Trong bối cảnh các ngân hàng ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong năm 2024, nhiều nhà băng đang chuẩn bị kế hoạch chi cổ tức tiền mặt cho năm 2025. Đáng chú ý, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank) gây ấn tượng với mức cổ tức cao nhất hệ thống lên tới 25%, còn cổ đông Sacombank mòn mỏi.
Mùa đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm nay thu hút sự quan tâm lớn của giới đầu tư, khi mà 24/27 ngân hàng niêm yết đã công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên tính đến ngày 14/4. Trong số đó, có 7 ngân hàng lên kế hoạch chi cổ tức bằng tiền mặt, tương đương số lượng ngân hàng thực hiện hình thức này trong năm trước.
LPBank - Dẫn đầu trong chi trả cổ tức
Ngân hàng LPBank đã đề xuất mức cổ tức tiền mặt lên tới 25%, tương đương gần 7.468 tỷ lợi nhuận dành cho chi trả. Một thông tin đáng chú ý là đây là chiến lược khởi động cho giai đoạn 2025–2028 của ngân hàng, với mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ số một tại khu vực nông thôn và đô thị loại 2, đồng thời nằm trong Top 5 ngân hàng cung cấp dịch vụ ưu tiên tại các đô thị lớn.

Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 LPBank từng thông qua phương án phát hành 800 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và không chia cổ tức trong ba năm liên tiếp nhằm tăng năng lực tài chính. Tuy nhiên, vào tháng 11/2024, đại hội cổ đông bất thường đã hủy kế hoạch này và chuyển hướng sang chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 16,8%, nâng vốn điều lệ lên gần 29.873 tỷ.
-------------
Nhiều ngân hàng khác cũng duy trì mức chia cổ tức ổn định như năm trước. Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) dự kiến chia cổ tức với tỷ lệ 25%, trong đó 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt tương ứng với gần 11.167 tỷ. Dự kiến trong năm 2025, ACB sẽ tiếp tục áp dụng mức cổ tức này, với tổng mức vốn sử dụng cho chi trả là gần 12.842 tỷ.
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng sẽ xem xét phương án chia cổ tức 5% bằng tiền mặt từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối, với dự kiến chi khoảng 3.967 tỷ. Tuy nhiên, so với năm 2024 tỷ lệ cổ tức tiền mặt đã giảm một nửa, khi VPBank chi tới 10% tương đương 7.934 tỷ.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) dự kiến chia cổ tức bằng tiền mặt theo tỷ lệ 5%, tổng số tiền dùng để chia là 2.033 tỷ. Đồng thời, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) sẽ chia cổ tức với tỷ lệ 7% vốn điều lệ, tổng cộng khoảng hơn 2.085 tỷ.
Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cũng đặt kế hoạch sử dụng 21.556 tỷ để chia cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 35%, bao gồm cả cổ tức tiền mặt và cổ tức bằng cổ phiếu. Cụ thể, MB sẽ dành 1.831 tỷ để chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 3% và 19.726 tỷ để chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 32%. So với năm 2024, mức chi năm nay đã tăng gấp đôi.
Điểm đáng chú ý trong mùa cổ tức tiền mặt năm nay là sự tham gia của Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), khi ngân hàng này dự kiến dành hơn 1.726 tỷ để chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 7%. Đây là lần đầu tiên OCB có kế hoạch chia cổ tức tiền mặt kể từ khi lên sàn chứng khoán, trước đó ngân hàng chủ yếu sử dụng phương thức chia cổ tức bằng cổ phiếu hoặc cổ phiếu thưởng để tăng vốn điều lệ.
Mặc dù ghi nhận lợi nhuận đáng kể trong năm 2024, Sacombank vẫn có khả năng không chia cổ tức cho cổ đông do những yếu tố liên quan đến tái cơ cấu và quản lý nợ xấu. Với mục tiêu nâng cao vị thế trên thị trường, ngân hàng này hiện đang phải đối mặt với áp lực lớn từ các cổ đông khi đã chín năm liên tiếp không thực hiện chia cổ tức.
Theo báo cáo tài chính năm 2024, lợi nhuận trước thuế của Sacombank đạt 12.720 tỷ tăng 32,5% so với năm trước đó. Trong năm 2023, ngân hàng này đã ghi nhận lợi nhuận trước thuế là 9.595 tỷ đánh dấu mức tăng trưởng 51% so với năm 2022. Đáng chú ý, trong bối cảnh vốn điều lệ không thay đổi, lợi nhuận của Sacombank đã tăng gấp khoảng 82 lần kể từ khi bắt đầu thực hiện đề án tái cơ cấu.