1711-7cedaa9111f841d10de72a75390ddd38-1624621720.jpg
Ảnh minh họa. 

CTCP Ti Ki - đơn vị vận hành trang thương mại điện tử Tiki – thông báo phát hành thành công 1.000 tỷ đồng trái phiếu kì hạn 2 năm với lãi suất coupon 13%/năm.

Nguồn vốn huy động từ đợt phát hành được sử dụng để: (i) Tăng quy mô vốn hoạt động của công ty bao gồm tài trợ nghiên cứu phát triển, chi phí quản lý vận hành doanh nghiệp, chi phí lương nhân viên, trả tiền cho nhà cung cấp, mua sắm thiết bị công nghệ phục vụ hoạt động kinh doanh; (ii) Thực hiện các chương trình, dự án đầu tư của công ty gồm đầu tư vào công ty con, đầu tư mở rộng hệ thống kho bãi, hệ thống lưu trữ - vận chuyển hàng hóa, tài trợ quảng bá tiếp thị.

Trong công bố thông tin phát hành, Tiki cho biết trái phiếu được đảm bảo bằng 2.156.465 cổ phần Tiki. Theo chứng thư thẩm định giá do CTCP Định giá và Tư vấn Đầu tư Quốc tế ban hành ngày 26/2/2021, giá trị một cổ phần Tiki là 665.245 đồng. Kể từ ngày ban hành chứng thư thẩm định giá trên đến ngày phát hành trái phiếu, CTCP Tiki đã phát hành thêm 2.156.465 cổ phần, nâng tổng số cổ phiếu lưu hành của Tiki lên 22.987.633 cổ phiếu. Do đó, giá cổ phần được điều chỉnh tương ứng là 602.838,5 đồng.

Với mức định giá trên, giá trị tài sản đảm bảo cho lượng trái phiếu trên được xác định là hơn 1.300 tỷ đồng. Đồng thời, giá trị toàn bộ cổ phần của CTCP Tiki được xác định ở mức 13.858 tỷ đồng (tương đương hơn 600 triệu USD).

Đến cuối tháng 3/2021, CTCP VNG - một trong những kỳ lân công nghệ của Việt Nam - là cổ đông lớn nhất của Tiki với tỉ lệ sở hữu 20,18% và 20,63% quyền biểu quyết. Với mức định giá 602.838,5 đồng/cp, giá trị lượng cổ phần Tiki mà VNG sở hữu vào khoảng 2.800 tỷ đồng.

VNG bắt đầu rót vốn vào Tiki từ tháng 2/2016. VNG không công bố chi tiết giá trị khoản đầu tư tại Tiki trong báo cáo tài chính quý I/2021 nhưng đến cuối năm 2020, công ty này đã rót vào đây hơn 510 tỷ đồng.

Trong đầu năm nay, VNG đã không tham gia vào đợt phát hành thêm cổ phiếu tăng vốn của Tiki từ 208,3 tỷ lên 229,9 tỷ đồng. Vì vậy, tỷ lệ sở hữu của công ty VNG tại Tiki giảm từ 22,27% vào đầu năm nay xuống còn 20,18%. 

Đáng chú ý, khoản đầu tư của VNG vào Tiki được ghi nhận đã được ghi nhận lỗ toàn bộ đến hết tháng 12/2020. Như vậy, trong trường hợp VNG thoái toàn bộ vốn tại Tiki, doanh nghiệp này thu về khoản lãi ròng tạm tính lên tới gần 2.300 tỷ đồng theo mức định giá CTCP Định giá và Tư vấn Đầu tư Quốc tế và có thể hạch toán trực tiếp 2.800 đồng vào lợi nhuận.

z2574681524934-6419f9998cd718b1d1c80a690c4c73f1-1624622170.jpg
Khoản đầu tư của VNG vào Tiki tại thời điểm cuối năm 2020. (Nguồn: BCTC)

Ngoài VNG, ông Trần Ngọc Thái Sơn nhà sáng lập kiêm Tổng Giám sở hữu 20,1% cổ phần Tiki, tương đương khối tài sản gần 121 triệu USD theo định giá trên. 

Các cổ đông nước ngoài hiện đang nắm giữ 49,39% cổ phần Tiki. Một số cổ đông đáng chú ý như JD.Com International (18,15%), Ubiquitous Traders (9,91%),Finup Asia Investment (3,7%), Sumitomo (3,14%), Sparklabs Ventures Ignition (1,23%),…

Trước đó, theo nguồn tin từ DealStreetAsia, Tiki đã huy động được 150-200 triệu USD trong vòng gọi vốn mới nhất vào tháng 5. Thương vụ dự kiến hoàn tất trong vài tháng tới.

Cùng thời điểm này năm 2020, DealStreetAsia cũng đưa tin Tiki được hỗ trợ vốn khoảng 130 triệu USD, số tiền thực tế có thể lên đến 150 triệu USD, dẫn đầu là công ty quỹ tư nhân Northstar Group.

Về tình hình kinh doanh, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt giữa các sàn thương mại điện tử, với các đối thủ như Shopee, Lazada, Sendo..., Tiki vẫn chưa có lãi trong 5 năm trở lại đây và đã lỗ lũy kế gần 1.800 tỷ đồng, tính đến hết năm 2019

Trong nội dung tham luận tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp diễn ra vào ngày 9/5, Tổng giám đốc Tiki Trần Ngọc Thái Sơn cho biết dịch Covid-19 đang khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn và người dân cũng “thắt lưng buộc bụng” nhiều hơn để dự phòng cho những khó khăn trước mắt. Theo đó, ông Sơn đưa ra các kiến nghị để gỡ khó cho doanh nghiệp bán lẻ thương mại điện tử và công nghệ bao gồm mong muốn Nhà nước nới lỏng điều kiện lên sàn chứng khoán.