Khi mà các quốc gia khác trên thế giới vẫn còn đang oằn mình để chống lại cuộc khủng hoảng do SARS-CoV-2 gây ra với rất nhiều hệ lụy khó lường. Việt Nam đã nhanh chóng ổn định tình hình chống dịch để bắt đầu tập trung “xuất binh” trên mặt trận kinh tế, với trọng tâm đáng kỳ vọng nhất chính là ngành du lịch. Đây là thời điểm vô cùng thuận lợi cho “ngành công nghiệp không khói” này trở thành bàn đạp để cất cánh cho cả nền kinh tế.

The Spanish Steps (Italy) trước khi có dịch

...và khi trong dịch Covid-19                                      

(Ảnh: Business Insider)


 Nhận định tình hình hiện tại
Hai bức ảnh Before - After tại điểm du lịch The Spanish Steps (Rome, Italy) phía trên phản ánh rõ rét hậu quả của những “cú đấm” do Covid-19 giáng xuống cho ngành du lịch thế giới. 
Đối với ngành du lịch của Việt Nam, việc phải “bế quan tỏa cảng” trong suốt thời gian dài đã trở nên “thấm đòn”, không chỉ đối với các hãng bán tour du lịch mà còn có các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú, vốn cũng gắn vận mệnh mình với thị trường du lịch và nghỉ dưỡng. Theo báo cáo thống kê của Tổng cục Du lịch cho biết, do tác động của dịch Covid-19, trong 5 tháng đầu năm 2020, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 3,7 triệu lượt, giảm 50% so với cùng kỳ năm 2019. Lượng khách nội địa đạt 16 triệu lượt, giảm 58,5%. Tổng thu du lịch đạt 150.300 tỷ đồng, giảm 47,4%.
Triển vọng hồi phục và phát triển
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia quốc tế, du lịch sẽ là ngành kinh tế có tốc độ hồi phục nhanh nhất sau đại dịch Covid-19. Cụ thể, ông Robert McIntosh - Giám đốc điều hành của CBRE Hotels Asia Pacific nhận xét, với các biện pháp ứng phó có hiệu quả từ sớm của Việt Nam trước đại dịch toàn cầu này, tuy khởi đầu sẽ khiến cho du lịch trở thành ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất, nhưng sau đó chính ngành này lại có tiềm năng phát triển lớn nhất dựa trên môi trường kinh doanh an toàn hơn so với trong các nền kinh tế còn lại.
Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch, Chính phủ đã liên tục có các chính sách hỗ trợ phù hợp ngoài việc đã bảo đảm một môi trường kinh doanh an toàn ở giai đoạn hậu Covid-19 này. Có thể nói, sự giúp đỡ, hỗ trợ từ Nhà nước đối với các doanh nghiệp là không ít, nhằm tháo gỡ nhiều nhất những khó khăn mà cộng đồng kinh doanh gặp phải vào lúc này.
Con đường nào để đạt được mục tiêu
Chúng ta phải thấy rõ ràng một thực tế rằng, khi chúng ta bị “nhấn chìm” trong mớ hỗn độn mà đại dịch này đem đến, thì cả thế giới cũng phải chịu như chúng ta. Nhưng đến thời phút này khi mà phần còn lại của thế giới vẫn còn loay hoay với sự “phá phách” của loài sinh vật có kích thước chỉ vài micromet kia, thì chúng ta đã hoàn thành xong việc đánh bại nó. Lúc mọi người vẫn còn chưa vào đường đua thì chúng ta đã ở vào thế chuẩn bị xuất phát. Nếu không biết nắm bắt, tận dụng thời cơ thì có lẽ không biết khi nào Việt Nam sẽ lại có một cái “may” lớn trong cái “rủi” lớn như thế này được nữa.
Câu hỏi đặt ra là, làm sao để nắm bắt thời cơ ấy. Tôi cho rằng, có thể chia vấn đề ra thành hai góc nhìn chủ quan và khách quan, trong đó yếu tố chủ quan quyết định phần lớn thành công này của chúng ta.
