.

Nhà nữ khoa học cho biết, trong số những thách thức lớn nhất đối với công ty BioNTech vốn có quy mô nhỏ và chưa có sản phẩm đưa ra thị trường là làm thế nào để tiến hành các thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn trên các khu vực khác nhau và làm thế nào để mở rộng quy trình sản xuất để đáp ứng nhu cầu toàn cầu.

Ngoài hợp tác với Pfizer, công ty đã tranh thủ sự giúp đỡ của Fosun Pharma ở Trung Quốc “để có được tài sản, năng lực và vị trí địa lý mà chúng tôi không có”, bà Tureci nói.

Bà Tureci và các đồng nghiệp của bà đều đã tiêm vaccine ngừa Covid-19 của BioNTech.

Cặp vợ chồng nhà khoa học sáng lập BioNTech: Mục tiêu tiếp theo là vaccine ngừa ung thư -0
Bà Tureci cho rằng sự hợp tác quốc tế đã giúp họ phát triển thành công vaccine ngừa Covid-19 được phê duyệt sử dụng chính thức đầu tiên trên thế giới. Ảnh: AP.  

Một niềm đam mê suốt đời

Ngoài sự nổi lên như vũ bão của cặp đôi “ngôi sao khoa học” - ông Sahin và bà Tureci, người ta biết rất ít về cuộc sống riêng tư của họ.

Sinh ra ở Thổ Nhĩ Kỳ, lúc mới 4 tuổi, ông Ugur Sahin, nay đã 54 tuổi, cùng mẹ chuyển đến Cologne, Đức để sống cùng cha đang làm việc cho công ty Ford. Sau khi tốt nghiệp trung học, ông theo học ngành y tại Đại học Cologne. Ông Sahin cho biết: “Tôi quan tâm đến liệu pháp miễn dịch”.

Năm 1992, Sahin tốt nghiệp trường y và làm bác sĩ nội khoa, huyết học và ung thư học tại Đại học Cologne trong vài năm trước khi chuyển đến Trung tâm Y tế Đại học Saarland. Tại đây, ông gặp bà Tureci, một sinh viên y khoa và là con gái của một bác sĩ từ Istanbul đến Đức.

Là giảng viên của Đại học Mainz, bà Ozlem Tureci được coi là người tiên phong trong liệu pháp miễn dịch ung thư. Bà Tureci nói với trang web trực tuyến wissenschaftsjahr.de: “Bị ảnh hưởng bởi một bác sĩ như cha tôi, tôi không thể tưởng tượng được bất kỳ nghề nào khác ngay cả khi tôi còn là một cô gái trẻ”.

Giống như cha mình, bà muốn giúp đỡ mọi người. Đầu tiên, bà nghĩ đến việc trở thành một nữ tu sĩ, nhưng sau đó bà quyết định đi theo ngành y.

Cặp vợ chồng nhà khoa học sáng lập BioNTech: Mục tiêu tiếp theo là vaccine ngừa ung thư -0
Vợ chồng ông Sahin và bà Tureci đã chuyển trọng tâm nghiên cứu để cứu thế giới. Ảnh: AP.

Bà Tureci và ông Sahin kết hôn vào năm 2002, khi ông đang làm việc tại Trung tâm Y tế Đại học Mainz. Ngay cả trong ngày cưới của họ, ông Sahin vẫn miệt mài trong phòng thí nghiệm. Sau khi cặp đôi đến văn phòng đăng ký xong, họ lại quay trở lại làm việc.

Năm 2001, hai vợ chồng thành lập công ty dược phẩm sinh học Ganymed để phát triển các loại thuốc điều trị ung thư bằng liệu pháp miễn dịch. Họ đã bán công ty vào năm 2016 với giá 422 triệu euro (tương đương 502 triệu USD).

Vào năm 2008, ông Sahin và bà Tureci thành lập BioNTech, một công ty chủ yếu phát triển công nghệ và thuốc cho các liệu pháp miễn dịch ung thư, nhưng chưa có sản phẩm nào trong số đó được phê duyệt. Hơn 1.300 người từ hơn 60 quốc gia hiện đang làm việc tại BioNTech, và hơn một nửa trong số đó là phụ nữ.

Cặp vợ chồng nhà khoa học sáng lập BioNTech: Mục tiêu tiếp theo là vaccine ngừa ung thư -0
Hình ảnh bà Tureci đi dọc hành lang trong nhà máy BioNTech. Đối với bà, chăm sóc bệnh nhân là điều quan trọng nhất. 

Không có phần thưởng tài chính nào đi kèm với Huân chương Danh dự của Đức. Nhưng ông Ugur Sahin và bà Ozlem Tureci vẫn được đền đáp cho những năm nghiên cứu vất vả. Ông Sahin sở hữu 18% cổ phần của BioNTech được niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq của New York. Sau khi tung ra thành công vaccine ngừa Covid-19, cặp vợ chồng này bất ngờ lọt vào danh sách 100 người giàu nhất nước Đức.

Sau khi đã thành công với vaccine ngừa Covid-19, cặp vợ chồng nhà khoa học Đức quay lại tìm cách khai thác hệ thống miễn dịch của cơ thể để giải quyết các khối u.

Bà Tureci cho biết: “Chúng tôi có một số loại vaccine ngừa ung thư khác nhau dựa trên công nghệ mRNA".

Khi được hỏi khi nào hoàn thiện liệu pháp này, bà Tureci trả lời: “Điều đó rất khó dự đoán trong quá trình đổi mới phát triển. Nhưng chúng tôi hy vọng rằng chỉ trong vòng vài năm nữa, chúng tôi cũng sẽ có vaccine ngừa ung thư có thể cung cấp cho người dân tại một số nơi”.

Hiện tại, Tureci và Sahin đang cố gắng bảo đảm rằng các loại vaccine ngừa Covid-19 sẽ được chuyển giao và các mũi vaccine này phản ứng hiệu quả với bất kỳ đột biến mới nào của virus.

Chia sẻ tại một chương trình phỏng vấn, ông Sahin không dám nhận mình là "người hùng giải cứu cả thế giới". Người sáng chế nhấn mạnh rằng, việc phát triển vaccine là một nỗ lực chung của nhiều nhà khoa học và nó mang đến những thành quả tuyệt vời.

Năm 2016, cặp vợ chồng này bán công ty đầu tiên với giá 1,4 tỷ đô la (khoảng 31.862 tỷ đồng). Năm 2018, công ty bắt đầu hợp tác với Pfizer. Năm 2019, ông Sahin nhận được giải thưởng Mustafa trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Chỉ sau hơn 1 năm đi vào sản xuất, công ty BioNTech/Pfizer đã thu về lợi nhuận lên tới khoảng 45 tỷ USD (tương đương 1.024.222 tỷ đồng). Đồng thời, vợ chồng nam tiến sĩ đã trở thành một trong những người giàu nhất nước Đức. Mọi thứ đều thay đổi, nhưng hai vợ chồng này vẫn ở trong ngôi nhà cũ, sống giản đơn như những người bình thường.

Sahin và vợ dành nhiều thời gian để nghiên cứu dược phẩm. Họ đi xe đạp đến văn phòng và không sở hữu chiếc xe hơi nào. Chính giám đốc điều hành Pfizer, ông Bourla cũng phải khẳng định rằng: "Sahin là một người độc đáo. Anh ấy chỉ quan tâm đến khoa học.

Thảo luận về kinh doanh không phải là chủ đề của anh ta. Sahin không thích nó chút nào. Anh ấy là một nhà khoa học và một người có nguyên tắc và tôi tin tưởng người đó 100%".