
Mỹ là một quốc gia hợp chủng quốc, nên những doanh nhân thời kỳ đầu ở Mỹ vẫn giữ ít nhiều bản sắc của dân tộc mình trong lề lối làm ăn. Đôi khi tính dân tộc đó cộng hưởng nhau tạo sức ảnh hưởng lớn đến toàn bộ nền kinh tế Mỹ. Cộng đồng doanh nhân gốc Do Thái là một ví dụ điển hình. Tuy người Do Thái tại Mỹ chiếm thiểu số, chỉ có 5,4 triệu người (chiếm chưa tới 2% dân số Mỹ) nhưng họ đoàn kết rất chặt chẽ, rất giống với các bang hội của người Trung Quốc.
Nếu so sánh với các sắc tộc khác, thì quyền lực mà cộng đồng Do Thái ở Mỹ tạo ra thật “khủng khiếp”. Ước tính khoảng 70% những người có thế lực trong ngành sản xuất phim ảnh của Hollywood là người Do Thái và cũng khoảng 60% đang nắm giữ những ngành quan trọng như ngân hàng, báo chí, chứng khoán… Đặc tính liên kết của họ rất cao, thông qua sự kết nối của các giáo sĩ, tạo ra độ tin cậy nhau cực lớn. Trên hết, người Do Thái rất thông minh, có kỹ năng quản trị nhạy bén và cách xử lý tài chính tài tình. Tôi có thể khẳng định rằng, không có dân tộc nào trên thế giới có thể bắt kịp người Do Thái trong lĩnh vực kinh doanh. Từ một quốc gia mới thành lập và không có tài nguyên thiên nhiên ưu đãi gì vào năm 1949, ngày nay Israel của người Do Thái đã trở thành một quốc gia phát triển kinh tế hàng đầu của thế giới.
Câu chuyện về ông chủ tịch hãng Eisenberg
Câu chuyện về ông chủ tịch hãng Eisenberg nơi tôi làm việc là một minh chứng rõ rệt. May mắn thoát khỏi trại diệt chủng ở Áo năm 1945 khi mới 17 tuổi, ông ta trở về Đức. Chỉ một năm sau, ông quyết định sang Nhật vì nghĩ rằng nơi đây có nhiều cơ hội tiềm năng hơn. Sau chiến tranh, đất nước Nhật điêu tàn, nhưng sự tàn phá đó đem đến cho ông một nguồn lợi rất lớn là kinh doanh sắt vụn. Rồi sau đó, khi chiến tranh Nam - Bắc Triều Tiên vừa chấm dứt, ông ta lại nắm ngay lấy cơ hội đầu tư thứ hai khi nhảy vào Hàn Quốc liên doanh với các công ty mà sau này trở thành các tập đoàn lớn như Hyundai, Samsung, Daewoo… Năm 1975, ông ta tiếp tục sang Bắc Kinh và làm chấn động giới lãnh đạo nơi đây khi đầu tư 200 triệu đô la.
Sau đó, dù các dự án liên doanh 200 triệu này mất trắng, nhưng theo một nguồn tin, ông ta đã kiếm được 1,5 tỷ đô la nhờ bán vũ khí từ Trung Quốc cho Iran, Iraq. Cũng vì chuyện này, công ty của ông đã bị sở Tư Pháp Mỹ điều tra, kết quả là phải đóng cửa các công ty ở Đức, Mỹ. Sau vụ này, ông quyết định ở lại luôn Trung Quốc để tiếp tục nhiều thương vụ làm ăn. Eisenberg có tổng cộng hơn 43 công ty trên toàn thế giới. Tôi làm việc cho họ tới năm 1978, nhưng vẫn nhớ mãi những bài học từ họ đến tận ngày hôm nay.
So sánh với cộng đồng doanh nhân Trung Quốc
Cộng đồng doanh nhân Trung Quốc cũng có 3,8 triệu người ở Mỹ với nhiều đặc tính tương đồng, nhưng thực sự không tạo ra ảnh hưởng bằng cộng đồng Do Thái. Bởi suốt thế kỷ XX, Trung Quốc vẫn còn là một nước nghèo, nhiều khó khăn, những Hoa kiều khi đến Mỹ chỉ làm việc chân tay, buôn bán vặt vãnh... Trong khi đó, câu chuyện về gia đình Rothschild gốc Do Thái hoàn toàn tương phản. Có năm người con, ông bố Rothschild quyết định đầu tư đào tạo tất cả làm ngành ngân hàng. Nhưng ông suy tính, nếu sắp đặt cả năm người vào một nơi thì sẽ không phát huy được hết sức mạnh. Cuối cùng, ông gửi năm con trai đến năm quốc gia khác nhau (Đức, Mỹ, Pháp, Anh và Áo) để làm ăn. Sau này năm người con đã thành công và sở hữu năm ngân hàng lớn nhất ở năm quốc gia có nền kinh tế hàng đầu của thế giới. Làm ở Eisentberg, tôi mới được biết là 30% nợ của chính phủ Trung Quốc ở nước ngoài đều thông qua môi giới từ văn phòng Rothschild Hồng Kông.
Bản tính và cách làm ăn của người Do Thái
Tuy nhiên, bản tính và cách làm ăn của người gốc Do Thái luôn là đề tài gây bàn tán. Nói thẳng ra, dù giàu có đến đâu, người Do Thái vẫn rất keo kiệt, thiên về tiền bạc, lợi ích cá nhân và gia đình, chứ ít thiên về tinh thần xã hội cộng đồng. Ở châu Âu và ngay cả ở Mỹ, dù không bộc lộ nhưng vẫn có xu hướng “bài” Do Thái. Bản thân tôi cũng từng là nạn nhân của một doanh nhân Do Thái. Năm 1996, tôi quen anh bạn Do Thái đúng lúc công ty anh ta đang gặp khủng hoảng, gia đình lại trục trặc vì nguy cơ phá sản. Để giúp đỡ anh ta, tôi mua lại công ty, rồi định sẽ tìm cách bán đi để lấy lại vốn. Theo thỏa thuận, tôi đồng ý trả bằng tiền mặt cộng với cổ phiếu của Hartcourt. Nhưng trong hợp đồng, do luật sư của tôi bất cẩn, không ghi rõ về hình thức trả, đến lúc thanh toán lại rơi vào đúng thời điểm giá cổ phiếu của Hartcourt tăng mạnh.
Thế là anh bạn Do Thái nhất quyết đòi tôi phải trả toàn bộ bằng cổ phiếu. Theo thỏa thuận cũ, giá trị công ty mà tôi mua lại chỉ khoảng 200.000 đô la, nhưng nay đã tăng lên 2 triệu đô la nếu tôi buộc phải trả bằng cổ phiếu Hartcourt. Tôi không đồng ý, thế là anh ta kiện tôi ra tòa. Trước tòa, anh ta rất khôn khéo khi luôn chứng tỏ mình nghèo khó, còn tôi là một ông đại gia ức hiếp người yếu thế. Ngay cả luật sư của anh ta cũng tập trung vào các câu hỏi tôi giàu như thế nào, chi tiêu mua sắm ra sao… Chính vì chiếm được cảm tình từ bồi thẩm đoàn, cùng sơ suất của một hợp đồng không rõ ràng, “người nhận ơn” đã thắng kiện và tôi mất trắng 2 triệu đô la.
TS. Alan Phan, Trích từ sách 42 năm làm ăn tại Mỹ và Trung Quốc (Thuộc Bộ di sản Alan Phan)