“Quỹ đất” của một doanh nghiệp bất động sản chủ yếu nằm 3 nơi trên báo cáo tài chính:
(1) Hàng tồn kho: Là các dự án mà doanh nghiệp đang triển khai, sau khi triển khai xong thì doanh nghiệp sẽ kinh doanh luôn các dự án này.
(2) Xây dựng cơ bản dở dang: Cũng là các dự án doanh nghiệp đang triển khai, nhưng các dự án này khi hoàn thành sẽ chuyển sang bất động sản đầu tư.
(3) Bất động sản đầu tư: là các dự án được xây dựng với mục đích cho thuê, các bất động sản nắm giữ chờ tăng giá và không có ý định kinh doanh trong kỳ.
Quỹ đất mang ý nghĩa sống còn đối với một doanh nghiệp bất động sản, là cơ sở để triển khai, phát triển các dự án và cũng là nguồn thu sau này của doanh nghiệp. Dưới đây là thống kê ước tính của WiChart về giá trị “ghi sổ” quỹ đất của các doanh nghiệp bất động sản. Thống kê này chỉ mang tính chất tham khảo, giá trị thực trên thị trường có thể sẽ khác nhiều so với giá trị trên sổ sách (thống kê không tính đến VIC vì hoạt động đa ngành nghề).
- Ngành bất động sản tương đối phân mảnh với hơn 55 doanh nghiệp đang hoạt động trên 3 sàn nhưng xét trên quy mô về giá trị sổ sách của quỹ đất thì 2 doanh nghiệp đứng đầu là VHM và NVL đã vượt qua tất cả các doanh nghiệp còn lại cộng vào.
- Top là 1 cuộc chiến của riêng của VHM và NVL. Đây là hai đối thủ rất xứng tầm “kẻ tám lạng – người nửa cân”. NVL giữ top 1 cho đến khi VHM lên sàn và chỉ lấy lại được vị trí này từ quý 3 năm 2020.
- Hầu hết các “đại gia bất động sản” đều nằm ở khu vực phía Nam (cụ thể là TP.Hồ Chí Minh), phía bắc duy nhất chỉ có 2 đại diện là FLC và VIC.
- Quá trình đẩy mạnh mở rộng quỹ đất trong 2021 đã giúp NLG leo lên vị trí top 3 ở thời điểm hiện tại.
- Dù bị gắn mác là cổ phiếu đầu cơ song QCG cũng từng lọt trong trong top 3 doanh nghiệp có giá trị sổ sách quỹ đất lớn nhất giai đoạn 2018 – 2019.