Phiên giao dịch sáng 26/5 chứng kiến diễn biến đáng chú ý tại cổ phiếu EIB của Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank)
Kết phiên, thị giá EIB tăng trần 6,9%, đạt 28.650 đồng/cp, mức cao nhất kể từ khi cổ phiếu này lên sàn vào tháng 10/2009 (theo giá đã điều chỉnh). Trong vòng 2 tháng qua, giá cổ phiếu EIB đã tăng tổng cộng hơn 50%.
Khối lượng giao dịch trong phiên sáng đạt gần 1,7 triệu đơn vị, tương đương giá trị hơn 46 tỷ đồng. Vào lúc 11h30, EIB vẫn còn dư mua giá trần hơn 1 triệu đơn vị.
Cổ phiếu Eximbank dậy sóng trong bối cảnh xuất hiện nhiều thông tin mới trong cuộc chiến giành quyền kiểm soát ngân hàng. Và khá là bất ngờ khi ‘’lối mở’’ cho cuộc chiến này lại có thể bắt nguồn từ một nhà băng trong nước là VPBank
Theo một số nguồn tin đồn đoán trên thị trường, Công ty Tài chính tiêu dùng SMBC đang đàm phán trở thành đối tác chiến lược của VPBank sau thương vụ mua lại 49% vốn FE Credit.
Thông tin này hoàn toàn có cơ sở khi trong đại hội đồng cổ đông thường niên vừa qua, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị VPBank, thừa nhận room ngoại mới ở mức 20% và ngân hàng tiếp tục đàm phán với các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài để huy động thêm vốn, có thể thực hiện vào cuối năm nay.
Mới đây, VPBank cũng thông báo khóa 'room' ngoại ở mức 15%, so với quy định về giới hạn sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài tại một ngân hàng Việt Nam là 30%. Phần "room ngoại" còn trống, tương ứng 15% vốn điều lệ VPBank, bằng tỷ lệ sở hữu tối đa của một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tại một ngân hàng.
Theo luật định, một tập đoàn tài chính nước ngoài không thể là cổ đông chiến lược lâu dài và quy mô (nắm giữ 15% vốn) cùng lúc tại hai tổ chức tín dụng. Điều đó có nghĩa nếu tham gia đầu tư vào VPBank, SMBC phải thoái vốn khỏi Eximbank
Trong khi đó, SMBC cũng phát tín hiệu ‘’chán nản’’ với Eximbank khi không cử người tham dự đại hội thường niên 2021 của nhà băng này.
Trong trường hợp SMBC “buông tay” Eximbank, nhóm cổ đông nào tiếp quản lượng cổ phần do SMBC để lại sẽ có khả năng giành quyền chi phối nhà băng này khi tỷ lệ sở hữu giữa các ‘’phe’’ hiện tại là ngang ngửa nhau.
Báo Đầu Tư dẫn nguồn tin cho biết nhóm nhà đầu tư nhận chuyển nhượng lại cổ phần từ nhóm nhà đầu tư liên quan đến Ngân hàng TMCP Nam Á hiện đang sở hữu chừng 37-38% cổ phần Eximbank. Còn tỷ lệ cổ phần Eximbank của nhóm nhà đầu tư có liên quan đến một doanh nhân phía Bắc, của nhóm nhà đầu tư liên quan đến bà Ngô Thu Thúy và quỹ VOF do VinaCapital quản lý cùng với một số pháp nhân và thể nhân nước ngoài khác khoảng trên 40%.
Vietcombank nắm giữ 4,82% cổ phần Eximbank và đứng ở vị trí trung lập.
Cũng theo nguồn tin này, đại diện các nhóm nhà đầu tư nội quan tâm đến cổ phần EIB của SMBC đã liên tục có những cuộc tiếp xúc, đánh tiếng về giá cả chuyển nhượng. Ngay cả số cổ phần 4,97% của Quỹ VOF do VinaCapital quản lý cũng được hỏi mua và giá chào mua hiện đã ngang bằng với giá chuyển nhượng 15% cổ phần EIB của SMBC
Nếu SMBC chuyển nhượng vốn tại Eximbank cho nhà đầu tư trong nước, room nước ngoài tại ngân hàng sẽ hở ra một khoảng lớn, tạo sức hấp dẫn đáng kể cho cổ phiếu EIB.
Trong khi đó, ngân hàng này thông báo đã tất toán toàn bộ nợ xấu tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), đủ điều kiện để được Ngân hàng Nhà nước cho phép chia cổ tức bằng cổ phiếu, dự kiến 18% như tài liệu đại hội đồng cổ đông đề xuất.
Năm 2021, Eximbank cũng đặt mục tiêu kinh doanh tham vọng với kế hoạch lãi trước thuế tăng 63%, đạt 2.150 tỷ đồng.
Quy mô tài sản dự kiến tăng 10% so với cuối năm 2020 lên 177.000 tỷ đồng. Ban lãnh đạo ngân hàng đặt kế hoạch huy động vốn 148.000 tỷ đồng, dư nợ tín dụng dự kiến đạt 117.000 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng ở mức 10% và 15% so với mức thực hiện năm 2020.