316692656-5680583245362453-4641348993877601260-n-1669177073.jpg
 

Bà ngoại: Hôm trước thằng Ba nói, chứng chỉ quỹ đầu tư trái phiếu thì lãi suất khá ổn định, rủi ro thấp hơn trái phiếu, mà nay sao Chứng chỉ Quỹ Đầu Tư Trái Phiếu rớt giá dữ vậy? Mấy đứa nhỏ hàng xóm Ngoại tranh nhau đi rút ầm ầm.

Chú Ba: Dạ. Nói theo ngôn ngữ teen, thì đây là một câu chuyện dài.

Bà Ngoại: Ngoại rảnh mà. Thằng Ba cứ kể từ từ nhen. Bà Hằng livestream dài mút mùa, Ngoại còn theo dõi được mà.

Chú Ba: Hôm trước cháu có nói, khi lãi suất tăng thì giá trái phiếu giảm. Ngoại còn nhớ không?

Bà Ngoại: Ngoại nhớ luôn cái ví dụ thằng Ba dùng để giải thích. Trái phiếu mệnh giá 100 triệu, lãi suất coupon 9%/năm, thời hạn: 3 năm. Bây giờ lãi suất cao hơn 9%/năm, thì những người đang nắm giữ trái phiếu lãi suất 9%/năm bị thiệt thòi, họ sẽ có xu hướng bán ra để mua trái phiếu mới có lãi suất cao hơn. Do đó giá của trái phiếu lãi suất 9%/năm phải giảm.

Chú Ba: Dạ. Ngoại quá dữ, nói đúng ý chính rồi. Lãi suất giảm thì giá trái phiếu tăng, và ngược lại lãi suất tăng thì giá trái phiếu giảm.

Nhưng giá trái phiếu bị giảm do lãi suất thì không nhiều, chỉ vài phần trăm thôi.

Bà Ngoại: Vậy lý do nào làm cho trái phiếu giảm mạnh đến mấy chục phần trăm vậy.

Chú Ba: Dạ, do tâm lý của nhà đầu tư.

Nhà đầu tư nghe vụ trái phiếu An đông, rồi hàng loạt trái phiếu do các doanh nghiệp không tên tuổi phát hành không đúng chuẩn (phát hành riêng lẻ, nhưng lại bán ra cho công chúng) …nên hoảng sợ. Họ lo lắng chứng chỉ quỹ trái phiếu của họ cũng bị dính các trái phiếu này, sẽ giảm giá, nên họ bán lại chứng chỉ quỹ đầu tư cho quỹ để rút tiền ra.

Bà Ngoại: Hôm trước thằng Ba nói, Quỹ đầu tư trái phiếu thì được Ủy Ban Chứng Khoán quản lý, rồi có ngân hàng quản trị, giám sát, lưu ký … chặt chẽ lắm. Sao lại dính vào mấy cái trái phiếu lừa đảo, trái phiếu dỏm đó.

Chú Ba: Dạ, ngoại quá thuộc bài. QĐT không bị dính các trái phiếu lừa đảo, trái phiếu rác đó. Theo luật báo cáo v thực tế, thì hơn 90% tiền của quỹ đầu tư trái phiếu được sử dụng để mua trái phiếu niêm yết. Tức là các trái phiếu đạt tiêu chuẩn phát hành công chúng, và được niêm yết trên sàn chứng khoán Hà Nội (HNX)

Bà Ngoại: À, ngoại nhớ rồi. Hình như tụi nhỏ lo là các quỹ đầu tư trái phiếu đang nắm nhiều trái phiếu của các tập đoàn lớn, nhưng đang vướng tin đồn.

Chú Ba: Đúng là tình hình kinh doanh, dòng tiền của các tập đoàn khó khăn. Nhưng cháu nghĩ xác suất không thanh toán tiền lãi (coupone) và nợ gốc (mệnh giá) trái phiếu của các doanh nghiệp này là khá thấp. Chưa kể đa số trái phiếu là có tài sản đảm bảo.

Bà Ngoại: Nhưng mấy đứa nhỏ hàng xóm ngoại thì đâu có hiểu biết nhiều. Nghe đồn qua đồn lại thì đi bán lại chứng chỉ quỹ để cầm tiền trên tay, gởi ngân hàng cho chắc.

