Công ty chứng khoán VCBS có báo cáo cập nhật hoạt động kinh doanh của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Cụ thể, năm 2022, VPB ghi nhận LNTT đạt 21.220 tỷ đồng (+46%), mức tăng trưởng cao nhất trong những năm trở lại đây. Trong đó, thu nhập lãi thuần đạt 41.021 tỷ đồng (+19,42%), thu nhập ngoài lãi đạt 16.776 tỷ đồng (+53,92%).
Tốc độ tăng trưởng ngoài lãi cao đột biến một phần đến từ khoản phí upfront gần 5.000 tỷ đồng từ hợp đồng phân phối độc quyền bảo hiểm giữa VPBank và Bảo hiểm AIA, ghi nhận trong Q1.2022. Tuy nhiên, LNTT quý 4 suy giảm mạnh, chỉ đạt 1.385 tỷ đồng do chi phí dự phòng quý 4 tăng mạnh 36% so với cùng kỳ.
Quy mô tín dụng hợp nhất đạt 479 nghìn tỷ đồng (+25%), tương đương mức tín dụng được NHNN cấp trong năm 2022 (Trong đó, cho vay đạt 438 nghìn tỷ đồng, +23,4%, TPDN đạt 40,5 nghìn tỷ đồng, +46%). Dư nợ tín dụng của ngân hàng riêng lẻ đạt 354 nghìn tỷ đồng, +28%, thuộc top đầu trong ngành ngân hàng, góp phần vào tăng trưởng LN ấn tượng cả năm 2022.
Về cơ cấu cho vay, ngành BĐS và xây dựng đạt 91,7 nghìn tỷ đồng tương đương 20% tổng cho vay, +33%. Huy động tiền gửi và giấy tờ có giá của ngân hàng mẹ đạt 343 nghìn tỷ đồng (+26%). Tăng trưởng tiền gửi được đóng góp chủ yếu từ khối khách hàng cá nhân và khối SME, với tốc độ tăng tương đương với tỷ lệ tăng trưởng cho vay giúp cho VPB không gặp nhiều áp lực về thanh khoản, các chỉ tiêu về thanh khoản như tỷ lệ LDR vẫn ở ngưỡng an toàn so với mức quy định.
NIM của ngân hàng mẹ +30bps lên 5,45%, trong khi NIM của FE Credit giảm mạnh (do số dư cho vay lớn và tăng trưởng lãi giảm trong năm 2022), tổng hợp ảnh hưởng khiến NIM hợp nhất giảm nhẹ xuống còn 7,51% so với 7,64% năm 2021, tuy nhiên đây vẫn là mức NIM cao số 1 trong ngành.
Tỷ lệ CASA giảm về 16,5% theo xu thế chung của toàn ngành trong năm 2022 khi dòng tiền rảnh rỗi được chuyển dịch sang kênh tiền gửi kỳ hạn lãi suất cao và đi vào sản xuất kinh doanh nhiều hơn.
Tỷ lệ nợ xấu (NPL) hợp nhất tăng mạnh lên ~5,7% (+126 bps), trong đó nợ xấu của ngân hàng mẹ ở mức 2,8% cuối quý 4/2022. Nợ tái cơ cấu cuối quý 4/2022 chỉ còn 1.600 tỷ đồng, giảm mạnh 74% so với số dư 6.100 tỷ đồng đầu năm.
FE Credit (FEC) là một trong những công ty tài chính hàng đầu Việt Nam, thuộc sự quản lý của Ngân hàng VpBank. Xét riêng FE Credit, LNTT cả năm 2022 ghi nhận lỗ 3.121 tỷ đồng chủ yếu đến từ việc tỷ lệ nợ xấu tăng nhanh. Tỷ lệ nợ xấu tại quý 4/2022 đạt 21,8% (so với 14,1% cuối năm 2021) và hiện đang là mức nợ xấu cao nhất trong ngành tài chính tiêu dùng.
Việc số dư cho vay của FE mở rộng quá nhanh trong giai đoạn trước đây và tập trung vào sản phẩm cho vay tiền mặt khiến mức độ rủi ro danh mục của FE cao hơn trung bình ngành. Đây là lý do khiến FE Credit chịu ảnh hưởng nặng nề hơn từ nợ xấu và cần nhiều thời gian để hồi phục so với các công ty tài chính khác.
Trích lập dự phòng hợp nhất tăng lên 22.461 tỷ đồng, + 18%, trong đó chi phí dự phòng của FE Credit tăng mạnh, đạt 13.681 tỷ đồng + 20%, trong năm 2022. Tính riêng trong quý 4, ngân hàng trích lập 7.300 tỷ đồng, +36%, chủ yếu là do nợ xấu tại FE Credit tăng mạnh vào thời điểm cuối năm. Đây cũng là lý do khiến cho LNTT của ngân hàng giảm mạnh trong Q4.2022.
Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của VPB giảm xuống 54%, thuộc nhóm thấp trong hệ thống. Trong khi đó, tỷ lệ an toàn vốn CAR vẫn đạt ~15%, nằm trong top đầu toàn ngành. Tỷ lệ dư nợ trên huy động (LDR) và tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn được kiểm soát tốt so với mức quy định.
Liên quan đến hoạt động kinh doanh của FEC, VCBS cho biết, tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh lên 21,8% cùng tỷ lệ nợ nhóm 2 tăng vọt từ 8,7% lên 13,2% khiến cho triển vọng hồi phục kinh doanh năm 2023 của công ty không quá khả quan. "Chúng tôi cho rằng ảnh hưởng của dịch bệnh đối với tập khách hàng trọng tâm của FE là lâu dài hơn phân khúc khách hàng khác, do đó tỉ lệ nợ xấu của VPB có khả năng sẽ vẫn ở mức cao trong năm 2023 dẫn đến áp lực tiếp tục trích lập dự phòng ở mức cao", VCBS khẳng định.
Trước đó, trong báo cáo phân tích doanh nghiệp được Công ty chứng khoán VNDirect đưa ra hồi cuối tháng 2, công ty chứng khoán này khẳng định lợi nhuận ròng của VPbank giảm mạnh chủ yếu do chi phí hoạt động tăng và khoản dự phòng lớn ở FECredit. Theo ban lãnh đạo, sự phục hồi của FEC chậm hơn nhiều so với dự kiến do điều kiện kinh tế không thuận lợi đã tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực từ đến nhóm thu nhập thấp, vốn là khách hàng chính của FEC.
"Với bối cảnh vĩ mô vẫn đầy thách thức, chúng tôi cho rằng 2023 sẽ tiếp tục là một năm khó khăn đối với FEC, do đó chúng tôi dự báo mảng này sẽ lỗ trước thuế khoảng 700 tỷ đồng trong năm nay trước khi quay trở lại có lãi vào năm 2024", VnDirect nhận định.