Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định phê duyệt phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Theo đó, ngân hàng sẽ được bổ sung hơn 7.657 tỷ đồng theo tờ trình của Ngân hàng Nhà nước để duy trì tỷ lệ sở hữu của Nhà nước.
Vốn bổ sung từ nguồn cổ tức cho cổ đông Nhà nước, thông qua việc Vietcombank phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ phần lợi nhuận sau thuế còn lại của năm 2019 sau trích lập các quỹ, chi trả cổ tức bằng tiền mặt. Ngân hàng Nhà nước hiện đang sở hữu 74,8% vốn Vietcombank.
Theo kế hoạch phân phối lợi nhuận đã được đại hội cổ đông thường niên 2021 thông qua, Vietcombank dự kiến phát hành hơn 1 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 27,6%, từ lợi nhuận còn lại năm 2019 sau khi chia cổ tức 8% bằng tiền.
Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2021, thời điểm cụ thể giao cho HĐQT quyết định sau khi được chấp thuận của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Sau phát hành, vốn điều lệ thêm 10.236,5 tỷ đồng lên hơn 47.325 tỷ đồng.
Ngoài ra, ngân hàng cũng có kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ gần 308 triệu cổ phiếu, tương đương 6,5% vốn điều lệ cho tối đa 99 nhà đầu tư.
Trong đó, phát hành cho đối tác chiến lược Ngân hàng Mizuho để giữ tỷ lệ sở hữu tối thiểu 15% (dự kiến hơn 46,1 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 0,92% tổng số cổ phiếu sau phát hành) trên cơ sở quyết định đầu tư của Ngân hàng Mizuho; phát hành cho các nhà đầu tư khác có thể gồm cả Mizuho dự kiến gần 261,5 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 5,19% tổng số cổ phiếu sau phát hành.
Thời gian thực hiện trong năm 2021 và tiếp tục trong năm 2022 nếu chưa hoàn thành. Giá phát hành sẽ không thấp hơn bình quân giá đóng cửa của 10 phiên gần nhất trước ngày nhà đầu tư thông báo mua. Cổ phiếu sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng một năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán.
Sau khi hoàn tất phát hành riêng lẻ, vốn điều lệ Vietcombank sẽ tăng thêm 3.076 tỷ đồng lên hơn 50.401 tỷ đồng.