Về mặt khách quan, nhu cầu du lịch hiện tại của đối tượng khách quốc tế đang kèm theo các tiêu chí về sự bảo đảm an toàn cho sức khỏe. Tâm lý đó đang tạo ra cho Việt Nam một lợi thế so sánh vô cùng lớn. Hơn bất cứ quốc gia nào, chỉ nói riêng ở châu Á, Việt Nam chính là nơi có thể đáp ứng tốt nhất điều kiện đó trong khi vẫn làm hài lòng hầu hết các tiêu chí còn lại trong nhu cầu du lịch. Mặt khác, đối với các nền kinh tế khác trên thế giới, để phần nào khắc phục khó khăn do đại dịch gây ra cho ngành du lịch, việc tìm kiếm những điểm sáng trong bức tranh toàn cầu là một trong những giải pháp chủ yếu được tính đến. Việt Nam chính là một lựa chọn lý tưởng hàng đầu cho giải pháp trên. Bởi vậy, ngoài việc đón được một luồng đầu tư lớn đi vào đất nước, các doanh nghiệp Việt cũng phải chuẩn bị cho làn sóng cạnh tranh mới khi sẽ có không ít các doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực du lịch tràn vào Việt Nam với mục tiêu “cắt lỗ” sau thời gian dài bị đình trệ.
Về mặt chủ quan, vấn đề then chốt là thay đổi mindset (tư duy) trong hoạt động kinh doanh ngắn hạn giai đoạn hậu Covid này của các doanh nghiệp. Tốc độ chính là yếu tố quyết định việc chúng ta có chiếm lĩnh được thị trường và nâng tầm quy mô hay không. Hoàn cảnh đặt ra cho các doanh nghiệp muốn tăng tốc là bên cạnh môi trường kinh doanh đã thuận lợi nhờ vào các biện pháp chống dịch hiệu quả, các đường bay nội địa và tuyến xe liên tỉnh đã được khôi phục, thì cách tiếp cận với các gói hỗ trợ từ Chính phủ sẽ được nhận định như thế nào khi các doanh nghiệp hoạch định kế hoạch kinh doanh. Tôi cho rằng, các khoản hỗ trợ nêu trên không nên được cân nhắc như là một phương án chỉ để “bù lỗ”, mà đây nên được xem là một biện pháp để kết hợp với một mô hình kinh doanh mới trong ngắn hạn có sự ưu đãi về giá, chất lượng dịch vụ, cũng như đổi mới loại hình sản phẩm nhằm chủ động thu hút lượng lớn khách du lịch trong nước và quốc tế có nhu cầu, trong lúc các thị trường du lịch xung quanh đang tạm thời “trễ nhịp”. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang có sẵn một lượng du khách quốc tế trong nội địa, do tâm lý bi quan khi nhìn về diễn biến dịch bệnh khó lường ở đất nước mình và niềm tin vào hệ thống đối phó dịch bệnh tại Việt Nam mà họ đã quyết định ở lại. Đây cũng là một đối tượng cần chú ý hướng tới. Lợi ích đạt được không chỉ là là nguồn thu ngoại tệ dồi dào từ khách quốc tế mà còn góp phần kích cầu du lịch trong nước, phần nào hỗ trợ kích cầu trong những thị trường có liên quan.
