Thị trường bất động sản đang rơi vào trầm lắng do khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Ông Huy lên tiếng về những thông tin đồn thổi vừa qua và cho rằng thị trường bất động sản (BĐS) đã rơi vào giai đoạn trầm lắng, doanh nghiệp (DN) BĐS phải tái cơ cấu để vượt qua giai đoạn khó. Ông cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, chỉ đạo cụ thể để cho khách hàng, những nhà đầu tư, nhà phát triển BĐS cũng như những nhà đầu tư thứ cấp tiếp cận, sử dụng được nguồn vốn tín dụng, giúp thị trường ấm lên.
"Bóng tối sẽ ngả về phía sau bạn"
* Trong giai đoạn khó khăn chung của thị trường BĐS, Novaland cũng không tránh khỏi khó khăn, đang buộc phải có sự thay đổi?
- Thị trường hiện nay diễn biến theo hướng không thuận lợi cho nhiều ngành, đặc biệt là ngành BĐS với khó khăn hàng đầu là siết tín dụng đối với người mua nhà và rất khó để các nhà phát triển BĐS tiếp cận các nguồn vốn. Do đó, Novaland cũng không tránh khỏi sự ảnh hưởng chung của thị trường. Tuy nhiên, lúc này tôi nhớ đến một câu châm ngôn: "Hãy hướng về phía mặt trời, bóng tối sẽ ngả về phía sau bạn".
Tập thể DN chúng tôi phải đối diện với sự thật và có những sự điều chỉnh. Cụ thể, tại thời điểm này, Novaland sẽ tái cấu trúc, rà soát lại tất cả các hoạt động kinh doanh. Chúng tôi sẽ tập trung vào kinh doanh lõi là đầu tư, phát triển BĐS. Chúng tôi cũng sẽ tiết giảm chi phí nhằm tạo ra các sản phẩm phù hợp với diễn biến hiện tại, nhằm tối ưu hóa lợi nhuận cho khách hàng.
Về góc độ công ty, chúng tôi phải ngồi lại với nhau để phân chia, bố trí nhân lực sao cho hợp lý. Đối với cấu trúc nhân sự trong công ty thì thời điểm này chúng tôi hướng đến sự kiêm nhiệm, đa nhiệm nhiều hơn. Bây giờ, chúng tôi cũng tạm hoãn đầu tư các dự án chưa triển khai, chờ thời điểm phù hợp hơn.
* Thời gian qua có thông tin Novaland cắt giảm lượng lớn nhân sự. Thực tế thế nào, thưa ông?
- Với những dự án chuẩn bị tung ra trong năm sau và năm sau nữa, hiện chúng tôi đã có lực lượng nhân sự rồi bởi nhân sự sẽ đi theo dự án. Do đó, chúng tôi quyết định tạm dừng nhân sự cho các dự án mà chúng tôi quyết định chuyển chiến lược phát triển sau này. Đây là giải pháp tình thế để giải quyết những việc trước mắt.
Trong xây dựng, có rất nhiều hạng mục mà năm vừa rồi chúng tôi đã đầu tư khá nhiều, vượt tiến độ rất xa. Buộc chúng tôi phải điều tiết cho vừa đủ, vừa đúng và phù hợp với thị trường hiện tại.
Ông Bùi Xuân Huy - Ảnh: Q.ĐỊNH
Bước vào giai đoạn nghe ngóng, chờ đợi
* Sức mua của khách hàng có lao dốc trong thời gian qua không, thưa ông?
- Sức mua cũng có giảm nên đây là lý do buộc chúng tôi phải điều tiết lại tiến độ xây dựng. Lúc trước mình cứ muốn làm nhiều hơn, nhanh hơn để mong sớm hình thành một đô thị hoàn chỉnh, nhiều tiện ích trong mỗi giai đoạn. Có nhiều cái chúng tôi đi trước tiến độ, bây giờ mình xem xét kỹ lưỡng lại, điều tiết để tập trung vào những chỗ mình cần phát triển.
Khó mà xác định sức mua giảm bao nhiêu phần trăm so với trước. Hiện mọi người đang trong giai đoạn nghe ngóng, gần như thị trường đang "đóng băng". Không phải tất tần tật khách hàng đều thiếu vốn mà họ đang chờ, nghe ngóng nên rất khó xác định bao nhiêu phần trăm bị ảnh hưởng bởi việc siết tín dụng.
* Đứng ở người dẫn dắt, lèo lái con thuyền DN khi mà thị trường đang gặp khó, ông là thuyền trưởng ông có thấy lo không?
- Cũng lo chứ. Như tôi đã nói, những giải pháp đã đưa ra chỉ là tình thế, mang tính thời điểm. Còn hiện nay cần nỗ lực của cả con người và bộ máy để giữ cam kết với khách hàng, giữ các công trường hoạt động, giữ thị trường... Với bối cảnh khó khăn toàn diện chưa từng có tiền lệ trên thị trường như hiện nay, chúng tôi đang nỗ lực hết sức mình và tập trung cao độ vào hiệu quả kinh doanh cốt lõi nhằm đảm bảo quyền lợi cho các khách hàng của mình.