Chú Ba: Dạ, vì nhà đầu tư bán lại chứng chỉ quỹ (CCQ), nên quỹ cần tiền mặt để mua lại CCQ . Quỹ phải bán ra trái phiếu. Lượng cung trái phiếu nhiều, lượng cầu thấp thì giá thị trường của trái phiếu bị giảm mạnh. Có trái phiếu bị giảm đến 30% - 40%.

Bà Ngoại: Ngoại nghe nói, giá của chứng chỉ quỹ đầu tư trái phiếu cũng giảm mạnh theo.

Chú Ba: Dạ đúng rồi. Tài sản của quỹ là trái phiếu. Bây giờ giá thị trường của trái phiếu giảm, thì quỹ phải dùng giá đó để hạch toán vào giá trị tài sản ròng (NAV – Net Asset Value). Ví dụ Ngoại năm 10 cái trái phiếu giá 100 đồng, NAV = 1,000 đồng. Bây giờ giá thị trường của trái phiếu còn 55 đồng, thì NAV của Ngoại chỉ còn = 550 đồng.

Bà Ngoại: Nhưng Quỹ lại khẳng định Giá trị thực của Quỹ cao hơn Giá trị tài sản ròng.

Chú Ba: Dạ, cái này quỹ nói đúng. Ngoại còn nhớ khái niệm giá trị thực không?

Bà Ngoại: Nhớ chứ thằng Ba. Giá trị thực của 1 tài sản là giá trị hiện tại của các dòng tiền do tài sản đó tạo ra trong tương lai

Chú Ba: Dạ, ngoại nói quá đúng. Đối với doanh nghiệp / cổ phiếu thì phải dư đoán dòng tiền lợi nhuận. Còn đối với trái phiếu thì tính giá trị thực dễ hơn nhiều vì trái phiếu là nghĩa vụ mà doanh nghiệp phải cam kết.

Dòng tiền tương lai của trái phiếu sẽ là tiền lãi định kỳ (coupon), và tiền gốc (mệnh giá). Chiết khấu những dòng tiền này về hiện tại, cộng lại thì thành giá trị thực.

Trong thông báo của 1 số quỹ đầu tư, có minh họa tính toán giá trị thực của quỹ trái phiếu. Theo đó thì giá trị thực cao hơn nhiều so với giá trị tài sản ròng (NAV). Có quỹ cao gấp đôi.

Bà Ngoại: Vậy nếu rút bây giờ thì bị lỗ nhiều hả thằng Ba?

Chú Ba: Dạ đúng. Rút thì được tính theo giá trị tài sản ròng. Còn nắm giữ thì được hưởng giá trị thực. Rút bây giờ Nhà đầu tư bị lỗ từ 30% - 50%, so với giá trị thực, tùy CCQĐT.

Bà Ngoại: Mà dân vẫn rút kiểu như hồi họ nghe tin SCB thì đến rút tiền gởi ra vậy.

Chú Ba: Nhiều khách hàng đồng thời rút tiền gởi thì gọi là Bank run. Còn nhiều nhà đầu tư đồng loạt bán CCQ thì gọi là Fund run.

Xảy ra Fund run, thì ai cũng bị thiệt, mà nhà đầu tư là người bị thiệt thòi lớn nhất. Càng rút thì quỹ bán ra trái phiếu càng nhiều, giá trái phiếu càng giảm, dẫn đến giá chứng chỉ quỹ càng giảm, rồi lại càng rút. Nó cứ như 1 vòng xoáy.

Bà Ngoại: Vậy các quỹ phải làm gì.

Chú Ba: Hiện tại các quỹ đang học theo bài của nước ngoài trong những trường hợp tương tự là giảm mua, dừng mua để các nhà đầu tư bình tĩnh lại. Vấn đề là phải vấn dụng cho đúng luật. Vì trước đó Quỹ cam kết với NĐT mua lại chứng chỉ quỹ bất cứ lúc nào.

Đây là những trường hợp rất đặc biệt, rất nhạy cảm. Nhưng cháu tin là mọi chuyện rồi sẽ ổn.

Bà Ngoại: Ngoại hiểu rồi. Để Ngoại giải thích lại cho mấy đứa nhỏ hàng xóm. Cám ơn thằng Ba.

Chú Ba: Dạ cám ơn Ngoại. Giúp Ngoại và mấy bạn nhỏ hiểu về tài chính là cháu vui rồi. Dạ, cháu hẹn gặp Ngoại hôm sau nhen.

Chú Ba tài chính Lâm Minh Chánh