Ngày 14/2, Sacombank (HoSE: STB) có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD) và Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM. Sacombank đề nghị VSD thực hiện kiểm soát và quản lý tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (room ngoại) đối với cổ phiếu STB theo đúng với thông báo ngày 19/9/2016 của VSD là 23,6%.

Sacombank cho biết từ tháng 11/2015, ngân hàng được VSD cấp giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán đối với 400 triệu cổ phiếu phát hành do sáp nhập Ngân hàng TMCP Phương Nam vào Sacombank, theo đó lượng cổ phiếu tăng từ 1,48 tỷ lên 1,88 tỷ cổ phiếu.

Do phát sinh việc niêm yết bổ sung 400 triệu cổ phiếu trên, VSD đã có thông báo từ ngày 19/9/2016 tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu STB là 23,63468% trên tổng số cổ phiếu niêm yết sau sáp nhập là 1,88 tỷ cổ phiếu.

Phía ngân hàng cho biết từ ngày thông báo nêu trên, Sacombank chưa có bất kỳ văn bản đề nghị VSD tăng tỷ lệ room ngoại lên 30% khi chưa được sự chấp thuận của ĐHĐCĐ Sacombank.

Tuy nhiên, theo thông tin về số liệu sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài do VSD cung cấp, tại ngày 15/2, nhà đầu tư nước ngoài đã sở hữu hơn 565,5 triệu cổ phiếu STB, chiếm 29,93% tổng số cổ phiếu niêm yết của ngân hàng.

Sacombank cũng cho biết, trong thời gian tới, tùy theo nhu cầu thực tế, ngân hàng sẽ xin ý kiến ĐHĐCĐ để tăng tỷ lệ room ngoại vào thời điểm phù hợp và sẽ thực hiện các thủ tục theo đúng quy định.

room-ngoai-o-stb-1676513795.jpg
 

Cổ phiếu STB liên tục là cổ phiếu ngân hàng được khối ngoại mua ròng nhiều nhất kể từ giữa tháng 11/2022 đến nay. Mức trần room ngoại tại nhà băng này trước đó được cho là 30%.

Sau khi khối ngoại miệt mài mua ròng cổ phiếu STB của Sacombank trong phiên ngày 9/2, nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên sát 30% thì Sacombank lại có động thái bất ngờ trên.

Trong đó, nhóm quỹ Dragon Capital đã mua ròng 5,11 triệu cổ phiếu Sacombank, nâng lượng sở hữu lên hơn 99 triệu đơn vị, tương đương 5,2534% vốn điều lệ và trở thành cổ đông lớn duy nhất của ngân hàng này.

Tuy nhiên, sau thông tin phát đi từ Sacombank, cổ phiếu STB đã quay đầu lao dốc, có lúc xuống chỉ còn 22.900 đồng/cổ phiếu, suýt chạm sàn. Chốt phiên ngày 15/2, cổ phiếu STB giảm 4,3% về 23.350 đồng/cổ phiếu, trở thành cổ phiếu ảnh hưởng tiêu cực nhất trên sàn chứng khoán. Cổ phiếu STB khớp lệnh hơn 33,3 triệu cổ phiếu. Khối ngoại bán ròng hơn 7,5 triệu cổ phiếu tương đương gần 178 tỷ đồng.

Đóng cửa phiên 15/2, cổ phiếu STB có giá 23.350 đồng/cổ phiếu, tăng 3,7% so với đầu năm. Khối lượng giao dịch bình quân/ngày từ đầu năm đến nay ở mức 17,7 triệu cổ phiếu.

Tại phiên 15/2, khối ngoại bán ròng gần 7,5 triệu cổ phiếu STB, với giá trị đạt 176,9 tỷ đồng, tương đương giá bình quân 23.680 đồng/cổ phiếu. Tính đến 15/2, nhà đầu tư nước ngoài đang nắm hơn 565,5 triệu cổ phiếu STB, tương đương 29,95% cổ phần.

Tính từ đầu năm, cổ phiếu STB được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng hơn 40,5 triệu đơn vị, tổng giá trị đạt 1.024 tỷ đồng. Tại phiên 9/2, cổ phiếu STB được khối ngoại mua ròng nhiều nhất kể từ đầu năm với khối lượng hơn 11,3 triệu cổ phiếu với giá trị 284,3 tỷ đồng.

Về kết quả kinh doanh, lợi nhuận trước thuế năm 2022 của ngân hàng đạt 6.339 tỷ đồng, tăng 44% so với năm 2021 và vượt 20% kế hoạch năm qua.

Tính đến 31/12/2022, tổng tài sản đạt gần 592.000 tỷ đồng, tăng 13,6% so với cuối năm 2021. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 13,1% đạt hơn 438.600 tỷ đồng. Số dư tiền gửi khách hàng tăng 6,4% đạt 454.740 tỷ đồng. Số dư nợ xấu của ngân hàng giảm 24,9% còn 4.299 tỷ đồng, đưa tỷ lệ nợ xấu từ 1,47% về 0,98%.