Khó khăn nhưng chúng tôi đang suy nghĩ rất tích cực, mình cứ đối diện với sự thật, mình tìm ra những biện pháp, chiến lược nào đó cho phù hợp nhất. Chúng tôi cố gắng làm sao vẫn duy trì được, ít nhất mục tiêu là cam kết giao nhà, về chất lượng, tiến độ thi công vẫn đảm bảo.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản phải điều tiết lại tiến độ xây dựng do sức mua giảm - Ảnh: Q.ĐỊNH
Phải cùng nhau vượt sóng
* Cơn khát tín dụng đã ảnh hưởng đến người mua nhà ở tất cả các phân khúc. Ở góc độ DN lớn phát triển BĐS, theo ông, cần làm gì để thị trường không suy giảm?
- Chúng tôi mong muốn Ngân hàng Nhà nước có sự nghiên cứu, chỉ đạo cụ thể để cho khách hàng, những nhà đầu tư, nhà phát triển BĐS cũng như những nhà đầu tư thứ cấp tiếp cận, sử dụng được nguồn vốn tín dụng.
Một trong những giải pháp hiện nay là tạo điều kiện cho những chủ đầu tư lớn, những dự án đã được thẩm định, được duyệt thì cần có sự cởi mở hơn trong việc tiếp cận tín dụng, giúp cho thị trường BĐS ấm hơn.
* Ở TP.HCM cũng còn nhiều dự án BĐS ách tắc, ngưng trệ do cơ chế. Cần làm gì để đẩy nhanh tiến độ các dự án?
- Mỗi người một tay thôi, ai đang nắm nhiệm vụ, lĩnh vực nào đó thì cứ làm tốt nhiệm vụ của mình cái đã. Giống như chúng tôi đầu tư, phát triển BĐS thì cứ làm tốt, còn những bộ phận khác sẽ bổ trợ. Nói chung cứ mỗi người một tay cũng sẽ tháo gỡ được những khó khăn. Những khó khăn hiện nay không thể đổ dồn cho một ai hay một số đơn vị mà gỡ vướng được.
* Nhiều nhà đầu tư nghe ngóng. Ông chia sẻ gì với họ, với khách hàng trong giai đoạn hiện nay?
- Tôi nghĩ rằng mọi người nên linh hoạt thích ứng với thời điểm này để cùng suy nghĩ sáng suốt, cùng nhau vượt qua. Việc này không phải là một DN nào đó hay một tổ chức nào đó tự làm được đâu. Ở đây cả một thị trường phải đồng lòng, thấu hiểu và cùng nhau vượt sóng.
"Đau lắm"
* Để đưa ra quyết định tái cơ cấu nhân sự, chắc hẳn ông và những người điều hành rất đắn đo?
Ông BÙI XUÂN HUY: Đau lắm. Tập đoàn có lúc lên đến hàng ngàn con người, đằng sau đó còn bao nhiêu gia đình. Do đó, vì tình hình trước mắt, vì chuyện cam kết với khách hàng mà chúng tôi phải điều tiết cho phù hợp với thị trường. Tất nhiên khi nhỏ gọn lại thì ít người đi, mọi người đều sẵn sàng choàng gánh công việc, sẵn sàng làm thêm.
Thời điểm này, tôi cũng đến từng phòng để coi tình hình anh em như thế nào, anh em rất ý thức, dù cực hơn, nhiều việc hơn nhưng ai cũng đoàn kết vượt qua khó khăn. Lúc này mà không nghĩ đến sự phát triển chung thì rất khó...
* Ông Nguyễn Chí Thanh (phó chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam):
Nhiều DN phải xoay xở để sống sót qua 31-12
Giờ đã quý 4 rồi, hầu hết các ngân hàng đã chạy hết hạn mức (room) tín dụng, chỉ một số ngân hàng được tăng room có thể tiếp tục cho vay. Vẫn có số ít dự án vay được vốn từ ngân hàng còn room tín dụng. Nhưng thực tế trên thị trường hiện nay đang có những chủ đầu tư không may mắn, không tiếp cận được vốn. Bài toán dòng tiền với BĐS cực kỳ quan trọng. Nhiều "ông" có thể chết trên đống tài sản. Dự án đang chạy thì cần được "bơm vốn" như vậy người dân mới dám bỏ tiền vào mua nhà. Nhiều DN làm tốt nhưng dòng tiền yếu nên gặp khó khăn.
