Một trong những chủ đề thu hút nhiều sự quan tâm là việc Hóa chất Đức Giang tham gia vào lĩnh vực bất động sản với dự án 1.000 căn hộ chung cư và 60 căn nhà liền kề tại Long Biên, Hà Nội. Trả lời thắc mắc, Chủ tịch HĐQT Đào Hữu Huyền nhấn mạnh rằng công ty không có ý định "lao vào" bất động sản mà chỉ tận dụng quỹ đất có sẵn.
"Cả Việt Nam mà đổ xô làm bất động sản thì không biết đất nước đi về đâu. Chúng tôi muốn tập trung vào làm sản xuất", ông Huyền khẳng định.
Ông Đào Hữu Huyền - Chủ tịch Hoá chất Đức Giang - trả lời các câu hỏi của cổ đông sáng 31/3.
Ông cũng tiết lộ, có nhiều lời khuyên rằng công ty nên đầu tư vào chứng khoán, Bitcoin hay các doanh nghiệp khác, nhưng lãnh đạo Hóa chất Đức Giang vẫn kiên định với ngành hóa chất, tránh rủi ro khi mở rộng sang lĩnh vực mới.
Công ty đã chờ đợi 5 năm để được cấp phép dự án bất động sản này. Với mức giá bán dự kiến 40 triệu đồng/m2 chung cư và 100 triệu đồng/m2 nhà liền kề, dự án có thể mang về doanh thu khoảng 5.000 tỷ đồng, với lợi nhuận dự kiến 1.000 tỷ đồng. Hóa chất Đức Giang kỳ vọng sẽ được phê duyệt chủ trương đầu tư trong tháng 6.
Ngoài ra, công ty con - CTCP Ắc quy Tia Sáng cũng có khoảng 3 ha đất tại quận An Dương, TP Hải Phòng, dự định phát triển khu chung cư phục vụ cán bộ công nhân viên.
Mảng sản xuất vẫn là trọng tâm, đặt kỳ vọng lớn vào Xút NaOH
Bên cạnh bất động sản, cổ đông cũng đặt nhiều câu hỏi về dự án sản xuất Xút NaOH tại Nghi Sơn, Thanh Hóa. Khi đi vào hoạt động, Hóa chất Đức Giang sẽ trở thành đơn vị cung cấp Xút lớn nhất thị trường với sản lượng 50.000 tấn/năm. PVChem - công ty con của PVN - đã cam kết tiêu thụ 30% sản lượng này.
Dự án, được khởi công từ tháng 2 trên diện tích 30 ha với tổng vốn đầu tư 2.400 tỷ đồng, sẽ hoạt động giai đoạn một từ quý II/2026. Giai đoạn hai dự kiến hoàn thành năm 2027, giúp công ty cạnh tranh trực tiếp với Vinachem.
Khoản đầu tư vào Ắc quy Tia Sáng: Rủi ro thấp, kỳ vọng mở rộng sang pin lithium
Một cổ đông bày tỏ lo ngại rằng việc đầu tư vào Ắc quy Tia Sáng có thể gây thua lỗ, nhưng ông Đào Hữu Huyền trấn an rằng công ty con này tuy chỉ lãi 6-7 tỷ đồng/năm, nhưng số vốn đầu tư hơn trăm tỷ đồng có rủi ro thấp và khả năng hồi vốn cao.
"Chúng tôi đầu tư vào Ắc quy Tia Sáng với tham vọng mở rộng sang sản xuất pin, đặc biệt là pin lithium thế hệ mới. Tuy nhiên, chi phí nghiên cứu và đầu tư lớn, nên chưa thể triển khai ngay", ông nói.
Xuất khẩu photpho vàng: Nhu cầu từ Mỹ tăng trở lại
Một cổ đông đặt câu hỏi về tình hình xuất khẩu photpho vàng - mặt hàng chủ lực của công ty - sang thị trường Mỹ. Ông Đào Hữu Duy Anh, Phó Chủ tịch HĐQT, cho biết doanh nghiệp đã xuất khẩu sang Mỹ từ 10 năm nay, có thời điểm đạt 10.000 tấn/tháng. Tuy nhiên, gần đây thị trường chững lại, khiến lượng xuất giảm.
Dù vậy, từ nửa cuối năm ngoái, nhu cầu sản xuất chất bán dẫn tăng cao, giúp sản lượng xuất khẩu phục hồi. Chất lượng sản phẩm được các đối tác Mỹ đánh giá cao, giúp công ty tận dụng lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc dỡ bỏ lệnh hạn chế xuất khẩu photpho vàng, giá sẽ chịu áp lực giảm mạnh.
Cổ phiếu DGC giảm giá: Chủ tịch khuyên nắm giữ
Từ đầu năm, giá cổ phiếu DGC đã giảm gần 15%, còn hơn 99.000 đồng/cổ phiếu vào cuối phiên 31/3. Ông Đào Hữu Huyền chia sẻ sự tiếc nuối với các nhà đầu tư, nhưng nhấn mạnh giá cổ phiếu phụ thuộc vào nhiều yếu tố bên ngoài.
"Công ty trong 5 năm tới sẽ tăng trưởng mạnh hơn, vì vậy tôi khuyên cổ đông nên giữ cổ phiếu, nhưng không nên mua bán thêm", ông khuyến nghị.