Thị trường chứng khoán hôm nay (10/5) chứng kiến giao dịch đáng chú ý tại cổ phiếu MSN của CTCP Tập đoàn Masan (Masan Group). Theo đó, đóng cửa phiên chiều, MSN tăng trần (6,95%) lên mức 101.600 đồng/cp với lượng dư mua hàng trăm nghìn đơn vị; riêng MSN giúp Vn-Index tăng 2,076 điểm (theo dữ liệu của VnDirect).

Khối lượng giao dịch khớp lệnh thành công trong ngày đạt hơn 3,9 triệu đơn vị, gấp 1,5 lần so với mức trung bình 10 phiên gần nhất, tương đương giá trị 390 tỷ đồng.

z2481967836637-102baaf75c535762535fdb9061142b43-1620646080.jpg

Cổ phiếu MSN tăng trần trong ngày 10/5 với khối lượng dư mua hàng trăm nghìn đơn vị.

(Ảnh chụp màn hình)

Cổ phiếu MSN bật tăng mạnh mẽ trong bối cảnh xuất hiện tin đồn Tập đoàn Alibaba của Jack Ma rót vốn vào The CrownX, công ty con do Masan sở hữu gián tiếp với tỷ lệ lợi ích kinh tế 84,8%. Cụ thể, Masan Group nắm giữ The CrownX thông qua The SHERPA, công ty con được thành lập vào ngày 12/6/2020.

Nói thêm về The CrownX, công ty này được Masan Group thành lập nhằm hoàn tất việc hợp nhất Vincommerce (VCM) vào tập đoàn và tận dụng thế mạnh là nhà sản xuất có thương hiệu và nhà bán lẻ hàng đầu của Masan Consumer Holdings – công ty quản lý toàn bộ mảng sản xuất kinh doanh hàng tiêu dùng của Masan Group và VinCommerce - đơn vị sở hữu hệ thống VinMart, VinMart+, VinEco.

Theo đó, The CrownX sở hữu 85,71% cổ phần Công ty Masan Consumer Holdings (MCH) và 83,74% cổ phần của Công ty Dịch vụ Thương mại VinCommerce (VCM).

z2481941568718-f0c5d177e06ef9c09f077e33793902d7-1-1620646180.jpg
Tỷ lệ lợi ích của Masan Group tại The CrownX và The SHERPA. (Nguồn: BCTC quý I/2021)

Theo thông tin được Masan Group công bố, ban đầu, Masan Group nắm giữ 70% vốn của The CrownX và phát hành quyền chọn cho các bên bán VCM để nắm giữ tổng cộng 30% cổ phần còn lại trong The CrownX. Các bên bán ở đây gồm Vingroup và các nhà đầu tư khác.

Vào tháng 6 và tháng 8 năm 2020, Masan Group đã thực hiện mua lại 14,8% vốn chủ sở hữu của CrownX từ Vingroup với tổng số tiền 23.692 tỷ đồng. Với số tiền này, định giá công ty The CrownX rơi khoảng 160.081 tỷ đồng, tương đương hơn 6,9 tỷ USD.

Tuy nhiên, giá trị ghi sổ của phần tài sản thuần mà Masan mua lại chỉ ở mức 1.671,9 tỉ đồng. Điều này khiến Masan phải ghi nhận giảm lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tới 22.020,3 tỷ đồng.

Về phía Vingroup, tập đoàn này cho biết đã chuyển nhượng hơn 2 triệu quyền chọn nhận cổ phần tại The CrownX cho một số đối tác trong năm 2020.

Đối với toàn bộ quyền chọn nhận cổ phần còn lại, Vingroup đã chuyển sang cổ phần của The CrownX và bán hơn 4,8 triệu cổ phiếu cho một doanh nghiệp.

Tính đến thời điểm cuối năm, Vingroup đã ký hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng số cổ phần còn lại tại The CrownX với giá gốc hơn 5.538 tỷ đồng cho đối tác, giá trị hợp lý của khoản đầu tư này vẫn đang trong quá trình xác định.

Về tình hình kinh doanh, EBITDA của The CrownX đạt 1.216 tỷ đồng trong quý I/2021, gần gấp đôi so với mức 614 tỷ đồng vào quý 1/2020 nhờ biên EBITDA tăng 510 điểm cơ bản lên 9,7%.

The CrownX đặt mục tiêu đạt doanh thu thuần 8 tỷ USD vào năm 2025, trong đó, Masan Consumer đóng góp 3 tỷ USD và VinCommerce đóng góp 5 tỷ USD. The CrownX hướng đến sở hữu 25 thương hiệu tiêu dùng hàng đầu, phục vụ 30 – 50 triệu khách hàng thân thiết, 10% doanh thu đến từ kênh online.

Về phía Masan Group, kết thúc quý I/2021 với doanh thu tập đoàn đạt 19.977 tỷ đồng, tăng trưởng 13,3%; Lợi nhuận sau thuế 342,7 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 216 tỷ đồng, lãi ròng phân bổ cho cổ đông công ty mẹ đạt 187 tỷ đồng.

Năm 2021, Masan Group đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt từ 92.000 đến 102.000 tỷ đồng (tăng trưởng từ 19% đến 32% so với năm 2020), Lợi nhuận thuần phân bổ cho Cổ đông của Công ty đạt từ 2.500 đến 4.000 tỷ đồng (tăng trưởng 103% đến 224% so với năm 2020).