Theo thông tin từ Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Cục vừa nhận hồ sơ thông báo tập trung kinh tế đầy đủ, hợp lệ của Công ty Tiki Global Pte. Ltd và Công ty cổ phần Ti Ki.

Theo đó, Tiki Global Pte. Ltd dự kiến sẽ nhận chuyển nhượng 90,5% cổ phần của Công ty cổ phần Tiki sau khi doanh nghiệp này phát hành thêm cổ phiếu theo hình thức chào bán riêng lẻ.

Sau khi hoàn thành giao dịch tập trung kinh tế, Công ty Tiki Global Pte. Ltd sẽ giành được quyền kiểm soát, chi phối Công ty cổ phần Tiki. Do đó, việc tập trung kinh tế nói trên được xác định là hình thức mua lại doanh nghiệp theo quy định tại khoản 4 Điều 29 Luật Cạnh tranh

Ngày 5/7/2021, trên cơ sở các quy định hiện hành của pháp luật cạnh tranh, Bộ Công Thương đã thông báo việc tập trung kinh tế giữa Công ty Tiki Global Pte. Ltd và Công ty cổ phần Tiki không thuộc trường hợp bị cấm theo quy định tại Điều 30 Luật Cạnh tranh và thuộc trường hợp tập trung kinh tế được thực hiện theo quy định tại Khoản 1, Điều 41 Luật Cạnh tranh 2018.

screen-shot-2021-07-20-at-44517-pm-1626774587.png
Thông báo về việc thành lập Tiki Global của Chính phủ Singapore.

Công ty Tiki Global Pte. Ltd được thành lập tháng 5/2021 theo pháp luật Singapore và chưa có bất cứ hoạt động kinh doanh nào trên thị trường Việt Nam lẫn Singapore.

Về phía sàn TMĐT Tiki, tính đến hết tháng 3/2021, cơ cấu cổ đông của công ty gồm ông Trần Ngọc Thái Sơn (sáng lập kiêm CEO) đang sở hữu 20,1% cổ phần. CTCP VNG, một trong những kỳ lân công nghệ của Việt Nam sở hữu 20,2% cổ phần. Các cổ đông nước ngoài gồm JD.Com sở hữu 18,2%; Ubiquitous Traders 9,9%; Success Elite Holdings 4,5%; Finup Asia Investment I 3,7%... Các cổ đông nước ngoài hiện đang nắm giữ 49,4% cổ phần Ti Ki.

Vào tháng 5/2020, theo Báo cáo thường niên của VNG đã hé lộ con số lỗ khổng lồ của trang thương mại điện tử này năm 2019 với gần 1.800 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước công ty này chỉ lỗ hơn 750 tỷ đồng. Mức lỗ của Tiki cũng tiệm cận với hai tên tuổi lớn trong lĩnh vực này là Lazada và Shopee, với khoản lỗ năm 2018 lần lượt là 1.773 tỷ và 1.901 tỷ đồng.

Sau khi liên hệ với Tiki, họ đã từ chối trả lời vấn đề này.

Còn theo một chuyên gia giấu tên thì Tiki Global do một nhóm cổ đông hiện tại thành lập tại Singapore, để hợp thức hóa việc chuyển Tiki thành công ty nước ngoài, không còn bị ràng buộc về chính sách thuế của Việt Nam cũng như sẽ được hưởng ưu đãi của 1 công ty FDI.

Ngoài ra, trong thời gian gần đây, Tiki thường xuyên bày tỏ ý định sẽ IPO, nhằm có thêm nguồn lực để ‘đốt’, tiếp tục chạy đua cùng Lazada và Shopee tại thị trường Việt Nam. Nhưng Luật doanh nghiệp Việt Nam quy định: 1 doanh nghiệp muốn IPO phải báo lãi từ 3 năm liên tiếp trở lên, trong khi Tiki liên tục lỗ.

Thế nên, việc thành lập pháp nhân tại Singapore cũng là một phần trong các bước chuẩn bị cho quá trình IPO ở thị trường nước ngoài, có thể là trên sàn chứng khoán của Singapore.

Nếu tất cả các suy đoán nói trên đều đúng, thì Tiki Global và Tiki tuy 2 mà 1. Nhưng trong tương lai, Tiki khó có thể tiếp tục định vị mình là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất đấu với các doanh nghiệp ngoại ở thị trường Việt như trước kia.