Trên bình diện khác, các gói hỗ trợ của Chính phủ lại đang không “thấm” đến đa số các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành dịch vụ lữ hành và lưu trú nói riêng. Trong talkshow “Giữa dòng sóng dữ” do Forbes Vietnam tổ chức, Chủ tịch HĐQT Thế Giới Di Động (MWG), ông Nguyễn Đức Tài có được hỏi về việc tại sao không triển khai các hoạt động M&A (mua bán & sáp nhập) ở thời điểm này, có ý kiến cho rằng “mua vào lúc này là có lời nhất”. Tuy nhiên, quyết định của người chèo lái MWG là... “thôi”. Bởi ông Tài cho rằng đây là thời điểm khó khăn, nếu lợi dụng để mua rẻ thì không ổn, “thất đức quá” nên không làm. Thay vào đó, chiến lược của MWG sẽ là “hà hơi tiếp sức” cho các doanh nghiệp có khả năng trở thành “xương sống” của công ty trong mảng phụ trợ. Đó chính là góc nhìn đầu tư. Điều đó không những giúp cho MWG có thể tiến xa hơn sau này khi đã thiết lập được mạng lưới thông qua đầu tư mà còn có được uy tín nhờ chiến thắng trên mặt trận “tình cảm”, vì đây chính là lúc mà “đồng tiền có ý nghĩa giúp họ sống sót”. Đó phải chăng cũng là một hình thức M&A mới của thời kỳ hậu Covid-19 – M&A về nguồn lực. Nêu ra trường hợp của MWG để thấy được cần thiết phải có một sự thay đổi nữa rất quan trọng, đó là về thái độ của các doanh nghiệp trước các “đối thủ” của mình. Liệu đây có phải là lúc thích hợp để bỏ mặc họ, để họ “không đánh mà tự chết” hay không, bởi gói hỗ trợ đang không “thấm” tới? Câu trả lời là hoàn toàn không nên! Như đã nói, lúc này chính là thời điểm có khả năng rất cao các doanh nghiệp lớn của nước ngoài tràn vào Việt Nam để mở rộng thị trường và giảm thiểu lỗ, trong khi các doanh nghiệp Việt lại đang rệu rã bước ra khỏi đại dịch. Nếu các doanh nghiệp của Việt Nam không ý thức được để thay đổi một thái độ rất khác, gắn kết với nhau để chia sẻ những giá trị và lợi ích chung nhằm tạo thành một hệ thống có tổ chức, vững chắc và mạnh mẽ, thì rất dễ dàng đánh mất thị phần vào tay các “ông lớn” vốn đang dồn nhiều nguồn lực để đạt được mục tiêu kép đã đề cập.
Qua đó có thể nói, một lối mở mới để ngành du lịch Việt Nam chuyển mình trước một thế giới mới sau khi cơn lốc mang tên “Covid-19” đã đi qua, chính là một mô hình kinh doanh mới, thái độ mới trong một “trạng thái bình thường mới”.
Cơ hội trở thành điểm tựa của nền kinh tế
Sản phẩm du lịch mang tính liên ngành, có mối quan hệ đến nhiều khu vực khác trong nền kinh tế. Nhu cầu của du khách bên cạnh việc tiêu dùng các hàng hoá thông thường còn có những nhu cầu tiêu dùng đặc biệt: nhu cầu nâng cao kiến thức, học hỏi, vãn cảnh, chữa bệnh, nghỉ ngơi, thư giãn…. Thu hút được nhiều khách du lịch, tức là tăng được đáng kể lượng cầu về hàng hóa và dịch vụ. Ngoài ra, ngành du lịch cũng góp phần lớn giải quyết vấn đề việc làm, giảm bớt gánh nặng về thất nghiệp cho đất nước, đặc biệt là trong thời điểm này, bởi đây là ngành cần một lượng lớn lao động. Với những điểm đáng lưu ý đó, du lịch sẽ không chỉ là “cứu cánh” mà còn giúp cất cánh cho cả nền kinh tế.
Sau thời gian dài “chống dịch như chống giặc”, với một môi trường được đánh giá là an toàn nhất trên thế giới đến thời điểm này, cộng với việc chủ động cân nhắc các yếu tố khách quan và chủ quan, vĩ mô và vi mô thì con đường phía trước cho các doanh nghiệp kinh doanh trong những lĩnh vực liên quan đến du lịch đã thực sự thông thoáng, việc cần làm là phải biết tăng tốc một cách hiệu quả nhất, tranh thủ thời cơ để nhanh chóng “vượt vũ môn” và “hóa rồng”!