Để có vốn trong những tháng cuối năm này, rất nhiều DN phải vay với lãi suất rất cao, thậm chí 20 - 30%/năm cũng phải vay. Qua thời điểm 31-12 khi ngân hàng có room tín dụng mới, họ sẽ phải điều chỉnh lại cơ cấu khoản vay. Nhưng từ nay đến 31-12 thì DN bằng mọi giá phải sống đã.
Hàng tồn BĐS trên thị trường chiếm tỉ lệ thấp nhưng cũng không phải là nhỏ. Các chủ dự án BĐS phải xem lại giá bán quá cao hiện nay. Phải điều chỉnh giảm giá bán xuống để tăng khả năng hấp thụ.
B.NGỌC
* Ông Lê Hoàng Châu (chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM):
DN phải đối diện khó khăn cả pháp lý lẫn vốn
Từ đầu năm đến nay, thị trường BĐS vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân bắt nguồn từ một số vướng mắc về thể chế pháp luật và khâu thực thi pháp luật. Điều này thể hiện qua việc hơn 100 dự án BĐS, nhà ở thương mại của hơn 80 DN dừng triển khai thực hiện, trong đó có 64 dự án sử dụng đất có nguồn gốc đất công hoặc do cổ phần hóa trước đây. Thị trường cũng xuất hiện dấu hiệu "lệch pha tín dụng" khi người mua nhà và nhà đầu tư thứ cấp khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, mà nếu được vay thì phải chịu lãi vay cao.
Đặc biệt, DN BĐS và nhà đầu tư có thể ngày càng khó tiếp cận nguồn vốn trái phiếu DN riêng lẻ. Cụ thể, trong tám tháng đầu năm, nhóm DN BĐS chỉ phát hành trái phiếu DN riêng lẻ đạt giá trị hơn 47.000 tỉ đồng, giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2021. Có thể từ nay đến năm 2023, một số DN có nhu cầu huy động vốn trái phiếu nhưng chưa thể đáp ứng được ngay.
Chúng tôi kiến nghị cần tạo điều kiện cho các chủ đầu tư, người mua nhà và nhà đầu tư thứ cấp trên thị trường BĐS tiếp tục được tiếp cận nguồn vốn tín dụng đối với các dự án BĐS, khu đô thị, nhà ở thương mại, khu du lịch nghỉ dưỡng, khu công nghiệp, văn phòng cho thuê... của các chủ đầu tư có uy tín thương hiệu và đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, nhất là các dự án nhà ở giá vừa túi tiền và các dự án nhà ở xã hội...
* Ông Ngô Quang Phúc (tổng giám đốc Phú Đông Group):
Xem xét tháo gỡ 3 điểm nghẽn
Hiện các DN BĐS đang gặp ba khó khăn chính, thứ nhất đó là pháp lý, thứ hai về quy hoạch và thứ ba là vốn. Về pháp lý, chúng ta đã nói nhiều, các cơ quan chức năng cũng đã lắng nghe, nhưng theo tôi, cần có thời gian để điều chỉnh, không thể trong ngắn hạn giải quyết được.
Thứ hai, về mặt quỹ đất thì phần lớn các DN đều gặp khó và muốn tạo ra quỹ đất thì phải có quy hoạch. Một miếng đất mà không có quy hoạch thì DN không thể làm được gì, trong khi quy hoạch nằm trong tay Nhà nước. Do đó, Nhà nước có thể hỗ trợ bằng cách công tác quy hoạch phải thực hiện một cách kịp thời để tạo ra quỹ đất, tạo ra bộ mặt của đô thị, giúp các DN có điều kiện chọn được những quỹ đất để phát triển dự án. Nhất là đối với các dự án nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội hoặc cho người có thu nhập trung bình thì Nhà nước nên tạo lập quỹ đất và đấu giá cho DN làm, còn hiện nay để DN đi tìm quỹ đất, đền bù, giải tỏa rồi bán ra giá rẻ thì vô lý vì khó mà làm được.
Thứ ba, không phải vì một vài DN làm sai mà cắt đi nguồn tín dụng cho cả ngành BĐS bởi thị trường có nhiều phân khúc khác nhau, dành cho những đối tượng, nhu cầu khác nhau. Nếu "bóp nghẹt" một cách đại trà tất cả các DN thì không nên bởi vẫn có những DN hướng đến nhu cầu ở thực cho những người có thu nhập trung bình.
Thủ tướng cũng nói cung cấp tín dụng cho những DN có năng lực, đầu tư sản phẩm thị trường cần, tạo lập nguồn cung thì phải ủng hộ những DN này. Do đó, cần phải đánh giá lại các DN, ai tạo ra những sản phẩm phù hợp, cần cho thị trường thì phải ưu tiên về tín dụng để tạo nguồn cung cho thị trường, tạo ra dòng tiền và kéo theo sự phát triển của hàng chục ngành nghề khác.
nhadat.tuoitre.vn/chu-tich-novaland-noi-ve-nhung-kho-khan-cua-thi-truong-bat-dong-san-